Tả heo châu Phi: Thêm Kiên Giang xuất hiện dịch, Đồng Tháp họp khẩn ứng phó

(ĐTTCO)-Chiều 24-5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang cho biết, vừa tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn heo 33 con của bà Nguyễn Sol Pha, ngụ xã Tân Hiệp B, có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả heo châu Phi. Đây là ổ dịch đầu tiên phát hiện trên địa bàn tỉnh. 
Lực lượng thú y tỉnh Kiên Giang phun thuốc khử trừng, phòng bệnh lây lan
Lực lượng thú y tỉnh Kiên Giang phun thuốc khử trừng, phòng bệnh lây lan

Theo bà Nguyễn Sol Pha, đàn heo của gia đình đang nuôi bình thường thì phát hiện vài con có biểu hiện sốt cao, không ăn, ủ rũ... nên gia đình đi mua thuốc thú y về tự tiêm, vẫn không hết. Thấy tình hình không ổn nên ngày 22-5, bà Pha thông báo sự việc về đàn heo bệnh cho chính quyền địa phương. Sau đó lực lượng thú y huyện Tân Hiệp đến lấy mẫu, xét nghiệm và cho kết quả dương tính với dịch tả heo châu Phi.

Ngay lập tức, lực lượng thú y và chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn heo bị bệnh; cung cấp 28 lít hóa chất vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi có heo bị nhiễm bệnh. Đồng thời địa phương này cũng đã khoanh vùng ổ dịch theo quy định để tiêu độc khử trùng liên tục trong 1 tuần, hạn chế cho người ra vào vùng có dịch để tránh lây lan ra diện rộng…

Ông Nguyễn Thành Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Kiên Giang cho biết: Dịch bệnh heo châu Phi đang diễn biến khá phức tạp. Vì vậy, tỉnh tăng cường phòng chống, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, khoanh vùng ổ dịch, đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch… Song song đó, toàn tỉnh đã thành lập tới 9 chốt kiểm dịch nhằm giám sát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật…

Hiện đàn heo của tỉnh Kiên Giang khoảng 340.000 con, giá heo có chiều hướng sụt giảm, dao động ở mức từ 33.000- 37.000 đồng/kg…

* Chiều 24-5, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chủ trì cuộc họp khẩn với các sở ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố… bàn về giải pháp ứng phó bệnh dịch tả heo châu Phi vừa xuất hiện trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo mới nhất của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp, thì dịch tả heo châu Phi vừa xuất hiện tại 4 hộ chăn nuôi, thuộc ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng; tổng heo mắc bệnh là 187 con, chết và tiêu hủy 49 con. Sau khi đàn heo xuất hiện bệnh, lực lượng thú y đã lấy 3 mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm; kết quả dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả heo châu Phi.

Trước tình hình trên, tỉnh đã thành lập 14 Trạm kiểm dịch nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh.

Tại cuộc họp khẩn, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các sở ngành, chính quyền địa phương… tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Các địa phương huy động lực lượng tại chỗ, thông tin tuyên truyền để người dân tự giám sát hoạt động chăn nuôi, khi xảy ra heo bệnh phải báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng, tiêu hủy, tiêu độc, khử trùng; kiểm soát nguồn thức ăn chăn nuôi để hạn chế lây lan; hỗ trợ ngay những thiệt hại cho người dân với giá 38.000 đồng/kg nhằm giúp người dân có chi phí tái sản xuất.

UBND tỉnh cũng lưu ý các địa phương không được lơ là phòng chống dịch, bởi nguy cơ lây lan bệnh là rất lớn; người đứng đầu địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh lây lan, thiếu kiểm soát…

Cũng trong chiều 24-5, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp có công điện khẩn về tăng cường các giải pháp cấp bách phòng chống dịch tả heo châu Phi và cúm gia cầm.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; dự trù kinh phí thực hiện phòng chống dịch và hỗ trợ kinh phí cho người nuôi khôi phục sản xuất do dịch bệnh gây ra; thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong tỉnh, khu vực và cả nước; phân công cán bộ trực 24/24 tại các Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông.

Sở Công thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường, các ngành chức năng chủ động kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thịt heo, phủ tạng, các sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc; tuyên truyền vận động người dân kinh doanh sản phẩm từ heo đã qua kiểm dịch theo đúng quy định.

Sở Y tế xây dựng kế hoạch lấy mẫu kiểm tra, phân tích mẫu sản phẩm thịt heo tại các điểm chế biến, kinh doanh, chợ trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền vận động các nhà hàng, quán ăn, trường học, cơ sở giáo dục… cam kết không sử dụng thịt heo, phủ tạng heo không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm tra vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua lại biên giới; tuyên truyền cho người dân ở khu vực biên giới hiểu và nâng cao nhận thức trong phòng, chống dịch bệnh...

Tỉnh Đồng Tháp cũng công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin dịch bệnh: Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh; điện thoại 0913.968058; email: hienthuydt@gmail.com.

Các tin khác