PCI 2010 - Cảnh báo thụt lùi

 

Hôm qua 16-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2010 (PCI 2010). Bảng xếp hạng 2010 cho thấy các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong triển khai chương trình cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, như đào tạo lao động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp… PCI 2010 cũng ghi nhận những kết quả đạt được khác nhau của các địa phương, như Đà Nẵng năm thứ 3 liên tiếp duy trì vị trí dẫn đầu, trong khi Bình Dương sau 3 năm liên tiếp dẫn đầu (2005-2007) nay đứng thứ 5 và lần đầu tiên rớt khỏi nhóm có chất lượng điều hành “Rất tốt”. Bên cạnh đó là sự cảnh báo về 2 đầu tàu kinh tế cả nước là Hà Nội và TPHCM đều giật lùi trong PCI 2010: TPHCM lần đầu tiên rớt khỏi hạng “Tốt” xuống “Khá”, giảm 7 bậc, đứng vị trí 23; Hà Nội tụt 10 vị trí xuống thứ 43.

 Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại trong PCI 2010 đến từ những vấn đề mang tính vĩ mô. Đó là xu hướng giảm điểm ở những lĩnh vực đã từng có nhiều tiến bộ trước đây và cần phải có sự thay đổi như chi phí gia nhập thị trường và tính minh bạch. Từng được coi có sự thay đổi lớn nhất qua các cuộc điều tra PCI trước đây và là lĩnh vực tốt nhất trong 9 lĩnh vực của môi trường kinh doanh, nhưng nay chỉ số chi phí gia nhập thị trường đang tụt giảm. Giai đoạn 2006-2009, thời gian đăng ký kinh doanh trung bình đã giảm một nửa so với trước đó. Nhưng trong năm 2010 cải cách này có xu hướng chững lại. Số ngày đăng ký kinh doanh mới hay sửa đổi đều dừng ở mức năm 2009, lần lượt là 10 và 7 ngày. Số giấy tờ nộp bổ sung tăng lên và theo đó tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng để hoàn thành các thủ tục pháp lý cho việc chính thức hoạt động, tăng từ 19,35% năm 2009 lên 24,39% năm 2010; doanh nghiệp chờ hơn 3 tháng tăng từ 4,44% lên 5,77%.

Về tính minh bạch, PCI năm 2010 lặp lại sự lo ngại đã cảnh báo trong PCI 2009. Đó là hầu hết chỉ tiêu chỉ số tính minh bạch năm 2010 đều tụt giảm so với năm 2009. Khả năng tiếp cận tài liệu cũng như văn bản liên quan đến hoạt động kinh doanh đều giảm. Với thang điểm đánh giá từ 1-5, trong đó 1: không thể tiếp cận và 5: rất dễ tiếp cận, khả năng tiếp cận các tài liệu kế hoạch có điểm trung bình 2,31%, giảm so với 2,44% của năm 2009, xuống mức thấp nhất trong 6 năm tiến hành điều tra PCI. Khả năng tiếp cận các văn bản pháp luật được đánh giá trung bình 3,05 điểm so với 3,11 điểm của năm 2009, giảm xuống gần với mức năm 2007. Để tiếp cận các thông tin, tài liệu kế hoạch, việc doanh nghiệp sử dụng mối quan hệ đang tăng lên. Có đến 78,64% doanh nghiệp qua điều tra PCI 2010 cho biết cần có quan hệ để tiếp cận thông tin của tỉnh, tăng hơn 17% so với năm 2009. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong 6 năm qua của chỉ tiêu này.

Điều đáng buồn, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia góp ý về các chính sách, quy định của Nhà nước trong năm 2010 giảm, chỉ đạt 22,37% so với 25,21% của năm 2009, tức xấp xỉ 4/5 doanh nghiệp chưa từng tham gia góp ý về các quy định, chính sách của Nhà nước. Chỉ số minh bạch sụt giảm trong năm 2009 và tiếp tục giảm trong năm 2010 là chỉ báo đáng lo ngại về môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Chỉ số này tác động lớn nhất đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và là một trong hai chỉ số có trọng số cao nhất trong hệ thống các chỉ số thành phần của PCI.

Chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chống trì trệ, quan liêu... đã được xác định là những mục tiêu quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng việc vận hành trong thực tế tại các địa phương cho thấy vẫn còn khoảng cách khá xa giữa chủ trương và thực hiện. Sự thụt lùi của các chỉ số trên cho thấy Chính phủ cần có những biện pháp mạnh tay hơn trong việc tuân thủ quy định pháp luật, nêu cao trách nhiệm các tỉnh trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Các tin khác