“Bịt đáy” bội chi ngân sách

Theo TS. Trần Du Lịch, Nghị quyết 11 ngày 24-2-2011 của Chính phủ ban hành 7 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tuy hơi chậm so với diễn biến của tình hình, nhưng có thể xem là “liều thuốc mạnh” không chỉ mang tính chất tình thế, mà còn có ý nghĩa tạo điều kiện để thực hiện các chính sách kinh tế - tài chính hướng đến một nền kinh tế lành mạnh, ổn định vĩ mô cho những năm sau.

Theo TS. Trần Du Lịch, Nghị quyết 11 ngày 24-2-2011 của Chính phủ ban hành 7 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tuy hơi chậm so với diễn biến của tình hình, nhưng có thể xem là “liều thuốc mạnh” không chỉ mang tính chất tình thế, mà còn có ý nghĩa tạo điều kiện để thực hiện các chính sách kinh tế - tài chính hướng đến một nền kinh tế lành mạnh, ổn định vĩ mô cho những năm sau.

Trong các nhóm giải pháp, có thể nói 2 nhóm giải pháp về tiền tệ và tài khóa đóng vai trò quyết định đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Với kế hoạch kéo giảm tốc độ tăng tín dụng năm 2011 ở mức dưới 20% và tổng phương tiện thanh toán ở mức 15-16%, chính sách tiền tệ cũng chỉ ở mức độ “chặt chẽ, thận trọng”, trong khi chính sách tài khóa có phần mạnh mẽ hơn: Thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước, với nhiều biện pháp cụ thể như cắt giảm chi thường xuyên 10% (tính cả cắt giảm 10% đầu năm là 20%); không ứng vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ năm 2012; không kéo dài thời gian thực hiện dự án; ngưng, hoãn, giãn tiến độ các công trình đầu tư năm 2011 chưa cấp bách; rà soát các dự án đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước… nhằm kéo giảm bội chi ngân sách nhà nước dưới 5% GDP trong năm nay.

Với các giải pháp trên chắc chắn sẽ tác động làm giảm tổng cầu của nền kinh tế và do đó cũng làm giảm nhập siêu, giảm nợ công, tạo điều kiện để hướng đến mục tiêu xa hơn là giải quyết các cân đối vĩ mô bền vững hơn, như thu - chi ngân sách, cán cân vãng lai, tiết kiệm - đầu tư, tích lũy - tiêu dùng... Nếu nhìn lại các chính sách công cụ kinh tế vĩ mô thực hiện trong 3 năm qua, có thể thấy các giải pháp của Chính phủ lần này thể hiện khá đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, cùng hướng đến mục tiêu thực sự ưu tiên kiềm chế lạm phát, nếu thực thi triệt để chắc chắn sẽ đạt kết quả.

Nhìn lại tình hình đầu tư và chi tiêu công trong những năm gần đây cho thấy một thực tế nhức nhối. Đó là tình trạng bội chi ngân sách triền miên, ngày càng lớn, nhu cầu đầu tư công như “chiếc thùng không đáy”. Các dự án đầu tư triển khai thiếu đồng bộ và không tuân thủ nguyên tắc chi phí cơ hội, đã góp phần tăng nhanh hệ số ICOR. Trong năm 2009-2010, để thúc đẩy tăng GDP, khu vực đầu tư công - bao gồm đầu tư ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước - đã tăng mạnh, thu hút một khối lượng tín dụng khá lớn; trong đó một phần bội chi ngân sách còn dựa vào tín dụng thương mại. Ngay cả trái phiếu của Chính phủ cũng dựa chủ yếu vào ngân hàng thương mại, phần huy động trực tiếp từ công chúng chiếm tỷ trọng nhỏ. Có một thực tế không lành mạnh phát sinh trong nền kinh tế là cả các thành phần kinh tế lẫn ngân sách nhà nước đều dựa chủ yếu vào nguồn vốn của hệ thống ngân hàng thương mại. Một khối lượng tiền khá lớn được đưa vào khu vực này, nhưng do tiến độ đầu tư kéo dài, thiếu đồng bộ, kém hiệu quả nên không tạo ra khối lượng tài sản thực tế tương ứng đóng góp vào sự tăng trưởng GDP.

Do đó, từ chính sách tài khóa thắt chặt lần này nên tính đến việc tái cấu trúc đầu tư và chi tiêu công theo hướng xây dựng một nền tài chính công tích cực và hiệu quả, tránh tình trạng khi tình hình “êm” một chút lại “nới lỏng”, sẽ khiến nền kinh tế trở lại đi vào vòng luẩn quẩn. Nguyên nhân sâu xa của sự bất ổn kinh tế vĩ mô tiềm ẩn trong cơ cấu của nền kinh tế, trong đó có cơ cấu thị trường tài chính nói chung và chính sách tài khóa nói riêng. Vấn đề đặt ra cần xem xét và thực thi một cách nghiêm túc là chính sách tài chính - tiền tệ không chỉ hướng vào các giải pháp tình thế, phục vụ các mục tiêu ngắn hạn, mà cần phải lồng ghép và tạo ra sự đồng bộ trong việc thực hiện các chính sách điều tiết vĩ mô nhằm từng bước cơ cấu lại thị trường tài chính, tạo điều kiện để phát triển bền vững, phục hồi niềm tin của nhà đầu tư hướng vào các hoạt động dài hạn.

Các tin khác