Thị trường vàng

Thiết lập khuôn khổ quản lý

> Cần mô hình cho sàn vàng

> Cần mô hình cho sàn vàng

Thị trường vàng đã trở lại ổn định cùng lúc với thị trường ngoại tệ "chợ đen". Đó là tín hiệu tích cực sau khi triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ và các giải pháp mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Tuy nhiên để thực sự ổn định căn cơ, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp người dân, việc tổ chức, quản lý thị trường vàng như thế nào có hiệu quả là việc cần xem xét cẩn trọng.

 Tác động thực tế: tích cực

Tình trạng “vàng hóa” đã làm nền kinh tế luôn phát sinh bất ổn. Nguồn vốn lớn nằm trong dân trong khi doanh nghiệp thiếu vốn và tín dụng thắt chặt. Vì vậy việc chống “vàng hóa” nền kinh tế là nhiệm vụ Chính phủ đặt ra quyết liệt, thể hiện trong Nghị quyết 11, theo đó quy định lộ trình xóa dần hoạt động kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Ngay sau đó, thị trường đã có những phản ứng tích cực: tình trạng đầu cơ, găm giữ vàng trong dân giảm hẳn, các giao dịch mua bán vàng miếng giảm mạnh, thậm chí nhiều người dân đem vàng ra  bán.

Chủ trương siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng đã giúp tỷ giá USD trên thị trường tự do liên tục giảm. Điều này cho thấy nếu Nhà nước điều hành đúng hướng sẽ đưa giá vàng và USD trở về giá trị thực. Giá vàng trong nước đã vận hành theo đúng xu hướng giá vàng thế giới, không còn tình trạng chênh lệch giá quá cao từ 0,7 -1 triệu đồng/lượt so với giá thế giới như trước đây. Chính điều này hạn chế tình trạng nhập lậu vàng làm gia tăng tình trạng đào hối, gây tổn hao nguồn ngoại tệ của đất nước.

Việc quản lý thị trường vàng tiến tới các tiệm vàng chỉ được mua bán vàng nữ trang. Ảnh: T.S

Việc quản lý thị trường vàng tiến tới các tiệm vàng chỉ được mua bán vàng nữ trang. Ảnh: T.S

Trên thực tế, tình trạng giá vàng tăng kích hoạt giá USD tăng đã diễn ra nhiều năm. Do thói quen tích trữ, trao đổi vàng của người dân, mỗi khi nhu cầu vàng tăng cao, giới buôn lậu sẽ gom USD để nhập lậu vàng. Tranh thủ cơ hội, giới buôn USD cũng gom hàng, đẩy giá lên cao. Đã thành quy luật, giá USD trên thị trường tự do chỉ bớt "nóng" khi giá vàng trong nước ngang với giá thế giới và ngược lại. Vì vậy, việc siết chặt quản lý kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do là chủ trương đúng đắn, dần thay đổi thói quen của người dân, hướng nguồn vốn làm lợi cho xã hội.

Song muốn thực hiện có hiệu quả việc này, các chuyên gia cho rằng cần cân nhắc lộ trình và thời điểm thực hiện để cả người dân và giới kinh doanh vàng làm quen với chủ trương này. Bởi không loại trừ vẫn song hành một thị trường vàng “chợ đen” nếu thị trường vàng chính thức không được tổ chức quy củ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, việc kinh doanh vàng miếng tự do như một phương tiện thanh toán trong nền kinh tế không có quốc gia nào làm, là việc cần siết chặt. Đối với tiệm vàng chỉ nên cho phép kinh doanh vàng nữ trang, nếu phát hiện kinh doanh vàng miếng phải phạt thật nặng. Bởi lẽ, ngành vàng là ngành kinh doanh tiền tỷ, nếu chỉ với mức phạt vài trăm triệu đồng thì không tương xứng với quy mô thị trường vàng cũng như sức chịu đựng của giới buôn vàng xuyên biên giới.

Cơ chế quản lý: phù hợp

Chính phủ đã có thông điệp sẽ cấm sử dụng vàng miếng như một phương tiện thanh toán như đã cấm với việc thu đổi ngoại tệ trái phép. Theo nhiều chuyên gia, điều này là hợp lý bởi trên thế giới không xem vàng là phương tiện thanh toán mà chỉ là phương tiện đầu tư và là nơi trú ẩn khi các loại tiền tệ khác mất giá. Vì vậy, tất cả sản phẩm, dịch  vụ trong nước không được định giá bằng vàng niêm yết và thanh toán bằng vàng. Nếu kiên quyết loại trừ việc này dần dần người dân sẽ quen, không còn quy đổi theo giá vàng nữa.

Thiết lập khuôn khổ quản lý ảnh 2 Cần xem vàng như một ngoại tệ mạnh. Trong điều kiện kinh tế nước ta hiện nay, Nhà nước phải quản lý chặt. Phân biệt vàng nguyên liệu như vàng thỏi, vàng miếng là một loại hàng hóa đặc biệt và vàng nữ trang xem như một loại hàng hóa phải quản lý như một ngành công nghiệp sản xuất. Như vậy, cách quản lý phải khác nhau. Việc Nhà nước kiểm soát nhập vàng, phân phối nguyên liệu, sản xuất vàng miếng phải làm sao vừa cung ứng nhu cầu thị trường, đáp ứng nhu cầu tích trữ bằng vàng của người dân nhưng không biến vàng thành phương tiện thanh toán. Bởi một nền kinh tế không thể vừa thanh toán bằng tiền giấy, vừa thanh toán bằng vàng được. Thiết lập khuôn khổ quản lý ảnh 3

TS. Trần Du Lịch,
Thành viên Hội đồng Tư vấn  chính sách tiền tệ

Để hạn chế sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán, thực tế NHNN đã có lộ trình bước đầu trong việc hạn chế huy động và cho vay vàng của các NHTM, nếu cần thiết tiến tới chấm dứt cả huy động và cho vay vàng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc cấm huy động và cho vay vàng là lãng phí nguồn lực xã hội. Bởi lẽ vốn vàng trong dân rất lớn và nhu cầu đầu tư vàng của người dân vẫn tăng, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động.

Nếu không cho các NHTM huy động vàng trong dân sẽ dẫn đến vốn vàng trong dân không xoay chuyển được và NHNN cũng khó có thể nắm bắt được số lượng vàng trong dân cũng như cung cầu vàng để điều tiết thị trường một cách hợp lý. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng cần quản lý chặt chẽ để phát triển thị trường vàng chứ không nên “đóng băng” thị trường.

 Vì vậy, cấm huy động và cho vay vàng cũng chỉ là  giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài nên thành lập sở giao dịch vàng tập trung để khơi thông thị trường vàng, đồng thời tạo dòng chảy cho thị trường dưới sự kiểm soát của NHNN. Điều này giới doanh nghiệp và người dân đang trông chờ Nghị định quản lý thị trường vàng ban hành trong thời gian tới sẽ thiết lập khuôn khổ chặt chẽ nhưng hợp lý.

Xuất - nhập liên thông

Thiết lập khuôn khổ quản lý ảnh 4Cần giải tỏa tâm lý người dân giữ vàng và tích trữ vàng. Nếu thực hiện được điều này, lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng mới khả thi, mới tập trung nguồn vốn trong dân vào mục tiêu phục vụ quốc kế - dân sinh. Làm được như vậy còn kiểm soát được tổng cung, tổng cầu chính xác theo tín hiệu thị trường để đưa ra hạn ngạch nhập khẩu. Ngoài cơ chế xuất nhập khẩu vàng hợp lý, cơ quan quản lý cần quan tâm đến công tác chống buôn lậu vàng. Bởi lẽ không kiểm soát chặt hoạt động buôn lậu, cơ chế quota cũng vô tác dụng.
Thiết lập khuôn khổ quản lý ảnh 5

TS. Lê Thẩm Dương,
Trường Đại học Ngân hàng TPHCM

Thực tế không chỉ hoạt động kinh doanh vàng trên thị trường tự do bị buông lỏng trong thời gian qua, mà cơ chế xuất nhập khẩu vàng ở nước ta hiện nay vẫn chưa hoàn thiện. Trong dự thảo về Nghị định quản lý thị trường vàng, NHNN cho biết trong giai đoạn hai về quản lý thị trường vàng các công ty vàng nữ trang chỉ được dùng nguồn vàng thu mua tại chỗ để làm nguyên liệu sản xuất. Trong trường hợp làm gia công cho nước ngoài thì được xem xét cho tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Khi đó, NHNN sẽ trực tiếp thực hiện việc nhập khẩu àng hoặc thông qua các đầu mối chỉ định và bán lại cho doanh nghiệp gia công vàng trang sức. Tuy nhiên một lãnh đạo ngân hàng cổ phần cho rằng NHNN phải bảo đảm cho phép các đầu mối này xuất nhập khẩu vàng kịp thời theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng mất cân đối cung cầu vàng, dẫn đến sự chênh lệch giá vô lý giữa giá thị trường vàng trong nước và thế giới.

Thực tế cách đây 10 năm, Thái Lan cũng quản lý xuất nhập khẩu vàng bằng quota và thuế xuất nhưng tình trạng buôn lậu vàng vẫn diễn ra. Đến cuối năm 2000, Thái Lan đã bỏ luôn quota, khi đó tình trạng buôn lậu đã giảm xuống và việc giảm thuế đã giúp cho hoạt động kinh doanh vàng ở Thái Lan phát triển khá mạnh. Theo vị lãnh đạo này, ở nước ta hiện nay nên xem lại việc giảm thuế xuất khẩu vàng (hiện tại 10%). Việc đánh thuế này không chỉ không khuyến khích xuất khẩu đem ngoại tệ về cho đất nước mà còn tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu vàng lậu qua biên giới.

Điều quan trọng trước mắt là cần xây dựng một cơ chế xuất-nhập khẩu vàng linh hoạt theo quy luật thị trường liên thông với thị trường vàng trong và quốc tế. Hiện nay, cả nước có 8 đơn vị có đăng ký sản xuất kinh doanh thương hiệu vàng miếng. Theo các chuyên gia, nếu tập trung đầu mối xuất nhập khẩu vàng ở những đơn vị có nhà máy sản xuất vàng miếng, nhất là những thương hiệu vàng có uy tín, được người dân ưa chuộng, sẽ không làm phân tán hạn ngạch nhập khẩu và cơ quan quản lý có thể dễ dàng kiểm soát được nguyên liệu đầu vào và thành phẩm đầu ra, tránh tình trạng các đơn vị gia công vàng miếng nhập nguyên liệu vàng trôi nổi không có xuất xứ, chủ yếu do nhập lậu.

Các tin khác