Xót xa tiền thuế

Đại biểu Quốc hội Hà Nội, ông Trịnh Ngọc Thạch đưa  thí dụ,  làm 1km đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mất khoảng 267 tỷ đồng, tương đương 12,7 triệu USD. Trong khi Trung Quốc làm chỉ có 5 triệu USD/km, Hoa Kỳ chỉ mất 4,5 triệu USD/km. Như vậy, làm đường cao tốc Việt Nam đắt hơn gấp 3 lần Hoa Kỳ và 2,6 lần Trung Quốc.

Câu chuyện suất đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam cao gấp nhiều lần so với các nước một lần nữa được xới lên tại hội nghị cho ý kiến vào dự án Luật Đầu tư công diễn ra tuần qua.

Đại biểu Quốc hội Hà Nội, ông Trịnh Ngọc Thạch đưa  thí dụ,  làm 1km đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mất khoảng 267 tỷ đồng, tương đương 12,7 triệu USD. Trong khi Trung Quốc làm chỉ có 5 triệu USD/km, Hoa Kỳ chỉ mất 4,5 triệu USD/km. Như vậy, làm đường cao tốc Việt Nam đắt hơn gấp 3 lần Hoa Kỳ và 2,6 lần Trung Quốc.

Đây không phải lần đầu tiên chuyện làm đường cao tốc ở Việt Nam đắt hơn các nước khiến dư luận bức xúc, nhưng dường như cho đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Giải thích tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) Đinh La Thăng nêu ra nhiều nguyên nhân mang tính đặc thù của Việt Nam, như vấn đề địa chất thủy văn, giải phóng mặt bằng...

Tuy nhiên, vị tư lệnh ngành giao thông cũng thẳng thắn thừa nhận có chuyện nhà thầu bắt tay nhau để trúng thầu bằng mọi giá, sau đó cố tình kéo dài thời gian dẫn tới trượt giá để xin điều chỉnh. Thậm chí, có tình trạng nhà thầu cố tình không triển khai dự án đúng tiến độ, vin vào đó xin điều chỉnh nhiều hạng mục, dự án. Nếu nhận định này là chính xác, quả là rất xót xa cho những đồng tiền thuế của dân đang được mang đi nộp vào túi cho những người làm đường cao tốc.

Xem xét một số dự án cao tốc hoàn thành gần đây, có thể thấy rõ lỗ hổng mà Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ ra là có cơ sở. Theo kết quả kiểm toán vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố ở dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, chủ đầu tư và nhà thầu tư vấn khảo sát đã cùng nhau bỏ qua việc khảo sát địa chất công trình khi gặp nền đất yếu theo quy định, lựa chọn phương án thiết kế ban đầu chưa tối ưu... khiến dự án bị kéo dài từ quý I-1999 cho đến tháng 5-2005 mới được phê duyệt.

Đây chính là nguyên nhân làm dự án đội giá từ 3.734 tỷ đồng lên tới 8.974 tỷ đồng. Như vậy, chỉ với “chiêu” này, suất đầu tư của cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã tăng gấp 2,4 lần so với dự tính ban đầu. Một dự án lớn khác có diễn biến tương tự là cao tốc Láng - Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long, Hà Nội). Dự án này được khởi công tháng 3-2005 với tổng mức đầu tư 5.379 tỷ đồng.

Nếu đúng tiến độ (làm xong trong 30 tháng), Đại lộ Thăng Long sẽ có suất đầu tư bình quân hơn 179 tỷ đồng/km. Tuy nhiên, do dự án triển khai chậm, đến tháng 10-2007, Bộ GT-VT đã phải điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng lên đến 7.527 tỷ đồng. Theo đó, giá đầu tư mỗi km lên đến hơn 250 tỷ đồng, cao gấp 1,3 lần so với dự tính ban đầu.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam dài 776km. Tính đến nay có 5 tuyến đường cao tốc đã hoàn thành với tổng chiều dài 167km. Như vậy, trong khoảng 6 năm tới chỉ tính riêng tuyến Bắc - Nam sẽ phải làm tiếp trên 600km đường cao tốc.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, suất đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam từ 12-28 triệu USD/km, trung bình khoảng 15 triệu USD/km. Để làm thêm 600km sẽ cần số vốn đầu tư khoảng 9 tỷ USD, tương đương 180.000 tỷ đồng. Nhưng nếu với cách làm kéo dài dự án để “thổi giá” như ở một số dự án cao tốc kể trên, chắc chắn số vốn đội lên để đầu tư 600 km cao tốc mới sẽ lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Để có vốn làm đường cao tốc, Chính phủ áp dụng nhiều hình thức đầu tư như BOT (đầu tư, kinh doanh, chuyển giao), BTO (đầu tư, chuyển giao và khai thác), BT (đầu tư, chuyển giao) và PPP (phối hợp đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân).

Nhưng dù với hình thức đầu tư nào ngân sách cũng phải bỏ một phần vốn đối ứng từ nguồn đóng thuế, đóng phí cầu đường của dân. Những lỗ hổng khiến chi phí đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam đội lên quá cao đã được chỉ đích danh. Vấn đề là phải bịt lại bằng cách nào, để không phải xót xa khi tiền thuế của dân bị chi dùng lãng phí, không hiệu quả?

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Bộ đang chấn chỉnh lại theo hướng ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu. Gắn trách nhiệm người đứng đầu, người chịu trách nhiệm trước công việc được giao.

Quyết tâm của vị tư lệnh ngành đã rõ, nhưng việc thực hiện ra sao phải chờ kết quả thực tế triển khai các dự án đường cao tốc sắp tới. Và tất nhiên, để giải quyết vấn đề nan giải này, không chỉ một mình Bộ trưởng Thăng làm được, mà cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của nhiều bộ, ngành liên quan; cùng với sự đổi mới cơ chế chính sách về đầu tư, xây dựng cơ bản, đấu thầu theo hướng công khai, minh bạch.

Các tin khác