Sự tử tế sau lũy tre làng

(ĐTTCO) - Tôi không được sinh ra ở nông thôn, và cũng không thông thuộc bất kỳ công việc đồng áng nào, dù gieo mạ hay cắt lúa. Thế nhưng, đối với tôi cuộc sống sau lũy tre làng là một thế giới gần gũi và thân thương. Đặc biệt, những người quê luôn tạo cho tôi cảm giác trìu mến và kính trọng.

(ĐTTCO) - Tôi không được sinh ra ở nông thôn, và cũng không thông thuộc bất kỳ công việc đồng áng nào, dù gieo mạ hay cắt lúa. Thế nhưng, đối với tôi cuộc sống sau lũy tre làng là một thế giới gần gũi và thân thương. Đặc biệt, những người quê luôn tạo cho tôi cảm giác trìu mến và kính trọng.

Nhiều năm theo nghề cầm bút, tôi thấm thía một điều, chính phẩm giá những người quê đã nâng đỡ tôi những phút ngã lòng trước trang bản thảo nhiều mong manh và đầy trắc ẩn. Thật kỳ lạ, mỗi khi nhắm mắt lại để thử mường tượng nông thôn Việt Nam, tôi không thể không nhớ đến 2 câu chuyện im đậm trong ký ức mình.

Câu chuyện thứ nhất năm tôi 10 tuổi. Hồi nhỏ, tôi rất mê trò chơi đá dế. Những con dế không chỉ gáy vang trong tiềm thức tuổi thơ, mà còn mang lại cho tôi món quà văn chương khởi nghiệp, đó là tác phẩm “Giấc mơ không có con dế nhỏ” đoạt giải nhất truyện ngắn Tác phẩm Tuổi Xanh của báo Tiền Phong năm 1996, sau đó được Hãng phim truyền hình Việt Nam chuyển thể thành bộ phim “Vết trượt”. Tôi sống ở trung tâm thị xã Tuy Hòa, muốn có dế để chơi phải lân la tìm mua ở các xã vùng ven. Tôi không thể nào quên, một buổi chiều mùa hè năm 1988, nhân mẹ tôi tan ca sớm, tôi mượn chiếc xe đạp chạy ra ngoại ô. Không rành đường, tôi không mua được dế, loanh quanh mãi đến khi trời đổ mưa. Tôi đi dọc theo con lộ đất song song với mương nước của công trình thủy lợi Đập Đồng Cam để về nhà, thì xe bất ngờ thủng lốp. Bơ vơ và lạnh lẽo, tôi dắt xe đạp tấp vào căn nhà tranh nằm chơi vơi giữa đồng vắng.

Tôi nhìn vào, căn nhà tranh trống trơn, không một bóng người. Một cậu bé đô thị lạc giữa mênh mông ruộng lúa trắng xóa màu mưa, khiến tôi từ âu lo chuyển sang hoảng sợ. Tôi nghe hai hàm răng va vào nhau lập cập vì rét run, bỗng thấy hai bóng người tất tả ào đến. 2 vợ chồng nông dân là chủ căn nhà tranh tôi đang đứng. Họ vồn vã kéo tôi vào nhà, người vợ lấy khăn lau, còn người chồng lấy quần áo cho tôi mặc tạm. Sau đó, người vợ nhóm bếp hong dùm tôi bộ đồ ướt sũng, còn người chồng lui cui vá lại lốp xe cho tôi trong ánh lửa của những thanh củi bập bùng. Họ không vặn vẹo tôi là ai, và cũng không cắc cớ tại sao tôi đứng trước hiên nhà họ. Họ chỉ biết tôi là một đứa trẻ cần được giúp đỡ. Trời tạnh mưa, họ hỏi: Cháu ở đâu? Và tôi đạp xe phía trước, 2 vợ chồng người nông dân đạp xe chở nhau phía sau, đưa tôi về nhà. Được bình yên đứng dưới bóng điện hắt hiu thị xã nhỏ, tôi nhìn họ đi ngược con đường dài hơn 7km về hướng căn nhà tranh giữa đồng, ứa nước mắt xúc động.

Câu chuyện thứ hai, năm tôi 20 tuổi. Đang là sinh viên báo chí, tôi hăm hở cộng tác với các báo. Mỗi tuần, tôi đều phóng xe máy về miền Tây. Tôi mê kênh rạch dọc ngang sông nước và những bãi đước, những vạt tràm. Năm 1998, tôi về mảnh đất thuộc huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang bây giờ (năm 2007, huyện U Minh Thượng được thành lập từ 6 xã tách ra của 3 huyện An Minh, An Biên và Vĩnh Thuận). Qua phà Tắc Cậu - Xẻo Rô, tôi lạc vào miệt thứ. Nắng phương Nam chói chang dù đã ngả sang chiều, tôi nhìn thấy một lão nông đang lặng lẽ cuốc cỏ trên mảnh đất cằn cỗi. Tôi thăm dò: “Bác ơi, sao việc này không để con cháu làm”. Lão nông ngẩng đầu lên, tỉnh bơ: “2 đứa con tui lên Sài Gòn làm thuê hết trơn rồi. Đứa gái làm tiếp viên quán bia, đứa trai làm công nhân bốc vác”.

Dù biết bản tính người Nam bộ bộc trực, tôi cũng hơi choáng trước lời bộc bạch đó. Tôi đang lúng túng chưa biết nói thêm thế nào, lão nông tiếp: “Chú không phải dân vùng này. Chú xuống đây chi?”. Tôi trình bày tôi đi thực tế viết lách. Lão nông ngừng tay, vác cuốc lên vai, đề nghị như ra lệnh: “Tui tên Út. Trời sẩm tối rồi, chú dzô nhà tui ăn chén cơm, ngủ lại nhà tui, rồi mai đi tiếp”. Tôi hơi ngớ ra một tí, rồi lúc cúc theo lão nông.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đúng như lời ông Út, ngoài ông và bà vợ, căn nhà lợp lá đơn sơ chỉ có thêm đứa cháu chừng 6 tuổi. Bữa cơm có con gà và xị rượu. Sau chuyến rong ruổi mệt mỏi, tôi ngủ thiếp đi khi vẫn còn văng vẳng bên tai giọng ca vọng cổ buồn thương của lão nông. Sáng sớm, tôi trở dậy ông Út đã đi làm đồng. Tôi ra sau hè rửa mặt nghe bà Út trò chuyện với đứa cháu trong bếp. Đứa cháu: “Ngoại ơi, con gà mái ấp lâu rồi sao chưa thấy gà con?”. Tiếng bà Út ôn tồn: “Hôm qua có khách, làm thịt con gà mái rồi. Hôm nào ngoại mua con khác về nuôi”. Thì ra, để tiếp một kẻ lữ hành xa lạ, vợ chồng lão nông đã thịt con gà mái duy nhất đang ấp trong chuồng.

Nghĩa cử hào hiệp ấy làm sao trả nổi? Tôi rong xe ở miệt thứ với bao nhiêu rối bời. Cũng may, khi ngang chợ xã Thạnh Yên, tôi thấy người ta có bán một bầy gà con. Mua bầy gà con và quay lại nhà ông Út, tôi kiếm cớ tặng lại: “Có người bạn cho cháu, mà cháu đang lang thang không biết chừng nào quay về Sài Gòn. Cháu gửi 2 bác nuôi dùm cháu”. Bà Út nhẹ nhàng cảm ơn, còn đôi mắt đứa cháu 6 tuổi long lanh niềm vui.

2 câu chuyện ấy đã theo tôi nhiều năm, và có lẽ còn theo tôi suốt đời. Vì vậy, tôi luôn dặn mình, khi đề cập đến người dân quê, hãy nói bằng tất cả sự tử tế.

Các tin khác