Hàng Tết đã sẵn sàng

(ĐTTCO) - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán, mùa mua sắm lớn nhất trong năm của người tiêu dùng Việt. Nhằm đón đầu cơ hội này, hầu hết các DN đều đã có sự chuẩn bị rất chu đáo.

(ĐTTCO) - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán, mùa mua sắm lớn nhất trong năm của người tiêu dùng Việt. Nhằm đón đầu cơ hội này, hầu hết các DN đều đã có sự chuẩn bị rất chu đáo.

Đa dạng hàng hóa

Theo báo cáo của Sở Công Thương TPHCM, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết trên 17.000 tỷ đồng, tăng 860 tỷ đồng (5,3%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Bính Thân 2016 (16.200 tỷ đồng), trong đó giá trị hàng bình ổn thị trường trên 6.800 tỷ đồng. Trong đó 1 tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 29-12-2016 đến 27-01-2017 (mùng 1 đến 30 tháng Chạp), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị khoảng 9.700 tỷ đồng, giá trị hàng bình ổn thị trường khoảng 3.700 tỷ đồng. Lượng hàng chuẩn bị tăng bình quân 15-20% so với kế hoạch TP giao và tăng 25-45% so kết quả thực hiện Tết Bính Thân 2016. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối 35-52% thị phần như: Thịt gia cầm (chiếm 59,6%), thịt gia súc (35,5%), gạo (33,3%), dầu ăn (34,5%), đường (43,4%), trứng gia cầm (48%)...

Sở Công Thương TP cho biết một số đơn vị như Sài Gòn Co.op sẽ chuẩn bị 105.000 tấn hàng hóa, trị giá hơn 3.000 tỷ đồng; Satra chuẩn bị lượng hàng trị giá hơn 1.400 tỷ đồng. Riêng tại 3 chợ đầu mối, lượng hàng hóa nhập về dịp Tết dự kiến khoảng 8.500 tấn/ngày, chủ yếu là rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản (chiếm khoảng 60-70% thị trường). Các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn cũng đã có kế hoạch tăng lượng hàng cung ứng gấp 2-3 lần mức bình thường. Đối với một số mặt hàng như nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn dịp Tết vào khoảng 40 triệu lít bia và 45 triệu lít nước giải khát một tháng, tăng 30% so với tháng thường. Riêng lượng bia với nguồn cung đảm bảo nên giá cả sẽ không tăng. Các mặt hàng bánh, mứt, kẹo dự báo sẽ tiêu thụ khoảng 18.000 tấn.

Để đáp ứng tốt cho kế hoạch chung của TP cũng như tranh thủ mùa mua sắm lớn nhất năm này, hầu hết các DN đều chuẩn bị rất chu đáo từ nguồn hàng đến các sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe hơn của người tiêu dùng. Cụ thể, dù chỉ tiêu TP giao cho Công ty Ba Huân chuẩn bị 18 triệu quả trứng gà, 12 triệu quả trứng vịt, 500 tấn thịt gà công nghiệp và 90 tấn thực phẩm chế biến nhưng công ty đã có kế hoạch tăng lượng hàng lên 20 triệu quả trứng gà, 13 triệu trứng vịt, 800 tấn thịt gà công nghiệp và 150 tấn thực phẩm chế biến. Hay như Vissan sẽ cung ứng các sản phẩm thịt tươi sống gồm thịt heo VietGap và thịt bò với sản lượng 3.000 tấn và 3.200 tấn thực phẩm chế biến các loại. Vissan còn dự trữ thêm từ 15-20% sản lượng hàng hóa phòng khi thị trường có biến động. Ngoài ra công ty cũng tung ra một số dòng sản phẩm mới cho mùa Tết năm nay như giò hoa và xúc xích Happy.

Đặc biệt năm nay, Sở Công Thương TPHCM đang triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin. Đề án dự kiến đưa vào vận hành trước Tết Đinh Dậu 2017 với sự tham gia của nhiều trang trại chăn nuôi lớn như Vissan, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, HTX Tiên Phong, CP Việt Nam, Japfa Việt nam, CJ Vina Agri...; các nhà máy giết mổ lớn như Vissan, An Hạ, CTCP Thực phẩm Hóc Môn...; 2 chợ đầu mối thịt heo lớn (Bình Điền, Hóc Môn); các hệ thống phân phối lớn: Sài Gòn Co.op, Satra, Big C, Sagrifood... và 3 chợ truyền thống bán lẻ (Thái Bình, An Đông, Bến Thành).

Dây chuyền sản xuất xúc xích của Vissan. Ảnh: LONG THANH

Dây chuyền sản xuất xúc xích của Vissan. Ảnh: LONG THANH

Tin tưởng sức mua tăng

Mùa Tết, các DN không chỉ nhắm đến nhu cầu tiêu dùng mà còn hướng đến việc biếu tặng của người tiêu dùng. Và sự chuẩn bị bao giờ cũng song hành, Tập đoàn KIDO cùng 2 công ty thành viên là Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) và CTCP Dầu thực vật Tường An nghiên cứu và tung ra thị trường 78.000 tấn dầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng và biếu tặng của người Việt. Năm nay, KIDO giới thiệu các hộp quà bao gồm sản phẩm dầu ăn đóng chai được đầu tư chu đáo về mẫu mã cũng như chất lượng, đồng thời chuyển tải những thông điệp ý nghĩa đầu năm mới. Đánh giá về sức mua mùa Tết nói chung và dành riêng cho sản phẩm dầu ăn nói riêng, phía KIDO cũng đưa ra một vài dẫn chứng như theo kết quả khảo sát năm 2016, trong hơn 120 ngành hàng tiêu dùng nhanh, dầu ăn là sản phẩm trong top 3 ngành hàng được quan tâm mua sắm để sử dụng trong gia đình và làm quà tặng trong dịp Tết.

Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng năm 2016 (CCI) tại Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức tích cực và điều này chỉ ra rằng người dân vẫn sẵn lòng chi nhiều tiền để mua sắm, nhất là trong dịp lễ tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Khá nhiều DN khác cũng có niềm tin về sức mua của người tiêu dùng năm nay như Công ty TNHH Liên doanh Topcake chia sẻ kế hoạch hàng Tết năm 2017 tăng mạnh 50% so với năm 2016. Và để làm được điều này, ngay từ khi hết mùa Tết năm trước, công ty đã có những kế hoạch cụ thể cho mùa Tết năm nay với sản lượng và chủng loại phong phú, gồm 50 sản phẩm phục vụ dịp Tết.

Bà Lâm Ngọc Thẩm, Tổng giám đốc Topcake, chia sẻ: “Đầu năm 2016 Topcake đã đầu tư dây chuyền bánh trứng nướng, đồng thời tăng công suất các dây chuyền khác để chuẩn bị một lượng hàng cũng như một số sản phẩm thế mạnh như bánh tươi đóng gói, bánh bông lan nướng trong từng tách giấy, đến nay tất cả đã sẵn sàng cho mùa Tết 2017". Với ngành hàng bánh kẹo, có một áp lực rất lớn từ hàng hóa nhập ngoại như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, hoặc Anh, Pháp, Đan Mạch… Điều này cộng thêm tâm lý chuộng ngoại của người tiêu dùng nên cuộc chiến bánh kẹo mùa Tết cũng khá căng thẳng. Riêng về giá, hầu hết các DN đều cho biết sẽ cố gắng giữ giá, nếu có tăng cũng không đáng kể, thậm chí nhiều DN sẽ lấy dịp này để tăng cường khuyến mại nhằm kích thích người tiêu dùng mua sắm hàng hóa trong nước nhiều hơn.

Có thể thấy sự chuẩn bị chu đáo của các DN sẽ mang đến cho người tiêu dùng một cơ hội lựa chọn những sản phẩm, hàng hóa đa dạng, an tâm chất lượng và hợp túi tiền trong dịp Tết năm nay.

Các tin khác