Thời của văn chương thương mại

(ĐTTCO) - Mùa xuân Kỷ Hợi 2019 đánh dấu thế kỷ 21 đã đi qua hai thập niên. Đó là khoảng thời gian đủ để hình thành một thế hệ cầm bút mới chăng? Trong hàng triệu cuốn sách được ra đời mỗi năm, không khó để nhận ra sự góp mặt của các tác giả trẻ TPHCM và các tỉnh phía Nam. 

Chủ đề tình yêu và đời sống cá nhân
Với đặc thù của đô thị tụ hội, TPHCM được nhiều bạn trẻ chọn lựa làm nơi mưu sinh và cũng làm nơi sáng tạo. Không ít cây bút trẻ từ các tỉnh đã thành danh tại TPHCM, nhưng cũng có vài trường hợp cắm rễ bền chặt vào mảnh đất chôn nhau cắt rốn của họ để viết lách, thỉnh thoảng mới có cuộc giao lưu cùng độc giả và đồng nghiệp TPHCM, như Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận) Tạ Anh Thư (Bình Dương) Võ Diệu Thanh (An Giang) Nguyễn Thị Việt Hà (Cà Mau)… Nói như Nguyễn Ngọc Tư: “Nếu chuyển hẳn lên Sài Gòn sinh sống, tui chỉ có cách ra đường bán bắp nướng, không thể cầm bút giữa không khí ngột ngạt”. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, những tác giả trẻ ở TPHCM và các tỉnh lân cận đã tạo nên một diện mạo văn chương phương Nam qua những tác phẩm mang nặng ân tình thương nhớ.
Trước đây, văn chương trẻ phương Nam sôi động nhờ báo chí. Ngoài những chuyên san dành cho giới trẻ như Áo Trắng hoặc Mực Tím, hầu hết cơ quan truyền thông đều có trang sáng tác để khích lệ người trẻ cầm bút. Bây giờ, báo chí đối mặt áp lực kinh tế, không còn mấy mặn mà với văn chương nữa. Cũng may, sự phát triển của internet đã giúp tác giả trẻ có những diễn đàn trên mạng cởi mở hơn. Từ những trang cá nhân, tác giả trẻ khéo léo tạo sự liên kết với bạn đọc và hình thành một lượng độc giả đông đảo. Sức ảnh hưởng của thế giới ảo đã sản sinh ra những cuốn sách thật có số lượng in hàng chục ngàn bản cho Hamlet Trương, Iris Cao hoặc Gào, Phan Ý Yên… 
Thời của văn chương thương mại ảnh 1 Nhiều tác giả trẻ đoạt giả “Văn học tuổi hai mươi”. 
Tại buổi tọa đàm “Văn học trẻ TPHCM - Một góc nhìn” do Hội Nhà văn TPHCM phối hợp Trường Đại học Khoa học xã hội - Nhân văn tổ chức, Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Thúy cho rằng: “Cuộc sống hiện đại là tốc độ đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc sáng tác và thưởng thức văn học những người trẻ. Các tác giả trẻ đã nắm bắt được những điều này, vì thế tác phẩm của họ đã đáp ứng nhu cầu của một bộ phận độc giả trẻ.
Điểm chung của các tác phẩm bán chạy là chỉ nói về chủ đề tình yêu và đời sống cá nhân thường nhật trong cuộc sống đô thị, với chất liệu cảm xúc từ chính cuộc đời tác giả và những quan sát đời sống của tác giả ở bề nổi. Tác giả không cố gắng giải quyết những gì mình nêu, không phân tích, không cách điệu hóa, không cho nghệ thuật khoảng cách với đời sống, mà tả lại nguyên xi đời sống.
Những câu chuyện họ kể thường ít chi tiết, nhiều vận động, thế giới dù có bao la, những mối quan hệ của nhân vật cũng rất nhỏ hẹp và lượng nhân vật rất tối giản, chỉ có “em” và “anh”, “anh ấy” và “cô ấy”… Nhưng nó vẫn gây xúc động ở mức độ nào đó. Có thể gấp sách lại, người đọc sẽ không nhớ gì nhiều, nhưng ít nhất nó cũng làm người đọc rung động mà ngẫm về mình".
Dòng văn thơ thời trang
Một đặc điểm nổi bật của văn chương trẻ phương Nam là xuất hiện những tác giả trẻ có khả năng gây xôn xao thị trường sách, như nhà thơ trẻ Thục Linh lạc quan: “Những người trẻ ấy đã xác lập một vị thế khác cho người viết sách. Đó không phải là những nhà văn tư lự, người biến đời mình thành bản nháp cho tác phẩm. Họ là những “ngôi sao từ sách”. Những “tác giả ngôi sao” này góp phần thay đổi mối giao cảm giữa người viết và người đọc, không đơn thuần là sự tri âm mà là tình cảm nồng nhiệt, sôi nổi và thực tế. Họ trở thành thần tượng của rất nhiều người.
Thế nên mới có những dòng người hâm mộ dài dằng dặc xếp hàng đến tận 2 giờ sáng để xin chữ ký tác giả…”. Nhiều người gọi đó là dòng văn học thời trang. Khi thị hiếu độc giả có nhu cầu, họ lập tức đáp ứng rất nhanh nhạy. Thí dụ tiêu biểu nhất là nhà văn trẻ Anh Khang với những cuốn “Buồn làm sao buông”, “Đường hai ngả người quen thành lạ”, “Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em”, “Thương mấy cũng là người dưng”… mà mỗi cuốn đều in dăm bảy vạn bản, có cuốn được công ty sách thương lượng bản quyền cả nửa tỷ đồng. 
Tuy nhiên, văn xuôi ăn khách không đáng ngạc nhiên bằng thơ ăn khách. Mới đây, cô gái có bút danh Nồng Nàn Phố tuyên bố tập thơ “Mang san hà đổi lấy duy nhất một người thương” được trả trọn gói 150 triệu đồng. Cú đột phá của Nồng Nàn Phố khiến công chúng liên hệ với trường hợp nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt. Các tập thơ “Đi qua nhớ”, “Từ yêu thương đến thương”, “Sinh ra để cô đơn”, “Sống một cuộc đời bình thường”, “Về đâu những vết thương”, “Sao phải đau đến như vậy”… đều úp mở tái bản liên tục với số lượng in đáng sửng sốt. 
Trong bối cảnh các nhà thơ in thơ chỉ để… biếu, hiện tượng Nguyễn Phong Việt phải lý giải như thế nào? Tất cả đều mơ mơ hồ hồ giữa những trống chiêng quảng cáo ầm ĩ, cho đến ngày một tờ báo lớn của TPHCM nêu thẳng vấn đề: “Các tập thơ tác giả này được làm với các nhà làm sách khác nhau. Giới làm sách phân tích, một tập thơ của anh này in 10.000 bản có giá 100.000 đồng/cuốn, nhà làm sách thu về khoảng 150-200 triệu đồng lợi nhuận (nếu bán hết). In một tập thơ kiếm được chừng đó lợi nhuận, liệu có nhà làm sách nào không muốn giữ chân tác giả ở lại cộng tác lâu dài với mình? Thế nhưng thơ của tác giả này chỉ được cái tiếng, thực chất sách vẫn tồn đống trong kho. 
Sách thơ bán không được thì chia tay. Tác giả lại tìm sang nhà làm sách khác và bằng tài thuyết phục của mình, lại in tập thơ mới, lại ra mắt hoành tráng với tuyên bố in hàng chục ngàn bản. Gần đây, có một nhà làm sách mua bản quyền của tác giả này liền mấy tập thơ và sẽ mua luôn những sáng tác chưa ra đời của anh. Phi vụ đang hào hứng bỗng như quả bóng xì hơi sau vài tháng tập thơ đầu tiên được in và sách đang nằm kho chờ... cân ký. Đến lúc này, nhà làm sách mới nhận ra rằng, vợ chồng nhà thơ cũng có một công ty làm sách, vậy sao không tự in thơ của mình, lại đem “món hời” dâng cho hàng xóm?”. Nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt không có phản ứng gì với thông tin trên, và văn chương trẻ phương Nam thêm một lần… ngơ ngác.

Các tin khác