“Phá băng” hàng tồn

Tại Diễn đàn doanh nghiệp 2012 (VBF 2012) vừa tổ chức đầu tuần này, Tiểu nhóm công tác đất đai của VBF đã đưa ra một số khuyến nghị để “phá băng” tồn kho BĐS trong thời gian tới.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp 2012 (VBF 2012) vừa tổ chức đầu tuần này, Tiểu nhóm công tác đất đai của VBF đã đưa ra một số khuyến nghị để “phá băng” tồn kho BĐS trong thời gian tới.

Miễn giảm thuế

Theo Tiểu nhóm công tác đất đai của VBF, tính đến tháng 9-2012, có tới 70.000 căn hộ để ở vẫn chưa bán được tại Hà Nội và TPHCM. Ông David Lim, Trưởng Tiểu nhóm công tác đất đai, cho rằng trong tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay đây không phải là việc bất thường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn của kinh tế Việt Nam, đây là một “điểm nghẽn” lớn cần được khai thông. Tiểu nhóm công tác đất đai của VBF đưa ra 3 nhóm khuyến nghị để giảm tồn đọng BĐS trong thời gian tới:

Thứ nhất, xem xét cơ chế thuế suất ưu đãi. Theo ông David Lim, một trong những cách thiết thực nhất để khuyến khích các giao dịch BĐS là đưa ra một cơ chế thuế suất ưu đãi dành cho giao dịch BĐS.

Các loại thuế/lệ phí hiện đang được áp dụng cho giao dịch BĐS ở Việt Nam gồm: thuế thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng BĐS; thuế GTGT; lệ phí trước bạ; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Trước đây, các quốc gia khác trong khu vực đã giảm hoặc bỏ các loại thuế tương tự để kích thích các giao dịch BĐS.

Chẳng hạn, năm 2007 Malaysia bỏ thuế thu nhập đối với các giao dịch BĐS bằng một lệnh miễn thuế. Nước này cũng đã miễn lệ phí đăng ký cho một số giao dịch mua nhà trong năm 2008.

Những người mua nhà lần đầu tiên tại Malaysia trong năm 2013 sẽ được miễn 50% lệ phí đăng ký tùy thuộc vào mức giá tối đa của BĐS. Các biện pháp khác có thể cân nhắc là đưa ra một biểu thuế suất giảm dần theo mức thời gian BĐS được người mua nắm giữ.

Tại Malaysia, nếu tài sản được nắm giữ dưới 2 năm áp dụng mức thuế thu nhập 10%. Nếu thời gian nắm giữ từ 2-5 năm, áp dụng mức thuế thu nhập 5%; và nếu thời gian nắm giữ trên 5 năm sẽ không phải nộp thuế thu nhập.

Thu hút khối ngoại

Nhóm giải pháp thứ hai là tăng cường sự tham gia của phía nước ngoài vào thị trường BĐS Việt Nam. Hiện nay các đơn vị nước ngoài không cư trú không được phép thuê hay mua BĐS tại Việt Nam. Cá nhân nước ngoài cư trú và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam được phép mua căn hộ để ở với số lượng hạn chế và chỉ dành cho mục đích để ở của chính mình.

Cởi mở hơn về quy định sở hữu BĐS của kiều bào, người nước ngoài, sẽ góp phần khai thông thị trường BĐS.

Cởi mở hơn về quy định sở hữu BĐS của kiều bào,
người nước ngoài, sẽ góp phần khai thông thị trường BĐS.

Quy định này, theo ông Lim, không thông thoáng bằng một số quốc gia trong khu vực. Chẳng hạn tại Thái Lan, một tỷ lệ phần trăm số căn hộ nhất định trong một khu căn hộ có thể được người nước ngoài mua và sở hữu trực tiếp.

Người nước ngoài cũng có thể sở hữu một phần vốn thiểu số trong một công ty Thái Lan sở hữu BĐS. Tại Singapore, không có hạn chế nào đối với việc người nước ngoài sở hữu căn hộ. Tương tự, tại Malaysia, người nước ngoài có thể mua BĐS để ở và BĐS thương mại với giá cao hơn giá tối thiểu ấn định.

Trong khi đó, Luật Kinh doanh BĐS hiện tại của Việt Nam cấm các cá nhân và tổ chức nước ngoài sử dụng BĐS cho bất kỳ mục đích gì ngoài mục đích để ở. Điều này có nghĩa cá nhân và tổ chức nước ngoài không thể mua BĐS cho mục đích kinh doanh, chẳng hạn như để cho thuê lại.

“Việc xem xét lại quy định cấm trên rất có ích, do quy định cấm này hạn chế khả năng của cá nhân và tổ chức nước ngoài trong việc thu được lợi ích thương mại tối đa từ BĐS của mình” - ông Lim nói.

Theo ông, sẽ rất có ích nếu một công ty xây dựng BĐS có thể bán một số lượng lớn căn hộ trong một tòa nhà cho một nhà đầu tư nước ngoài, rồi sau đó nhà đầu tư nước ngoài có thể bán lại các BĐS đó trên thị trường thứ cấp hoặc cho thuê chúng. Việc thay đổi quy định ngăn cấm nói trên sẽ giúp thị trường BĐS Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư BĐS hơn.

Hạ lãi suất BĐS

Nhóm kiến nghị thứ ba là về cho vay mua BĐS. Theo nhóm công tác, ở hầu hết các nước, nguồn vốn chính để mua BĐS là vay ngân hàng. Dù có thể thu xếp vay vốn ngân hàng từ các ngân hàng tại Việt Nam, lãi suất hiện tại ở Việt Nam là 15%/năm.

Mức lãi suất cao này đã cản bước và làm nản lòng những ai đang muốn mua BĐS. Một cách để khuyến khích người mua là các tổ chức tín dụng cần đưa ra các chương trình cho vay dành cho người mua BĐS với mức lãi suất thấp hơn hoặc đưa ra các kỳ hạn thanh toán linh hoạt hơn. Phía NHNN cần đưa ra các quy định hướng dẫn rõ ràng về điều kiện để được cho vay.

Điều này sẽ giúp nhiều người với mức tài chính giới hạn có thể sở hữu được nhà ở. “Các đặc điểm của mỗi đề xuất đưa ra trên đây có thể được chọn lọc ra để áp dụng tùy theo chính sách của quốc gia và các mục tiêu hướng tới. Tuy nhiên, điểm then chốt là cần phải nhanh chóng và linh hoạt trong việc đưa ra các biện pháp có lợi cho mảng BĐS nhằm giải quyết nhanh mọi khiếm khuyết cụ thể hiện có” - ông David Lim kết luận.

Các tin khác