Thưởng thức ẩm thực ở phố hàng rong

(ĐTTCO) - 2 phố hàng rong tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp (quận 1, TPHCM), không chỉ mang đến cho các hộ kinh doanh cơ hội buôn bán ổn định, tập trung mà còn mang đến không gian tươi mới cho người dân và du khách khi thưởng thức nét văn hóa ẩm thực mới của TPHCM.
 
Bách Tùng Diệp: Vừa thưởng thức, vừa dạo công viên
11 giờ trưa, chúng tôi có mặt ở công viên Bách Tùng Diệp (góc Lý Tự Trọng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1), phố hàng rong thứ 2 của TPHCM. Những hộ kinh doanh ở đây đang khá tất bật bởi lượng khách đến mỗi lúc một đông. Ấn tượng đầu tiên với những thực khách lần đầu ghé phố hàng rong này là không gian thoáng đãng, 15 quầy hàng sạch sẽ, gọn gàng, những hàng ghế đặt trước các quầy hàng đều có mái che để khách có thể an tâm thưởng thức dù mưa hay nắng. Không gian công viên rộng rãi nên khách có thể để xe ngay tại chỗ để tham quan và ăn uống. 
Người bán hàng ở khu phố hàng rong này đều đeo bảng tên, phía trước quầy hàng ghi rõ món ăn và giá tiền để khách có thể thoải mái lựa chọn. Khá nhiều món ăn, uống được bán ở đây như cơm văn phòng, bún bò Huế, bánh canh, súp cua, phá lấu, nước mía… với mức giá  hợp túi tiền. Chúng tôi chọn cho mình món phá lấu bò (22.000 đồng/phần) và nước mía sầu riêng (10.000 đồng/ly) ở 2 gian hàng sát cạnh nhau.
Chủ quầy phá lấu, chị Ngọc Thảo, vui vẻ giới thiệu về món ăn và cả món nước chấm làm từ chanh dây rất kỳ công và cũng là đặc sản của quầy chị. Chị kể trước đây bán ở khu chợ cũ, nay về đây vẫn chưa quen khách nhiều, nhưng bù lại có chỗ bán hàng khang trang hơn. “6 tháng đầu chúng tôi được hỗ trợ mọi chi phí, chỉ việc mang hàng vào bán, còn được tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm nên khách hàng cứ an tâm thưởng thức” - chị Thảo cho biết.
Thưởng thức ẩm thực ở phố hàng rong ảnh 1 Phố ẩm thực Bách Tùng Diệp. 
Trò truyện thêm với mấy người bán hàng xung quanh, ai nấy đều rất vui vẻ vì vào buôn bán ở phố hàng rong không phải nơm nớp lo cảnh chạy hàng vì bị dẹp lề đường, không phải trả tiền thuê chỗ, không phải đầu tư quầy hàng, bàn ghế... Tuy nhiên, do khung giờ bán từ 6-9 giờ và 11-14 giờ và 30 hộ luân phiên kinh doanh tại 15 quầy hàng, nên nhiều hộ doanh thu chưa bằng so với trước kia dù lượng khách đến khá đông. 
Thưởng thức ẩm thực ở phố hàng rong ảnh 2 Phố ẩm thực Nguyễn Văn Chiêm 
Chị Thu Hường, một thực khách đi cùng nhóm bạn, chia sẻ từ ngày có phố hàng rong này trưa nào chị cũng cùng bạn ra đây ăn, vì giá hợp lý và vấn đề an toàn thực phẩm cũng an tâm hơn. “Chỉ đơn giản gọi món bún thịt nướng nhìn muỗng đũa được gói vào túi nilon nhỏ cẩn thận cũng đã cảm thấy ngon miệng hơn ăn hàng rong ở ngoài” - chị Hường chỉ vào món ăn của mình và nói. Việc hình thành những con phố hàng rong như tại Công viên Bách Tùng Diệp không chỉ phục vụ nhu cầu của thực khách tại gần những khu vực này, mà xa hơn sẽ là điểm dừng chân của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Ẩm thực đường phố vốn là một nét đặc sắc của du lịch TPHCM, thế nhưng nhiều du khách ngán ngại khi thưởng thức cũng bởi mối lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm, lại thêm cảnh vừa ăn vừa lo chạy nếu có công an hay dân phòng tới dẹp lòng đường. 

Nguyễn Văn Chiêm: Ăn trưa, đọc sách
Trước khi phố hàng rong ở công viên Bách Tùng Diệp được đưa vào hoạt động, cuối tháng 8 vừa qua, quận 1 đã khai trương phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm. Gọi là phố hàng rong nhưng ở Nguyễn Văn Chiêm chỉ là một đoạn khá ngắn, nằm ở khúc giao với đường Hai Bà Trưng với 20 quầy hàng của 40 hộ luân phiên kinh doanh. Điểm khác biệt rõ nét nhất so với phố hàng rong ở công viên Bách Tùng Diệp, là ở đây không có ghế cho thực khách ngồi ăn, do không gian vỉa hè khá hẹp, chủ yếu phục vụ khách mang đi và nếu có số ít khách ngồi lại chủ quầy sẽ sử dụng ghế nhựa nhỏ. Tuy vậy, không khí mua bán ở 2 khung giờ theo quy định 6-9 giờ và 11-14 giờ vẫn luôn tấp nập nhờ nằm ngay gần các tòa nhà cao ốc, nơi có nhiều nhân viên văn phòng.
Cũng chung tâm lý với những hộ kinh doanh ở phố hàng rong này, những người buôn bán ở đây cảm thấy vui vì có chỗ bán hàng ổn định, quầy hàng sạch sẽ, khang trang. Ngưng tay xào mì, chị Hằng kinh doanh tại khu hàng rong này, tươi cười cho biết lượng khách thời gian qua khá ổn định, buôn bán lại hợp pháp nên đa phần người kinh doanh ở đây đều rất vui. 
Và sau khi ghé phố ẩm thực Nguyễn Văn Chiêm, thưởng thức vài món ngon với mức giá vừa túi tiền, lại an tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu còn dư thời gian hãy rảo bộ thêm một quãng đường để đến với đường sách TPHCM (nằm trên đường Nguyễn Văn Bình), một nét văn hóa đặc sắc của TP mang tên Bác, nơi gặp gỡ của những người yêu văn hóa đọc.
Đến với đường sách TPHCM không chỉ tìm thấy những đầu sách mới ở rất nhiều lĩnh vực, mà còn được sống lại cảm giác trong những quầy sách cũ. Đường sách TPHCM không chỉ là điểm dừng chân của khách trong nước, mà rất nhiều du khách nước ngoài cũng chọn đây như điểm thăm quan không thể bỏ qua. Ở đường sách cũng có những quán cà phê phục vụ nhu cầu dừng chân của khách đến tham quan, mua sách. 
 Có thể thấy, những năm gần đây TPHCM đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, và một trong số đó chính là hình thành những con phố chuyên doanh, mang đến những điểm nhấn đẹp, tươi mới và nhiều ý nghĩa trong lòng người dân TP cũng như khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với TPHCM. Để rồi khi rời đi, du khách vẫn có lý do chính đáng để muốn quay lại cảm nhận những đổi thay của TP trẻ và năng động này.

Các tin khác