Chưa phát hành thẻ theo chuẩn EMV

NHNN cho biết đang xem xét lộ trình chuyển đổi công nghệ bảo mật thẻ quốc tế sang chuẩn EMV và chuẩn thẻ chip cho thẻ nội địa. Tuy nhiên, đến nay các NHTM đã thực hiện việc này ra sao? Xoay quanh vấn đề này, Bà NGUYỄN TÚ ANH, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ thẻ Smartlink, cho biết:

NHNN cho biết đang xem xét lộ trình chuyển đổi công nghệ bảo mật thẻ quốc tế sang chuẩn EMV và chuẩn thẻ chip cho thẻ nội địa. Tuy nhiên, đến nay các NHTM đã thực hiện việc này ra sao? Xoay quanh vấn đề này, Bà NGUYỄN TÚ ANH, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ thẻ Smartlink, cho biết:

Hiện tại các NHTM ở Việt Nam đã chuyển đổi sang chuẩn EMV cho hầu hết loại thẻ quốc tế, từ thẻ Visa, MasterCard đến JCB, American Express. Việc làm này trước hết theo yêu cầu tổ chức thẻ quốc tế chuyển đổi từ bảo mật của NH thanh toán sang NH phát hành, nhằm chống giả mạo trên toàn cầu, trong đó EMV là giải pháp hữu hiệu để bảo mật cho thẻ quốc tế. Tuy nhiên, chưa NHTM nào tiến hành chuyển đổi thẻ nội địa qua chuẩn EMV vì nhiều lý do.

Thứ nhất, dự án chuyển đổi sang EMV có chi phí không nhỏ, bởi hiện nay số lượng thẻ nội địa đã đạt trên 46 triệu.

Thứ hai, thẻ ghi nợ nội địa hoàn toàn bảo mật với số pin được áp dụng trên tất cả giao dịch từ ATM, đến POS. Các NHTM đã cùng Smartlink triển khai thanh toán qua cổng thanh toán của Smartlink. Chúng tôi hoàn toàn tin về tính bảo mật và thực tế đã chứng tỏ những giao dịch này chưa bị làm giả mạo.

Tuy nhiên, không có nghĩa là không có tình trạng ăn cắp thông tin, nhất là việc đặt camera tại các ATM thời gian qua đã xảy ra. Câu chuyện đổi EMV cho thị trường Việt Nam còn rất dài, đang trông chờ vào những tiêu chuẩn của NHNN đưa ra, nhưng đến nay NHNN vẫn chưa có dự án về vấn đề này.

- Đánh giá của bà về thị trường thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua?

- Trong 10 năm qua (từ năm 2003 đến nay), thị trường thanh toán không dùng tiền mặt nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Về phương tiện thanh toán, nếu năm 2003 chỉ mới có thẻ và tài khoản, thì những năm gần đây có thêm ví điện tử, dù chưa được sử dụng rộng rãi nhưng cả nước hiện nay đã có 7 đơn vị được cấp phép triển khai thí điểm.

Về kênh thanh toán, năm 2003, ATM hay thậm chí POS còn là khái niệm rất mới trên thị trường, nhưng đến nay gần 50 triệu người dân Việt Nam đã sử dụng ATM. Không chỉ có POS và ATM mà còn có kênh giao dịch điện tử, SMS Banking, Mobile Banking, Internet Banking, đang phục vụ hữu hiệu cho khách hàng của các NHTM.

Thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh thời gian qua.

Thị trường thanh toán không dùng tiền
mặt tăng trưởng mạnh thời gian qua. 

Về tính liên thông, năm 2003 ngoài thẻ quốc tế có thể sử dụng POS trong hệ thống NHTM, thẻ ATM của NH nào chỉ giao dịch được ở ATM NH ấy. Thời điểm đó chỉ có 2-3 NHTM triển khai hệ thống ATM, nhưng đến nay đã có sự liên thông của tất cả NHTM trong toàn bộ thị trường ATM, POS.

Các dịch vụ khác cũng đang dần tiến tới sự liên thông. Điều đặc biệt, không chỉ có sự liên thông giữa các NHTM với nhau mà còn giữa khối NHTM với khối cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Riêng Smartlink, chúng tôi đã cung cấp dịch vụ thanh toán cho tất cả các hãng hàng không như Vietnam Arlines, VietJet Air… hay cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho các công ty viễn thông (MobiFone, VinaPhone, Viettel).

Smartlink cũng cùng với một số đơn vị cổng thanh toán khác cung cấp dịch vụ thanh toán cho gần 500 đại lý internet tại Việt Nam. Tuy nhiên, mảng quan trọng khác như thanh toán điện, nước, thuế… đến nay mới phát triển mang tính đơn lẻ ở từng NH với đơn vị riêng lẻ, chưa có sự liên thông toàn bộ thị trường.

Smartlink cũng như Banknet Việt Nam cũng chưa cung cấp được dịch vụ này. Nhưng tôi tin trong thời gian tới sẽ có những biến chuyển khác.

Một thông tin quan trọng là năm 2011 số tiền mặt chi ra từ hệ thống ATM trên thị trường Việt Nam là 600.000 tỷ đồng, chiếm 82% doanh số sử dụng thẻ ATM của khách hàng, chỉ 18% sử dụng những dịch vụ không rút tiền mặt như chuyển khoản, xem thông tin, thanh toán hóa đơn…

Trong số này chưa đến 1% doanh số (tức chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng dùng cho thanh toán hàng hóa và dịch vụ năm 2011). Với kết quả này, có thể nói thị trường thanh toán không dùng tiền mặt nước ta những năm qua đã có những bước phát triển.

Tuy nhiên, phải thấy rằng thực tế vẫn còn rất nhiều bất cập và cũng còn manh mún, mang tính tự phát, chưa đạt chuẩn quốc tế, bởi tiềm năng lớn nhưng định hướng chưa rõ ràng, trong khi nhận thức của người tiêu dùng còn thấp.

- Theo bà, phải chăng người dân còn ngại thanh toán không dùng tiền mặt vì sự bất tiện hay vì tính bảo mật?

- Mâu thuẫn lớn nhất giữa các NHTM hiện nay về cung ứng dịch vụ giao dịch điện tử là làm sao cân bằng giữa tính bảo mật cao và tính tiện dụng. Bởi nếu bảo mật quá cao, xác thực quá nhiều lớp sẽ ảnh hưởng đến sự tiện lợi của người sử dụng.

Những bất cập này chúng tôi đang trông chờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chức năng, NHNN. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều NHTM, công ty chuyển mạch đã có những sự hợp tác thành công trong cung ứng dịch vụ giao dịch điện tử và tôi tin rằng sẽ có những bước hợp tác tốt hơn trong thời gian tới.

NHNN cũng đang chỉ đạo Smartlink và Banknet Việt Nam sáp nhập thành trung tâm chuyển mạch thống nhất trên toàn thị trường, với kỳ vọng công ty này sẽ mang tầm vóc quốc gia để có thể thực thi nhiệm vụ lớn hơn trong đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại thị trường Việt Nam.

Chúng tôi rất mong các NHTM thành viên có sự hợp tác tốt hơn nữa trong giai đoạn chuyển đổi, đồng thời cam kết sẽ không làm giảm chất lượng dịch vụ cung cấp cho các NHTM thành viên cũng như các đối tác trên thị trường.

- Xin cảm ơn bà.

Các tin khác