Thịt heo thiếu thông tin truy xuất vẫn vào chợ

(ĐTTCO)-Việc cấm cửa, không cho nhập chợ đầu mối của TPHCM đối với thịt heo không đeo vòng truy xuất, heo không rõ nguồn gốc kể từ ngày 16-10 là một động thái mạnh mẽ sau vụ việc hàng ngàn con heo bị phát hiện tiêm thuốc an thần. 
 
Thịt heo không có thông tin truy xuất vẫn được vào chợ. Ảnh: THANH HẢI
Thịt heo không có thông tin truy xuất vẫn được vào chợ. Ảnh: THANH HẢI
Đây cũng là vấn đề được nhiều người tiêu dùng mong mỏi TPHCM cần có những biện pháp mạnh tay hơn để loại thịt heo bẩn ra khỏi mâm cơm của mỗi gia đình.

Từ ngày 16-10, thịt heo phải đeo vòng truy xuất có đầy đủ thông tin theo yêu cầu của Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo mới được vào các chợ đầu mối. Khảo sát tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn vào rạng sáng ngày 16-10, tình hình thực tế vẫn chưa như mong đợi. Còn khá nhiều thịt heo thiếu thông tin truy xuất vẫn vào chợ đầu mối dù nơi nào cũng có lực lượng chức năng.

Buộc phải xả trạm

Tại cơ sở giết mổ Bình Tân (TPHCM), mặc dù có nhân viên Hội Công nghệ cao TPHCM - đơn vị cung cấp phần mềm truy xuất cho đề án đứng hướng dẫn, nhưng nhiều nhân viên ở đây vẫn lúng túng khi thao tác nhập thông tin. Nhiều mảnh thịt heo sau giết mổ bị đứt vòng vàng vẫn được đưa lên xe đóng niêm phong vòng trắng chuyển đến chợ đầu mối, một số trường hợp gắn tạm vòng trắng niêm phong xe vào chân con heo. Dù trang bị bộ phát sóng WiFi nhưng nhiều máy quét nhập thông tin truy xuất luôn báo lỗi. Ghi nhận tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, từ 2 giờ sáng, nhân viên Ban An toàn thực phẩm TPHCM sau khi kiểm tra đã không cho chở thịt heo không đầy đủ thông tin truy xuất vào chợ, chủ yếu là heo từ các tỉnh.

Kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy, tại chợ Bình Điền, chỉ có 23% thịt heo có đầy đủ thông tin truy xuất. Chợ Hóc Môn chỉ có 24% (1.218 con/5.046 con heo), vào chợ có đầy đủ thông tin truy xuất. Tại 2 chợ đầu mối đã xảy ra tình trạng nhiều thương nhân, thương lái gây áp lực với lực lượng chức năng, với lập luận: “Không biết quy định phải đeo vòng truy xuất, vì lâu nay chỉ cần có giấy kiểm dịch”. Do là ngày đầu triển khai, thông tin chưa đầy đủ, 2 chợ đầu mối buộc phải “xả trạm” cho thịt heo có giấy kiểm dịch nhưng không đầy đủ thông tin truy xuất vào chợ.

Cùng ngày, chợ Bình Điền đã có cuộc họp với các thương nhân. Nhiều thương nhân cho biết, còn rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại các tỉnh không rõ về quy định truy xuất; heo ở các cơ sở giết mổ tỉnh thì thú y các tỉnh đó cũng không có nhiệm vụ phải phối hợp nhập thông tin truy xuất; tình trạng này buộc thương lái phải mua vòng vàng có thông tin của Đồng Nai được bán tại cơ sở giết mổ ở tỉnh Long An để đối phó!?

Vai trò của chợ đầu mối

Việc cấm cửa, không cho nhập chợ đầu mối của TPHCM đối với thịt heo không đeo vòng truy xuất, heo không rõ nguồn gốc kể từ ngày 16-10 là một động thái mạnh mẽ sau vụ việc hàng ngàn con heo bị phát hiện tiêm thuốc an thần. Đây cũng là vấn đề được nhiều người tiêu dùng mong mỏi TPHCM cần có những biện pháp mạnh tay hơn để loại thịt heo bẩn ra khỏi mâm cơm của mỗi gia đình.

Chủ trương thực hiện quản lý và truy xuất nguồn gốc thực phẩm của TP là xu thế phát triển tất yếu của xã hội. Trên thực tế, việc áp dụng Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo là không quá khó. Nếu trong sản xuất hàng hóa các doanh nghiệp phải áp dụng quy trình quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm theo quy trình của ISO 9000, ISO 9001, ISO 14000, thì trong chăn nuôi, giết mổ và phân phối thịt heo cũng có thể xem đề án như một loại ISO.

Chỉ cần các chủ thể tham gia (bao gồm trang trại chăn nuôi, lò giết mổ, nơi bán sỉ và điểm bán lẻ) thực hiện tích cực và đồng bộ, cùng với sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của từng cơ quan chức năng, chắc chắn trong thời gian ngắn đề án sẽ mang lại hiệu quả cao. Còn với người tiêu dùng, hãy thể hiện mạnh mẽ vai trò “thượng đế” của mình trong quá trình chọn mua sản phẩm, bằng cách ưu tiên cho các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện tốt nhất đề án, mấu chốt vẫn là 2 chợ đầu mối, nơi đang tham gia phân phối và cung cấp tới 80% sản lượng thịt heo cho toàn TP. Hai chợ này hoàn toàn có quyền nói không với các sản phẩm thịt heo không có nguồn gốc rõ ràng, thông qua các điều khoản cụ thể trong hợp đồng ký kết giữa công ty quản lý chợ và thương nhân.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, Phó ban quản lý đề án truy xuất, cho rằng, sở dĩ TP mất rất nhiều thời gian, công sức kể cả kinh phí để tập huấn, vận động các chủ thể cùng tham gia đề án là nhằm không gây nên sự xáo trộn, đổ vỡ đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhưng nếu tình trạng heo không rõ nguồn gốc cứ tràn vào các chợ đầu mối, chắc chắn TP sẽ tiếp tục tính đến những bước đi tiếp theo.

"Nguồn cung heo thịt đang dồi dào, hơn nữa nhu cầu tiêu dùng của TP chỉ dừng ở mức gần 10.000 con/ngày là không nhiều. Hiện nhiều trang trại, công ty lớn hoàn toàn có đủ lượng heo sạch, đáp ứng tốt nhất theo yêu cầu truy xuất của TP. Đây là thời cơ tốt để sàng lọc, ai không đáp ứng sẽ bị loại ra khỏi chuỗi cung cấp. TPHCM cương quyết áp dụng đề án này”, ông Hòa khẳng định. 

Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo được xem là cơ sở để TPHCM cùng các tỉnh, thành phối hợp thiết lập mặt bằng chăn nuôi và giết mổ theo quy trình hiện đại.

Trên cơ sở này, TP hoàn toàn kiểm soát được cung - cầu, giá cả, đặc biệt là kiểm soát được an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thịt heo nói riêng và các mặt hàng thực phẩm tươi sống nói chung. Do vậy, cần có thêm những biện pháp mạnh để xử lý các chủ thể cố tình không tham gia thực hiện đề án. Người dân cần có miếng ăn sạch, họ không thể chờ thêm được nữa!

Các tin khác