Tô Ngọc Vân - Người đặt nền móng hội họa Việt Nam

(ĐTTCO) - Danh họa Tô Ngọc Vân (1906-1954) là một trong “tứ kiệt” của hội họa hàng đầu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam: nhất Trí (Nguyễn Gia Trí), nhì Vân (Tô Ngọc Vân), tam Lân (Nguyễn Tường Lân), tứ Cẩn (Trần Văn Cẩn).

 Ông vừa là người mở đường, vừa là người đặt nền móng đầu tiên và góp nhiều công xây dựng tiền đồ vẻ vang của hội họa hiện đại Việt Nam thế kỷ 20.

Bậc thầy nghệ thuật tranh sơn dầu
Tốt nghiệp khóa II Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, lĩnh hội đầy đủ kiến thức hội họa châu Âu do các thầy Pháp truyền dạy, nhưng Tô Ngọc Vân đã sớm có ý thức tiếp thu tinh hoa khoa học sơn dầu châu Âu, vẽ theo quan niệm tạo hình truyền thống phương Đông và có nhiều ảnh hưởng đến phong cách sơn dầu của các thế hệ họa sỹ hậu sinh. Về kỹ thuật vẽ sơn dầu, Tô Ngọc Vân đã đạt đến trình độ bậc thầy.
 Tô Ngọc Vân là người thầy thân thiết của tôi. Mỗi lần nhớ đến anh là nhớ dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, tay cầm ba-toong, đầu đội mũ vải tự vẽ kiểu, và đặc biệt nhớ nụ cười tươi rói, thoải mái luôn đọng trên môi với đôi mắt chứa chan tình cảm. 25 sinh viên khóa mỹ thuật kháng chiến (năm 1946) chúng tôi luôn quấn quýt bên anh, vì anh rất dễ gần. Thầy luôn dạy chúng tôi rằng nhân dân nuôi chúng ta cơm ăn áo mặc chúng ta phải trả lại nhân dân bằng hội họa, bằng tác phẩm của mình.

Ngay từ khi còn là sinh viên, ông đã có 3 tác phẩm sơn dầu được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật đầu tiên ở Sài Gòn tháng 12-1930 và được nhiều người hâm mộ về phong cách diễn tả, như “Ánh mặt trời”, “Bụi chuối ngoài nắng” và “Trời dịu”. Nhiều tác phẩm sơn dầu của ông đến nay vẫn được đánh giá là những kiệt tác của nền mỹ thuật Việt Nam. 
Khi cảm thụ tranh của ông, người ta dễ dàng nhận ra âm hưởng của Gauguin (Pháp) trong bức “Lễ vật”, cũng như phảng phất ảnh hưởng của bích họa Ajanta (Ấn Độ) trên bức lụa “Quà cưới”, hay của hội họa Nhật Bản ở bức lụa “Hai em bé mục đồng”... Qua những thể nghiệm đầu tay, những tác phẩm của ông đã sớm lộ ra tính cách của một họa sĩ duy sắc: ưa thích thể chất đẹp, say sưa với ánh sáng, với những phản quang phong phú của màu sắc nồng nàn... Những nét riêng được trau dồi đã trở thành định hình cơ bản trong phong cách Tô Ngọc Vân những năm sau này. 
Năm 1931 và 1932, ông gửi tranh tham gia Triển lãm Mỹ thuật tại Paris, Pháp và được tặng Huy chương Vàng với bức tranh sơn dầu “Bức thư”. Cũng năm 1932, ông được cấp Bằng danh dự Phòng triển lãm họa sĩ Pháp và được bầu là hội viên Hội họa sĩ Pháp. Từ năm 1935 đến 1939, ông được cử đi dạy họa ở trường Sisowath ở Phnom Penh, Campuchia.
Tô Ngọc Vân - Người đặt nền móng hội họa Việt Nam ảnh 1 Thiếu nữ bên hoa huệ.
Tại đây, ông đã sáng tác nhiều bức tranh với những đặc trưng của con người, phong cảnh của đất nước Chùa Tháp. Đặc biệt, đầu năm 1946 ông được giới thiệu vào Bắc Bộ phủ vẽ tranh và nặn tượng Bác Hồ. Ông đã sáng tác bức tranh sơn dầu “Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ phủ”, bức tranh chân dung sơn dầu đẹp nhất của ông sáng tác về Bác. Tháng 4-1954, vào lúc chiến trường Điện Biên Phủ ác liệt nhất, Tô Ngọc Vân đã lên đường ra mặt trận. Ông đã trực tiếp tham gia và ghi lại không khí ác liệt của chiến trường cũng như sinh hoạt thường nhật của bộ đội ta ở Điện Biên qua các tác phẩm sơn dầu như: “Giáo viên dân tộc Thái,” “Cho ngựa ăn,” “Qua đèo,” “Qua suối,” “Trú quân”… 
Tô Ngọc Vân - Người đặt nền móng hội họa Việt Nam ảnh 2 Tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé” được xếp hạng Bảo vật quốc gia.  
Ở Tô Ngọc Vân, hội họa Tây Âu tuy đã đi vào lý trí nhưng lại thông qua tâm hồn dân tộc, chính điều này đã làm cho tranh sơn dầu của ông có màu sắc riêng, đạt đến độ ổn định. Đương thời, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã viết: "Đi xa hơn cả vẫn là Tô Ngọc Vân, ông đạt tới trình độ sơn dầu mà ít nghệ sĩ Việt Nam nào sánh kịp và đã đi trước cả thẩm mỹ quan của công chúng".

Những kiệt tác về thiếu nữ
Đề tài thiếu nữ luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các họa sĩ. Với người nghệ sĩ, đó không chỉ là vẻ đẹp của hình sắc mà còn là cái đẹp trong quan niệm. Đó là hình ảnh bất biến nhưng không bất định mà uyển chuyển, biến tấu kỳ diệu trong từng cây cọ, lúc mờ khi tỏ trong vô vàn sắc điệu. Với Tô Ngọc Vân cũng vậy. Vừa giảng dạy, ông vừa sáng tác những bức sơn dầu đã trở nên nổi tiếng như “Buổi trưa” (1936), “Thiếu phụ ngồi bên tranh tam đa” (1942), “Bên hoa” (1942), “Thiếu nữ bên hoa huệ” (1943), “Thiếu nữ bên hoa sen” (1944), “Hai thiếu nữ và em bé” (1944)... Tôi chỉ xin nói về 2 bức tranh tiêu biểu nhất của ông.
Trong bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ”, qua bút pháp tả thực ấn tượng phương Tây với cảm quan phương Đông của Tô Ngọc Vân, người thiếu nữ mặc áo dài trắng đang nghiêng đầu một cách tự nhiên về phía lọ hoa huệ trắng, hiện ra trong dáng vẻ trữ tình, trong sáng, gợi điều gì đó vừa thanh cao, bình lặng. Với bố cục chặt chẽ, hoàn hảo, cách sử dụng màu điêu luyện, "Thiếu nữ bên hoa huệ" đã thể hiện được cái mềm mại gợi cảm ở đường cong trên đùi thiếu nữ và nhất là cách dùng dao gạt bớt lớp sơn phía trên để lộ ra lớp sơn hồng bên dưới tạo nên sắc ửng hồng trên má thiếu nữ.
Bố cục tranh được quy về hình chữ nhật, hình dáng cô gái cùng những chi tiết và màu sắc xung quanh tạo thành một hình khối giản dị, toát lên một nét buồn vương vấn, nhẹ nhàng. Tô Ngọc Vân đã rất thành công cho người xem thấy được vẻ đẹp đầy đặn, mặn mà, đằm thắm của thiếu nữ. Đặc biệt, những bông hoa huệ to, nổi bật bởi màu trắng tinh khiết như mang theo hương thơm thoang thoảng, cùng cái thanh tao, huyền diệu của loài hoa này. Toàn bộ bức tranh như thầm kể với người xem về một cô gái trong trắng, ngây thơ nhưng cũng đầy ưu tư.
Một trong những tác phẩm đẹp nhất của danh họa Tô Ngọc Vân là “Hai thiếu nữ và em bé” đã trở thành Bảo vật Quốc gia năm 2014. Trong tác phẩm tác giả đã chọn một góc ấm cúng trong ngôi nhà để hai thiếu nữ (hai chị em) có thể ngồi tâm sự. Người chị mặc áo vàng trong dáng ngồi đoan trang trên chiếc chõng tre, dáng dấp thiếu phụ toát lên từ cử chỉ hai bàn tay chắp vào nhau, nếp áo dài rủ là mềm mại. Cô em mặc áo trắng, nếp áo bối rối xô lệch theo dáng ngồi bồn chồn bất an.
Trong lòng cô đang dâng trào sóng gió tình yêu ban đầu khó nói. Cần sự khuyên bảo nơi người chị. Sự xuất hiện đứa bé trai đang ngồi nghịch dưới sàn nhà cho thấy đây là một thiếu phụ hạnh phúc với cuộc sống gia đình viên mãn. Bức mành buông lơ lửng một bên cho thấy ngoài kia là cành cây phù dung hoa trắng tinh khiết, ánh nắng phản chiếu làm đôi má hai chị em phớt hồng trên khuôn mặt trái xoan kiều mỵ. Cảnh gia đình Việt Nam xưa hiện lên trong từng chi tiết kiến trúc cảnh vật, con người. Toàn bộ bức tranh là hòa sắc vàng tươi lộng lẫy chan hòa ánh sáng thiên nhiên gần gũi.
Điều làm người ta càng trân trọng là những thiếu nữ trong tranh sơn dầu của Tô Ngọc Vân đều có vẻ đẹp dịu dàng, thuần khiết, giàu nữ tính nhưng hoàn toàn không gợi khêu chút khoái cảm nhục thể, hoặc mang dáng vẻ kiêu kỳ, mơ hồ như cách thể hiện theo khuynh hướng hiện đại (modernism) như lập thể (cubism), trừu tượng (abtraction… của các họa sĩ cùng thời.
Họ duyên dáng, kín đáo và tế nhị, lịch sự, quý phái trong từng cử chỉ, dáng điệu khiến người xem có cảm tưởng họ sinh ra từ không khí, ánh sáng và những cánh hoa. Và dường như chung quanh họ được bao bọc bởi một không gian êm đềm, thơ mộng. Vẻ đẹp của họ là vẻ đẹp của phụ nữ Hà Nội, phụ nữ Á Ðông: Mong manh mà bền vững, bí ẩn mà quyến rũ, lúc nào cũng như đắm chìm, soi rọi vào thế giới nội tâm chính mình; ngay cả nỗi buồn thành thực, ngây thơ của họ cũng hết sức đáng yêu.
Có thể nói những tác phẩm hội họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân để lại là những “viên gạch” đầu tiên tạo dựng nền móng vững chắc cho hội họa của dân tộc Việt Nam chúng ta phát triển sau này.

Các tin khác