Tình yêu với một điệu hò

(ĐTTCO) - Có lịch sử ra đời khoảng 5 thế kỷ và chỉ tồn tại duy nhất ở làng Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, điệu hò Cửa đình là một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo. 

Cho đến nay các thế hệ già trẻ ở Phú Nhiêu vẫn nối tiếp nhau gìn giữ điệu hò như chính tình yêu với quê hương, đất nước. 

 Điệu hò qua 5 thế kỷ Chúng tôi về làng Phú Nhiêu vào những ngày cuối tháng 7 oi nóng. Tại phòng trưng bày truyền thống thôn Phú Nhiêu, cụ Lương Tất Tố, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hò Cửa đình, tâm sự: “Khi còn bé, tôi đã thấy các cụ diễn xướng hò Cửa đình trong ngày hội rằm tháng Tám (Tết Trung Thu) hàng năm của làng. Theo những tài liệu chúng tôi có được, có thể khẳng định hò Cửa đình ra đời vào khoảng đầu thế kỷ 16 (tức thời vua Lê - chúa Trịnh). Như vậy cho đến nay điệu hò đã tồn tại qua 5 thế kỷ”. Làng Phú Nhiêu cũng là nơi duy nhất ở mảnh đất Hà Tây cũ khởi thủy và lưu truyền điệu hò Cửa đình đến ngày hôm nay. Cũng theo cụ Lương Tất Tố, hò Cửa đình chính là một loại hình diễn xướng tập thể, các thành viên là những “giai hò” được tuyển chọn kỹ càng trong làng. Tất cả đều phải là nam giới, 16 tuổi trở lên. Thời phong kiến, người tham gia vào hội “giai hò” đều rất nghèo, không có tiền mưu sinh. Họ nương vào lời ca tiếng hát để tiếp thêm tin yêu cuộc sống từ đó hăng say lao động, có một tương lai tươi sáng hơn.  Không giống bất kỳ loại hò dân gian nào, hò Cửa đình Phú Nhiêu cầu chúc cho già trẻ, gái trai, cầu chúc cho toàn thể các tầng lớp sĩ, nông, công, thương, ngư, tiều, canh, mộc… trong xã hội và thậm chí cầu mong điều tốt đẹp cho cả những con trâu, con gà, con lợn... Chính vì thế, mọi người coi hò Cửa đình như một loại sử thi dân gian của người dân nơi đây. Bài hò Cửa đình theo nguyên bản Hán Nôm gồm 517 câu theo thể 3 chữ, 4 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ,… Mỗi chầu hò phải diễn xướng đủ nội dung của toàn bộ 517 câu, theo 3 phần: Bài giáo (là những lời chào), bài hò (lời ngợi ca) và bài khóng (lời chúc tụng). Mỗi bài có một âm điệu, thể loại và hình thức diễn đạt khác nhau, mang nội dung khác nhau. Trong mỗi bài ấy lại có những điệp khúc ở đầu hoặc cuối câu.
Tình yêu với một điệu hò ảnh 1 Thế hệ cao tuổi truyền dạy hò Cửa đình cho lớp trẻ ở sân đình. 
Cách diễn xướng hò Cửa đình được cụ Lương Tất Tố giảng giải như sau: những người tham gia diễn xướng (khoảng 40-50 người), chia làm 2 nhóm. Nhóm đứng cái là những người có giọng hò tốt, thuộc bài, đứng vào giữa gian chính điện của đình làng, chia làm 3 hàng, mỗi hàng 5-6 người làm nhiệm vụ lĩnh xướng. Nhóm thứ 2 những người còn lại, chia đứng 2 bên tả, hữu đình làng làm nhiệm vụ hò nhép. Tất cả các “giai hò” phải ăn mặc chỉnh tề, quần trắng, áo the xanh, khăn xếp. Mỗi chầu hò phải đứng hơn 2 giờ nhưng nghiêm túc theo quy định lễ nghi của làng, ai làm sai sẽ bị phạt. Gìn giữ muôn đời sau Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1946-1975) các “giai hò” Phú Nhiêu đã hừng hực khí thế lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cao cả. Họ đã mang điệu hò của quê mình cùng ra chiến trường như tiếp thêm nghị lực, sức mạnh. Trong thời gian đó, ở tại làng quê, những cụ cao tuổi vẫn gìn giữ điệu hò quê mình. Những đêm trăng thanh, gió mát các cụ lại cùng nhau ra sân đình cất cao điệu hò quê hương. Sau chiến tranh, hò Cửa đình bắt đầu hồi sinh ở một thời kỳ mới. Minh chứng cho điều đó, năm 1984 hò Cửa đình Phú Nhiêu đã tham gia hội diễn văn hóa, văn nghệ dân gian tỉnh Hà Sơn Bình (tên cũ tỉnh Hà Tây, Hòa Bình) và đoạt giải nhất toàn đoàn.  Cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, từng giữ chức Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, đã hết lời ca ngợi: “Hò Cửa đình là cách diễn xướng dân gian độc đáo, cần sưu tầm, lưu giữ cho muôn đời sau”. Năm 1997, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam giúp đỡ làng Phú Nhiêu thành lập câu lạc bộ, có quay phim, chụp ảnh lại lưu giữ lâu dài. Tháng 7-2003, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đã trực tiếp về trao quyết định công nhận Câu lạc bộ Hò Cửa đình và múa hát bài Bông ở làng Phú Nhiêu là “địa chỉ văn hóa” của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Thành lập năm 2013, Phòng Trưng bày truyền thống thôn Phú Nhiêu ra đời. Đây là nơi lưu giữ những tài liệu, hình ảnh và kỷ vật  của hò Cửa đình suốt 5 thế kỷ qua.   Cụ Lương Tất Tố, năm nay đã 83 tuổi, tự hào cho biết: Hiện nay câu lạc bộ có 92 thành viên, gồm 3 thế hệ. Thế hệ đầu gồm 9 cụ cao niên từ 70 tuổi trở lên. Thế hệ thứ 2 gồm 48 người từ 16-60 tuổi, và thế hệ thứ 3 từ 10-15 tuổi gồm 35 em. Tất cả các em thiếu niên nam yêu thích hò Cửa đình đều được tham gia câu lạc bộ. Người mới học phải mất 20 ngày để thuộc điệu, còn để thuộc lời bài hát tương đối khó, vì rất dài. Cụ Lương Đức Lộc, 84 tuổi, chia sẻ: “Nhóm mấy người thất, bát cổ lai hy chúng tôi nếu giờ nhắm mắt xuôi tay cũng chẳng lo nữa, vì chúng tôi đã truyền lại được những gì tinh túy nhất của hò Cửa đình cho các cháu rồi”. Em Phạm Văn Đạt, mới 14 tuổi nhưng đã có thâm niên 4 năm tham gia câu lạc bộ, dí dỏm nói với: “Tham gia câu lạc bộ hò của quê mình là một mong ước từ bé của cháu. Khi còn nhỏ cháu đã thấy các cụ hò hay lắm, nên cũng thấy thích và cháu muốn giống các cụ, được hát, được biểu diễn tại đình làng”. Trong các năm 2011 và 2015, Hà Nội đã đem hò Cửa đình tham dự Liên hoan Hát dân ca toàn quốc do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức. Cả 2 lần đi thi hò Cửa đình đều đoạt giải A. Cụ Lương Tất Tố nhắc lại lời của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh: “Hò Cửa đình quý như một loại vàng ròng trong kho tàng văn hóa dân gian của vùng đồng bằng Bắc bộ”.

Các tin khác