Trốn thuế toàn cầu (k2): Lan rộng

Không chỉ có các công ty và những người giàu ở Hoa Kỳ mới trốn thuế. Trong thực tế, hoạt động trốn thuế trải rộng khắp toàn cầu với số tài sản trốn thuế của các cá nhân giàu có ước tính 21.000-32.000 tỷ USD mỗi năm (xem ĐTTC ngày 9-8-2012).

Không chỉ có các công ty và những người giàu ở Hoa Kỳ mới trốn thuế. Trong thực tế, hoạt động trốn thuế trải rộng khắp toàn cầu với số tài sản trốn thuế của các cá nhân giàu có ước tính 21.000-32.000 tỷ USD mỗi năm (xem ĐTTC ngày 9-8-2012).

> Trốn thuế toàn cầu (k1): Làn sóng Hoa Kỳ

Trung Quốc: thi trốn thuế

Theo một báo cáo của Tổng cục thuế Trung Quốc hồi tháng 7, nước này tổn thất khoảng 1.000 tỷ NDT (157 tỷ USD) vì nạn trốn thuế năm 2011. Tạp chí Cheng Ming (Hồng Công), nơi đầu tiên trích đăng báo cáo, cho biết báo cáo là kết quả hợp tác điều tra giữa Trung tâm Nghiên cứu của Quốc hội và Ủy ban Cải tổ và phát triển Quốc gia. Báo cáo nêu rõ có 8 đối tượng trốn thuế chính, trong đó lớn nhất là các doanh nghiệp nhà nước, chiếm 26-28% số tiền trốn thuế.

Phản ứng trước báo cáo này, trong cuộc họp Quốc hội vào tháng 7, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo kêu gọi các quan chức tăng cường điều tra các hoạt động trốn thuế, khám phá những quỹ phi pháp do Đảng ủy và chính quyền các địa phương lập nên, và điều tra những khoản tiền lương chi cho các nhân viên nhà nước không tồn tại. Ông cũng thúc giục các quan chức trở nên minh bạch hơn.

Trong khi đó, theo Cheng Ming, Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn triệu tập một hội nghị với các quan chức cấp tỉnh, đặc biệt những tỉnh có tình hình trốn thuế nghiêm trọng, để thúc giục chống trốn thuế. Tại hội nghị, ông Vương cho rằng Trung Quốc nay đã trở thành một thiên đường trốn thuế nổi tiếng cả với người trong và ngoài nước, là một sự sỉ nhục cho các điều luật và quy định hiện có.

“Một số giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhà nước và các công ty đại chúng thậm chí còn thi với nhau xem ai có thể trốn thuế nhiều nhất hay thiết lập nhiều quan hệ với các quan chức chính phủ nhất” - ông Vương nói.

Anh: dịch vụ trốn thuế

Vào tháng 6, nước Anh một phen xôn xao khi danh hài Jimmy Carr bị phanh phui dính líu vào đường dây trốn thuế K2. Điều khiến người ta sốc là danh hài này nổi tiếng với những tiểu phẩm và phát biểu đả kích người trốn thuế (xem ĐTTC ra ngày 25-6).

Theo Cơ quan Quản lý thuế và hải quan Anh (HMRC), K2 là hệ thống cung cấp dịch vụ trốn thuế được hơn 1.000 người có thu nhập cao ở Anh sử dụng.

Các bước trốn thuế của đường dây này như sau: Đầu tiên, khách hàng “nghỉ việc”; sau đó ký hợp đồng làm việc với một công ty nước ngoài ở các thiên đường trốn thuế; công ty nước ngoài cho công ty khách hàng làm việc ở Anh thuê lại chính họ, tiền lương được trả cho công ty ở nước ngoài; công ty nước ngoài sau đó trả lương cho khách hàng ở mức thấp hơn nhiều, nhưng cho họ “vay” hàng ngàn bảng; các khoản vay này được khấu trừ thuế, do đó giúp giảm đáng kể số thuế phải trả cho Chính phủ Anh.

Biểu tình phản đối trốn thuế ở Anh.

Biểu tình phản đối trốn thuế ở Anh.

Các nhà báo của BBC, Guardian (Anh) và Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) có trụ sở tại Washington (Hoa Kỳ) đã hợp tác điều tra để làm rõ cơ chế vận hành của ngành “công nghiệp trốn thuế” tại Anh. Khi tìm đến các công ty cung cấp dịch vụ trốn thuế, một nhà báo đóng giả một doanh nhân có tài sản 6 triệu bảng trong một tài khoản không công bố ở Thụy Sĩ, được tư vấn chuyển tiền vào một cấu trúc phức tạp liên quan một tổ chức ở thiên đường né thuế Belize, mà anh có thể kiểm soát bí mật.

James Turner của Turner Little ở York, chuyên việc thành lập các công ty trốn thuế, bảo đảm với doanh nhân giả danh rằng công ty của ông đã thành lập 10.000 cấu trúc kiểu như vậy và đều hoạt động bảo đảm bí mật. “Chúng tôi đã yêu cầu cơ quan thuế trong nước điều tra những khách hàng có sử dụng những công ty đó, và họ đều chẳng phát hiện gì” - ông Turner nói. Cấu trúc phức tạp do Turner đề xuất cho nhà báo nọ cũng liên quan đến việc sử dụng các giám đốc danh nghĩa để giúp khách hàng không phải làm những công việc giấy tờ.

“Nhưng họ thậm chí không hề biết mình là giám đốc, họ chỉ làm để kiếm tiền” - theo Turner. Jonathan Fisher QC, một trong những công ty luật hàng đầu của Anh trong lĩnh vực tội phạm cổ trắng, nói tiến trình giúp trốn thuế của những công ty như Turner có thể dẫn đến các vi phạm nghiêm trọng như rửa tiền cho các hoạt động tội phạm.

Điều tra của các cơ quan thuế và truyền thông cho biết nhiều doanh nghiệp ở Anh đóng thuế rất ít, thậm chí không đóng thuế trong nhiều năm trời. Mới đây, BBC đưa tin CEO Peter Long của Tui Travel thừa nhận đã không đóng một xu tiền thuế nào cho khoản lợi nhuận 390 triệu bảng năm ngoái.

Một cuộc điều tra kéo dài 4 tháng của Reuters cho biết hãng Starbucks chỉ trả 8,6 triệu bảng tiền thuế cho 14 năm hoạt động ở Anh, thậm chí báo lỗ dù có lời. Hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất ở Anh là Amazon đã thu về hơn 3,3 tỷ bảng năm 2011, nhưng không trả một xu tiền thuế nào, trong khi Google Anh trả 6 triệu bảng tiền thuế cho 395 triệu bảng doanh thu năm 2011.

Theo Cơ quan Kiểm toán quốc gia Anh (NAO), trong giai đoạn 2004-2011, khoảng 2.300 đường dây trốn thuế được HMRC phát hiện. Trong 4 năm qua, xuất hiện thêm 100 đường dây mới. NAO ước tính các đường dây trốn thuế này cung cấp dịch vụ cho khoảng 30.000 người giàu có.

Dù đến nay HMRC đã truy tố một số hoạt động trốn thuế tiêu biểu, nhưng để phanh phui hết những đường dây trốn thuế và buộc họ phải trả giá trước pháp luật là công việc tốn nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên. Một trở ngại lớn là đa phần các dịch vụ trốn thuế này đều sử dụng những cách thức không vi phạm luật pháp hiện hành, như trường hợp đường dây K2 mà danh hài Carr đã sử dụng.

---------------

Kỳ 3: Nỗ lực kiểm soát

Các tin khác