Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Còn loay hoay

(ĐTTCO)-Đã có nhiều chính sách ưu đãi nhưng vì sao việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vẫn còn nhiều hạn chế là câu hỏi được đặt ra tại Hội thảo “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” vừa được tổ chức tuần qua.

(ĐTTCO)-Đã có nhiều chính sách ưu đãi nhưng vì sao việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vẫn còn nhiều hạn chế là câu hỏi được đặt ra tại Hội thảo “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” vừa được tổ chức tuần qua.

 

Nguyên nhân được chỉ ra nhiều, vấn đề là giải pháp thực hiện thì dường như chúng ta vẫn còn đang lúng túng, loay hoay khiến khó khăn, nghịch lý trong việc phát triển CNHT vẫn còn khá nhiều.

Đáp ứng thấp

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến nay, trong lĩnh vực linh kiện phụ tùng phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, sản xuất linh kiện phụ tùng kim loại đã đáp ứng được từ 85-90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15-25% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô, khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và khoảng từ 40-60% cho sản xuất máy động lực; Cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành CNHT công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Trong lĩnh vực linh kiện, thiết bị phục vụ cho sản xuất thiết bị đồng bộ (bao gồm sản xuất máy móc thiết bị tàu thủy, điện, than, xi măng…) chiếm khoảng 20% trong tổng giá trị thiết bị.

Đối với lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, hiện đang đáp ứng 30-35% nhu cầu linh kiện điện tử gia dụng. Việc cung ứng của lĩnh vực này cho các lĩnh vực hạ nguồn khác khá thấp: Điện tử tin học, viễn thông chỉ đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ đạt 5%.

Trong lĩnh vực CNHT ngành Dệt may – Da giày, tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may đạt 51,1% vào năm 2015 (năm 2014 đạt 50,4%, năm 2013 đạt 50%). Tương tự, khả năng tự cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành ngành da giày chỉ đạt khoảng 20-25%. Riêng đế giày, nguyên phụ liệu được các DN Việt Nam chủ động tốt nhất, cũng chỉ đáp ứng được 40% -50% nhu cầu sản xuất của ngành nói chung.

Trong lĩnh vực CNHT ngành ô tô, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Inova, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra. Ngành CNHT công nghiệp ô tô đã hình thành, nhưng còn yếu kém, chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, sản phẩm nhựa... Chỉ một số ít DN đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.

Doanh nghiệp khó

Điển hình cho sự hạn chế về năng lực của DN trong việc phát triển CNHT phải kể đến lĩnh vực dệt may - da giày. Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam thì việc đầu tư cho ngành CNHT trong lĩnh vực da giày gần như ngoài khả năng của DN vì phần lớn các DN trong ngành là DN vừa và nhỏ trong khi đầu tư về CNHT cần có nguồn vốn rất lớn. Bên cạnh đó nguồn nhân lực làm chủ được các công nghệ trong ngành CNHT còn thiếu.

Tương tự đối với ngành dệt may, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để giải quyết tình trạng “nút cổ chai” trong khâu dệt nhuộm nhưng các DN trong ngành vẫn đang NK bông gần 100%, NK vải 80%, phụ liệu cũng phải NK tới 70%.

Là một trong những DN mạnh trong ngành CNHT với sản phẩm không chỉ đáp ứng được nhu cầu của các DN trong nước mà còn XK đi nước ngoài, nhưng theo nhận định của đại diện Công ty Nhựa Hà Nội, việc phát triển CNHT gặp phải không ít khó khăn vì nguyên liệu sản xuất trong nước hiện mới đáp ứng được 20-25% nhu cầu. Máy móc thiết bị lạc hậu dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm thấp, không ổn định, giá thành sản phẩm cao. Các DN trong nước với xuất phát điểm thấp, thiếu vốn, thiếu nguồn lực, ý thức của đội ngũ công nhân và kĩ sư chưa cao.

Bên cạnh những khó khăn xuất phát từ nội tại DN, việc phát triển CNHT vẫn còn gặp phải rào cản từ chính sách. Theo phản ánh của đại diện Công ty Toyota Việt Nam, 4 trong 5 quốc gia ASEAN có ngành công nghiệp ô tô đã đưa ra chính sách cụ thể hỗ trợ cho sản xuất ô tô nhưng Việt Nam, mặc dù đã có Quy hoạch ngành công nghiệp ô tô nhưng chính sách hỗ trợ lại chưa rõ ràng, cụ thể.

Giải pháp nào?

Phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” vừa được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Hạn chế rất lớn của các DN Việt Nam đó là chưa chú trọng công tác nghiên cứu phát triển. Đây là tình trạng chung của không chỉ DN Việt Nam mà còn cả các DN FDI. Tuy nhiên, bên cạnh hạn chế từ DN cũng còn có những hạn chế trong khâu triển khai thực hiện các chính sách mà nguyên nhân sâu xa chính là sự “xa cách” giữa DN và cơ quan quản lý nhà nước.

Đây cũng là nguyên nhân khiến cho ngành CNHT phát triển không như kì vọng dù đã có rất nhiều chính sách ưu đãi. Để khắc phục những điểm yếu nêu trên, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương rà soát một cách kỹ lưỡng, tổng thể những cơ chế, chính sách hiện có, đề xuất các cơ chế mới để có sự hỗ trợ phù hợp, hiệu quả nhất cho DN. Trong hỗ trợ DN, cần nghiên cứu cơ chế lựa chọn ưu tiên để hỗ trợ các DN có tiềm lực, có khả năng đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, từ đó tạo ra những hạt nhân trong từng ngành CNHT “kéo” theo các DN khác trong ngành.

Để phát triển ngành CNHT, theo kiến nghị của Bộ Công Thương, Chính phủ cần bố trí nguồn vốn và giao Bộ Công Thương sớm hoàn thiện đầu tư xây dựng hệ thống Trung tâm phát triển CNHT; Ban hành Chương trình phát triển CNHT với nguồn kinh phí theo kế hoạch để Bộ Công Thương triển khai các hoạt động phát triển ngành CNHT. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các Bộ: Tài Nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội… sớm ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định của Nghị định 111/2015/NĐ-CP.

Cụ thể là hướng dẫn các Dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục ưu tiên được vay với lãi suất ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho hạng mục xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường của Dự án; ưu đãi về tiền thuê đất, mặt nước; bổ sung các quy định hiện hành đối với chuyên gia và lao động nước ngoài có trình độ cao… Cùng với đó, ban hành cơ chế tín dụng phù hợp đối với các dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục ưu tiên phát triển.

Ngoài ra, để đẩy nhanh sự phát triển của ngành CNHT, đại diện các địa phương cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng kế hoạch dự toán kinh phí thực hiện chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2016-2020, xây dựng trình Chính phủ phê duyệt Quy chế xây dựng quản lý và thực hiện Chương trình phát triển CNHT; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để ban hành Thông tư hướng dẫn. Sau khi hoàn chỉnh thủ tục đề nghị tổ chức tập huấn cho địa phương thực hiện.

Các tin khác