Thân phận môn lịch sử

Cách đây không lâu, tại một trường THPT khá nổi tiếng, khi nghe thông báo kỳ thi tú tài không có môn sử, học sinh đã xé và ném đề cương môn học này. Khoảng sân trường hôm đó trắng xóa tài liệu dạy sử, đã làm bùng lên một cuộc tranh luận khá gay gắt về đạo đức học đường. Những nhà nghiên cứu giáo dục vẫn khăng khăng hành vi trên chỉ mang tính bộc phát và học sinh vẫn yêu thích môn sử.

Giáo sư Văn Như Cương với tư cách hiệu trưởng đã công bố kết quả một cuộc thăm dò ý kiến tại Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, rằng 100% học sinh không đăng ký thi môn lịch sử. Chỉ là một con số mang tính tham khảo được thống kê trong phạm vi hẹp, nhưng dư luận không thể không băn khoăn: Phải chăng học sinh chán học môn sử?

Cách đây không lâu, tại một trường THPT khá nổi tiếng, khi nghe thông báo kỳ thi tú tài không có môn sử, học sinh đã xé và ném đề cương môn học này. Khoảng sân trường hôm đó trắng xóa tài liệu dạy sử, đã làm bùng lên một cuộc tranh luận khá gay gắt về đạo đức học đường. Những nhà nghiên cứu giáo dục vẫn khăng khăng hành vi trên chỉ mang tính bộc phát và học sinh vẫn yêu thích môn sử.

Ở bất kỳ quốc gia nào và ở bất kỳ nền giáo dục nào, lịch sử luôn là một bộ môn quan trọng đối với từng cá nhân và đối với cả cộng đồng. Bởi lẽ, lịch sử giống như tấm gương của quá khứ, mỗi chi tiết lịch sử không khác một sứ giả của cổ nhân. Con người không có lịch sử sẽ không có ký ức để trưởng thành, còn một xứ sở không có lịch sử sẽ không có động lực để phát triển.

Ngay những năm tháng đất nước Việt Nam đương đầu biết bao khó khăn với giặc đói và giặc dốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài thơ “Lịch sử nước ta” để nhắc nhở: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam/ Kể từ hơn bốn ngàn năm/ Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa…”. Trong xu hướng toàn cầu hóa gay gắt và sâu rộng, lịch sử càng trở nên quan trọng hơn, nếu muốn hòa nhập mà không bị hòa tan.

Dẫu ê chề hay dẫu bẽ bàng, chúng ta cũng phải mạnh dạn thừa nhận: Học sinh Việt Nam đang chán học sử. Đừng vội đổ lỗi cho các em. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về người lớn. Đánh giá một cách sòng phẳng, cách dạy môn lịch sử hiện nay quá khô cứng, chủ yếu là học thuộc lòng. Phương pháp ấy chỉ nhằm vào điểm số trong thi cử, hoàn toàn không kích hoạt tinh thần hiểu biết về dân tộc cho học sinh. Ngành giáo dục đang hô hào cải cách với các loại giáo án tiện ích hoặc giáo trình thông minh, tại sao không bắt đầu từ việc biên soạn sách giáo khoa môn sử mạch lạc và hấp dẫn hơn?

Lịch sử muốn đến với học sinh, không thể đơn thuần là những con số và những sự kiện khô khan. Để có những hình ảnh sinh động và những thước phim lôi cuốn, phục vụ cho dạy sử và học sử, cần sự phối hợp từ những nhà hoạt động văn hóa và những nhà sáng tạo nghệ thuật.

Các tin khác