Giấy phép tạm “cởi trói” vùng quy hoạch treo

Cách Hồ Gươm - trung tâm Thủ đô chừng 3km, đi sâu vào khu dân cư phía đông Hồ Thanh Nhàn dễ dàng bắt gặp những căn nhà chắp vá, siêu vẹo và tạm bợ.

Cách Hồ Gươm - trung tâm Thủ đô chừng 3km, đi sâu vào khu dân cư phía đông Hồ Thanh Nhàn dễ dàng bắt gặp những căn nhà chắp vá, siêu vẹo và tạm bợ.

Không phải người dân không có đủ tiền để cải tạo chỗ ở cho đàng hoàng mà nguyên nhân chính là do họ không được cấp phép xây dựng nên phải chọn giải pháp “làm nhà chui” bởi đất nằm trong quy hoạch, đặc biệt là những vùng quy hoạch bị treo nhiều năm.

“Treo” từ đời này sang đời khác

Câu chuyện về những hộ dân sống trong khu vực quy hoạch như ở Thanh Nhàn không phải là hiếm, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Và theo quy định thì toàn bộ khu vực này sẽ không được cấp sổ đỏ cũng như giấy phép xây dựng nhà mặc dù đây là đất thổ cư được truyền từ đời này qua đời khác.

Bình thường, việc xin cấp phép xây dựng ở khu vực được phép cấp đã là khó bởi thủ tục chồng thủ tục thì với đất trong quy hoạch là không thể. Trong khi đó, có những dự án nằm trong quy hoạch đến hàng chục năm nhưng giờ vẫn chưa được thực hiện thì cái khổ mà người dân đang phải gánh chịu càng lớn.

Nằm trong khu vực quy hoạch phía Đông công viên Tuổi trẻ (Hà Nội) - bà Nguyễn Thị Hồi (khu dân cư 12 Thanh Nhàn) bức xúc: “Quy hoạch này 'treo' chúng tôi hơn 50 năm nay rồi khiến người dân sống không ra sống. Hiện các thế hệ trong gia đình lần lượt trưởng thành và cùng chung sống tại đây theo cấp số nhân lên đã tới còn số hàng chục nhân khẩu. Bởi vậy, người có đất thì muốn chia cho con cháu để xây nhà mà ở cho đàng hoàng, rộng rãi. Nhà nào đất chật thì cũng muốn xây nhiều tầng để có đủ chỗ ở. Thế nhưng, để xin sửa chữa và xây dựng nhà ngay trên mảnh đất của mình là điều vô cùng khó khăn bởi hàng loạt đơn từ, cam kết... mà tất cả chỉ vì đất của mình nằm trong quy hoạch. Nhà nào có điều kiện và 'quan hệ' thì cũng có thể xây lên tầng nhưng cũng phải chấp nhận mất khá nhiều tiền."

Sống trên khu đất này từ những năm 1960, ông Nguyễn Văn Thăng cho biết căn nhà đang ở rất dột nát mặc dù qua năm lần sửa chữa. Bởi vậy, cũng như nhiều người dân trong khu vực này, ông Thăng chỉ mong được xây dựng lại ngôi nhà trên mảnh đất của mình một cách “hợp pháp."

“Dù nằm trong quy hoạch, bị treo bao nhiêu năm nay nhưng chúng tôi vẫn mong muốn cơ quan chức năng mở cửa giúp người dân an cư để còn lạc nghiệp. Khi nào Nhà nước thu hồi, chúng tôi vẫn chấp hành nghiêm túc việc nhận đền bù và bàn giao mặt bằng," ông Thăng khẳng định. Đây cũng là nguyện vọng rất chính đáng của người dân để đảm bảo công bằng.

Cởi trói bằng “giấy phép tạm”

Để đỡ thiệt thòi cho người dân nằm trong vùng đất quy hoạch, giấy phép xây dựng tạm ra đời được kỳ vọng sẽ “cởi trói” giúp người dân có thể cải tạo, xây dựng chỗ ở cho mình một cách hợp pháp, không phải “đi đêm” hay làm chui như hiện nay. Đặc biệt, với tình trạng nhiều khu đất rơi vào tình trạng quy hoạch treo kéo dài thì đây cũng là giải pháp công bằng và quyền lợi của người dân.

Tại Luật Xây dựng sửa đổi cũng quy định cụ thể về điều kiện được cấp giấy phép xây dựng tạm và đây cũng chính là một trong những đổi mới khi sửa Luật để phù hợp với yêu cầu thực tế. Theo đó, điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng tạm sẽ bao gồm khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, công trình phải phù hợp với quy mô công trình do ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố quy định và thời gian thực hiện quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải có cam kết tự phá dỡ công trình khi thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng tạm hết hiệu lực.

Khi đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, một số đại biểu Quốc hội đồng tình với việc yêu cầu chủ đầu tư cần cam kết tháo dỡ không phải bồi thường công trình khi nhà nước thu hồi đất hoặc thực hiện quy hoạch trước thời hạn quy định cấp phép xây dựng tạm. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu sau thời hạn quy định trong giấy phép xây dựng tạm, nhà nước không thực hiện quy hoạch thì cần bồi thường, hỗ trợ cho người dân theo quy định hiện hành.

Theo ông Hoàng Thọ Vinh - Cục phó Cục Hoạt động Xây dựng (Bộ Xây dựng), trước đó, Luật Xây dựng 2003 không có giấy phép xây dựng tạm và tại Luật sửa đổi lần này đã bổ sung điều riêng cho mục này. Theo Luật mới, giấy phép xây dựng tạm không phải là cấp cho công trình tạm nữa mà là cấp cho công trình có thời hạn. Tức là cấp cho những công trình ở những khu vực đã có quy hoạch - nơi đã được cơ quan có thẩm quyền quy hoạch nhưng vẫn chưa sử dụng. Như vậy, người dân ở những khu vực quy hoạch, tùy thời hạn lấy đất sẽ được cấp phép để cải tạo và xây dựng nhà để ở.

Chị Nguyễn Thị Minh Yến, phố Thanh Nhàn, cho rằng việc cấp phép xây dựng tạm là rất cần thiết và nên triển khai kịp thời để đáp ứng mong mỏi của người dân. Chỉ cần được cung cấp chính xác thời gian triển khai thực hiện quy hoạch thì người dân sẽ biết trước mình còn được “bám trụ” tại nơi ở cũ bao lâu. Đó cũng là căn cứ để người dân cấn đối khoản tiền để bỏ ra tu bổ, xây dựng ngôi nhà của mình cho phù hợp, tránh lãng phí. Nếu quy hoạch treo lâu đến hàng chục năm thì nên cho dân xây cao, có thể giới hạn đến ba tầng, còn ngắn thì có thể dựng nhà cấp bốn, nhà mái bằng có thêm tum...

Phấn khởi trước thông tin khu dân cư trong quy hoạch sẽ được cấp phép xây dựng tạm nếu Luật Xây dựng sửa đổi được Quốc hội thông qua, tuy nhiên nhiều người dân cũng bày tỏ lo lắng về các thủ tục hành chính rườm rà khi xin cấp phép. Bởi vậy, nếu không cải cách toàn diện, lại bắt dân đi hết cửa nọ, cửa kia, từ quận xuống phường... thì sẽ khiến nhiều người quay lại cách chọn lựa “chạy ngang, chạy tắt." Còn bản thân những người dân như bà Hồi, ông Thăng đều bày tỏ mong muốn một cuộc sống ổn định, chấp hành theo đúng quy định của pháp luật.

Cho dù đất nằm trong quy hoạch, nhưng trên thực tế, các hộ dân vẫn đang phải nộp 100% tiền sử dụng đất. Trong khi đó, cái “quyền” sử dụng đất của họ vẫn chưa được thực hiện theo đúng nghĩa mà vẫn mang danh “ở tạm."

Nếu chỉ vì vướng quy hoạch mà không cấp phép xây dựng dù chỉ là giấy phép xây dựng tạm thì sẽ khiến các hộ dân ở khu vực này thiệt thòi. Khi người dân vì nhu cầu quá bức bách phải tìm đến cách “làm chui” thì cũng cần có sự tiếp tay của cán bộ quản lý.

Như vậy, nhà trái phép vẫn mọc lên, người dân mất tiền “đi đêm” còn đạo đức cán bộ cũng bị ảnh hưởng gây mất lòng tin của xã hội. Bởi vậy, một thủ tục dù nhỏ nhưng thấu tình đạt lý sẽ giảm bớt đi rất nhiều những tranh chấp và kiện tụng không đáng có.

Các tin khác