Thị trường thực phẩm chức năng: Thiếu chất lượng, thừa sai phạm

(ĐTTCO) - Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nếu như năm 2000, cả nước chỉ có khoảng 60 sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) của 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam, thì đến nay có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 6.800 sản phẩm lưu hành. 

Thị trường TPCN Việt Nam đang trở thành “miếng bánh” hấp dẫn với các doanh nghiệp, tuy nhiên đây cũng là thị trường dễ “bẫy” người tiêu dùng do tràn lan hàng giả, hàng kém chất lượng.

Thật, giả lẫn lộn

Theo  PGS - TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, thống kê cho thấy số người Việt sử dụng TPCN ở nước ta đang ngày một tăng, từ chỉ 500.000 người vào năm 2000 đã tăng lên 5 triệu người vào năm 2010 và hiện đã trên 15 triệu người (chiếm 21,48% dân số).

Nhu cầu tiêu dùng tăng cao kéo theo số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN cũng tăng rất nhanh, khi cả nước có tới gần 3.000 cơ cở và hàng ngàn chủng loại sản phẩm TPCN khác nhau, trong đó 70% là sản phẩm sản xuất trong nước.

Thị trường thực phẩm chức năng: Thiếu chất lượng, thừa sai phạm ảnh 1Người dân mua thực phẩm chức năng tại một nhà thuốc trên địa bàn quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Mặc dù không phủ nhận những lợi ích mà TPCN đem lại trong việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN vẫn tồn tại nhiều vi phạm như: quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý thẩm định, sản xuất không đúng với giấy phép đăng ký, ghi nhãn quá sự thật, sản xuất khi chưa đăng ký...

Tiêu biểu như mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ra quyết định xử phạt các Công ty cổ phần Nam Dược An Nhiên, Công ty TNHH Thương mại Dược mỹ phẩm Nam Phương và Công ty TNHH Dược phẩm Đông Đô, đều đóng tại Hà Nội, với số tiền là 75 triệu đồng/cơ sở với lý do quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định, quảng cáo sản phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh…

Còn trong 10 tháng năm 2018, Cục An toàn thực phẩm đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 99 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là hơn 5,5 tỷ đồng.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng lo ngại hiện nay thuật ngữ TPCN được quy định trong Luật An toàn thực phẩm là khá rộng, khiến nhiều nhà sản xuất lợi dụng để công bố công dụng của sản phẩm gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Bộ Y tế đã có nhiều quy định thu hẹp phạm vi quảng cáo TPCN, cấm quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh hay kê đơn TPCN.

Tuy nhiên, do có nhiều loại sản phẩm, có sản phẩm lại có sự giao thoa trong quản lý và ý thức chấp hành của doanh nghiệp chưa cao nên việc quản lý trở nên khó khăn. “Đáng báo động là việc nhiều doanh nghiệp sử dụng TPCN thành sản phẩm phục vụ kinh doanh đa cấp, trục lợi bất chính”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh.

Siết chặt quản lý

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã yêu cầu các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chuẩn hóa quy trình sản xuất sản phẩm an toàn, hướng tới xây dựng ngành TPCN bền vững.

Đối với các cơ quan quản lý phải tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chất lượng và nội dung quảng cáo đúng chức năng, công dụng thực tế của sản phẩm TPCN, nhằm tránh gây hiểu nhầm cho người dùng và sử dụng sai mục đích, nhất là các sản phẩm TPCN được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, thậm chí như “thuốc tiên” chữa được các bệnh hiểm nghèo như các bệnh ung thư, đái tháo đường, gout.

"Cần nhanh chóng xây dựng quy chế riêng về quản lý TPCN, tạo cơ sở pháp lý để loại trừ sự “nhập nhèm” của nhà sản xuất, kinh doanh TPCN chất lượng thấp; cùng với đó hỗ trợ doanh nghiệp tiệm cận một nền sản xuất TPCN theo hướng thực hành sản phẩm tốt trong tương lai gần"

Ông NGUYỄN THANH PHONG

Đặc biệt, từ ngày 20-10, Nghị định 115 có hiệu lực, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, trong đó có TPCN với nhiều mức xử phạt tăng nặng. Cụ thể, nếu doanh nghiệp vi phạm về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm có thể bị xử phạt tới 70 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu hủy tài liệu, yêu cầu cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Nếu vi phạm quy định về đăng ký công bố sản phẩm có thể bị xử phạt tới 40 triệu đồng, trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, hàng giả hàng nhái sẽ chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo lộ trình đặt ra, từ ngày 1-7-2019, các cơ sở sản xuất TPCN phải áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm mới được tiếp tục sản xuất. Nếu áp dụng đúng theo các tiêu chuẩn GMP thì số lượng cơ sở đủ điều kiện chỉ còn khoảng 300/4.000 cơ sở trong cả nước như hiện nay.

Những cơ sở không đạt tiêu chuẩn GMP, không được cấp chứng nhận GMP sẽ không được phép sản xuất. Để đạt chứng chỉ GMP đối với sản xuất TPCN, các cơ sở sản xuất từ nhà xưởng, hệ thống thông khí đến hệ thống bảo vệ phải cách biệt với môi trường ô nhiễm.

Chủ doanh nghiệp hoặc cán bộ phụ trách của cơ sở sản xuất tối thiểu phải có bằng đại học trong lĩnh vực chuyên ngành, phải có hệ thống hồ sơ sổ sách kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm và thành phẩm.

Các tin khác