Tháng Chạp hiền

(ĐTTCO) - Khi gió bấc đã vào độ cuối mùa, thì thời tiết miền Nam nói chung và miền Tây nói riêng đang vào giai đoạn dễ chịu nhất trong năm - thời điểm như nhìn thấy Tết sắp đến: Không quá lạnh cũng không quá nóng. 
Tháng Chạp hiền
Những giọt mưa phùn lất phất xiên qua mái hiên, cảm giác dịu nhẹ của khí hậu phía Nam vào thời điểm này dễ làm cho người ta có chút mềm lòng, chứ không bị thiêu đốt bởi nắng hạn gay gắt đang sắp vào mùa. 
Tháng Chạp như cái chốt khóa, khép lại một năm đầy lo toan và biến động, nhất là trong tình hình toàn thế giới đang phải cố gắng căng mình thích nghi dần với khái niệm đại dịch, mà theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ khi đại dịch mới khởi phát, sức khỏe của 1/3 dân số trên toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Và tháng Chạp cũng như đang hân hoan chào đón năm mới với nhiều hy vọng về những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong tương lai gần. 
Trong không gian nhẹ nhàng, có chút trầm lắng nhưng hết sức lãng mạn của tháng Chạp, ta như thấy du dương trong tiếng nhạc là hình ảnh các đôi tình nhân dìu nhau như trong các bộ phim tình cảm đậm mùi Hàn.
Thật ra, trong đời sống hối hả hiện nay của thời công nghệ 4.0, cũng cần lắm những hình ảnh này, bởi chúng sẽ làm cho đời sống tinh thần của chúng ta đa sắc màu và phong phú hơn, điều này sẽ làm chúng ta “giảm nhiệt” và “mềm” hơn trong sinh hoạt thường nhật. 
Đầu tháng Chạp, muốn đóng gói một năm cho trọn vẹn thì phải chạy đua với thời gian để giải quyết cả khối việc linh tinh khác, từ nhà cửa, phố phường cho đến việc cơ quan, trường học.
Mà muốn làm chủ được thời gian, không phải là điều dễ dàng gì, ít nhất, mỗi cá nhân phải lập kế hoạch cho riêng mình ngay từ những tháng đầu năm, có như thế chúng ta mới có thể thong thả tận hưởng trọn vẹn tháng Chạp hiền được. 
Gối đầu lên năm mới, cho nên tháng Chạp đối với những bậc ông bà cha mẹ là bao nỗi niềm lo toan khác, không thể vô tư như trẻ nhỏ được. Tối mặt tối mũi với ngày mùa và làm lụng đã lấy đi bao thú tao nhã miệt vườn của thế hệ cha chú, đêm, lại gác tay lên trán suy nghĩ về ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Bây giờ các gia đình làm ruộng ở nông thôn có làm lúa cũng đỡ vất vả hơn nhiều, có máy gặt đập liên hợp lên tận cánh đồng để tuốt ra những bao lúa vàng đều óng mượt. Những hình ảnh này làm cho bao giọt mồ hôi của cha mẹ như bớt nhọc nhằn hơn, đặc biệt khi vụ lúa trúng, phía sau những đuôi mắt nhăn nheo là những ánh cười hiền như đất. 
Đối với người dân sống ở đô thị thì mọi thứ đơn giản hơn nhiều, chỉ cần có chút dư dả thì chuyện năm cũ năm mới không thành vấn đề gì, có nhiều mua nhiều,có ít mua ít, nhưng mùa Tết với người sống ở quê, dẫu không phải cầu kỳ nhưng cốt làm sao cho tươm tất trong ngày tư ngày Tết.
Mà để có được sự tươm tất đó, ngay từ bây giờ, nhà nhà phải “chuyển động”: Nào là chọn họng ao, họng đìa để bao dí rọng cá; nào là chọn liếp cao liếp thấp để trồng rau thơm, sà lách, hành, hẹ, kể cả trồng thêm một ít cải tùa xại để đến những ngày cuối năm âm lịch làm món dưa cải ăn kèm với thịt kho tàu.
Một không gian ấm áp tình thân với mâm cúng rước ông bà trong ngày 30 Tết bằng các sản phẩm tự nuôi trồng được tại vườn nhà như: Làm thịt con heo cỏ, chia sẻ chút ít cho láng giềng, còn lại các bà các mẹ hùn nhau gói ít bánh tét, kho nồi thịt kho tàu; bên cạnh đó còn có dưa hấu tròn truyền thống và các loại rau củ quả khác nữa…
Tất cả tập hợp lại trong một không gian đầy mùi thơm của lúa mới, mùi thơm của bánh phồng vừa quết, mùi vani ở chảo mứt dừa mà các bà các chị vừa “sên” xong; và cả mùi trứng ở mẻ bột mà em dâu Út của tôi đang nướng bánh bông lan trên cà ràng ông táo đầy than hồng. 
Quanh đi quẩn lại, một năm nữa sắp kết thúc. Dù mỗi cá nhân có lên kế hoạch chi tiết cho riêng mình chỉn chu như thế nào đi nữa, thì khi tháng Chạp về, không thể nào không bộn bề và hối hả. Khi nỗi lo về vật chất đã ổn thì các “bô lão” ở quê lại rộn ràng cho mùa hoa quả ngày xuân, các lão nông bây giờ cũng “sành” lắm, cũng bon sai, cũng mai - lan - cúc - trúc, cũng dưa hấu hình vuông với phúc - lộc - thọ hay phúc - lộc - tài thể hiện sự khéo léo hay tính sáng tạo không thua kém các nghệ nhân chuyên nghiệp là bao.
Chính sự phong phú về đời sống tinh thần này đã tạo ra bề dày văn hóa trầm tích miệt vườn, để rồi theo thời gian, bề dày văn hóa trầm tích miệt vườn ấy sẽ trở thành một phần di sản trong lòng văn hóa Việt. 
Vòng quay của thời gian cứ xoay tròn liên tục. Và trong cách cảm nhận của mỗi người, nhịp thời gian vẫn cứ luôn rộn ràng và hối hả quanh năm, không chỉ riêng tháng Chạp. Hãy lắng lòng một chút để nghe rõ âm hưởng của tháng Chạp hiền.

Các tin khác