Sòng phẳng khi giá xăng giảm mạnh

(ĐTTCO) - Từ tháng 10 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã giảm 4 lần, hiện tại giá xăng RON 95-III (mặt hàng xăng dầu được người tiêu dùng chọn lựa nhiều nhất) chỉ còn 18.500 đồng, so với mức giá gần 22.000 đồng/lít trước đó. 
Người dân hết sức phấn khởi trước việc giá xăng dầu liên tiếp giảm. Tuy nhiên đến lần này, khi giá xăng dầu không chỉ giảm liên tục mà còn giảm sâu, điều người dân chờ đợi hơn là giá hàng hóa, dịch vụ có giảm theo.
Bởi lẽ, những lần tăng giá xăng dầu trước đây, không chỉ cước vận tải mà tất cả loại hàng hóa, dịch vụ đều “rủ” nhau tăng, thậm chí cả các mặt hàng không liên quan gì đến xăng dầu như rau, thực phẩm cũng tăng. Tại TPHCM, người dân trông đợi nhất là cước taxi truyền thống, giá vé xe khách - phương tiện di chuyển chủ lực và thường xuyên - giảm mạnh. Song thực tế từ ngày 6-12 đến nay, giá cước vận tải, giá cước taxi vẫn “án binh bất động”.
Quay ngược thời gian về trước, vào giữa năm 2014 là thời kỳ giá xăng lên đỉnh điểm, với mức gần 26.000 đồng/lít xăng và giá cước taxi 18.500-19.000 đồng/km đầu tiên. Vào thời điểm trung tuần tháng 12 này, giá xăng chỉ ở mức gần 19.000 đồng, nhưng giá cước taxi truyền thống tại TPHCM vẫn còn cao ngất ngưởng. Cụ thể, km đầu tiên khi hành khách bước lên xe 20.500 đồng, một mức giá quá cao.
Phía DN taxi đã viện dẫn nhiều lý do bào chữa cho việc chậm hoặc không giảm giá cước, rằng thủ tục rầy rà nên quá trình triển khai phải lâu; hoặc kêu ca tốn kém chi phí cho việc điều chỉnh đồng hồ tính tiền. Không chỉ thế, mặc cho giá xăng giảm, hầu hết mặt hàng tiêu dùng có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người tiêu dùng như rau, thịt, cá... vẫn giữ giá so với thời điểm tháng 11.
Sòng phẳng khi giá xăng giảm mạnh ảnh 1 Giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm mạnh. 
Khảo sát tại các siêu thị lớn, nhỏ ở TPHCM, giá cả các loại thực phẩm không có nhiều thay đổi so với thời điểm đầu quý IV năm nay. Giá thịt bò nạc vai Úc 290.000 đồng/kg, thịt heo thăn 100.000 đồng/kg... Với tình hình này, giá hàng hóa không giảm là bất hợp lý và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Chuyện giá xăng tăng, hàng hóa, dịch vụ đều tăng, nhưng khi giá xăng giảm sâu mọi thứ lại không giảm, đang thực sự là “bài ca muôn thuở” ở nước ta. Điều này chứng tỏ sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước còn lỏng lẻo. Cơ quan chức năng phải xem xét, tính toán với việc giảm giá xăng sâu như vậy giá cước vận tải phải điều chỉnh giảm bao nhiêu cho hợp lý. Nếu DN, hiệp hội vận tải không đồng ý, đề nghị họ phải giải trình nghiêm túc. Còn các cơ quan quản lý không vào cuộc thể hiện sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng.
Thiết nghĩ vào lúc này, nhất là thời điểm gần Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Bộ Tài chính cần làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và các địa phương, chỉ đạo các DN vận tải tính toán lại giá thành, thực hiện lại kê khai giá với các cơ quan chức năng theo biến động giảm của các yếu tố đầu vào.
DN nào không thực hiện điều chỉnh giảm giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước, cần có chế tài thích hợp. Đối với ngành giao thông vận tải, cơ quan quản lý nhà nước phải kiên quyết đưa giá cước vận tải về mức phù hợp, không để cước vận tải là lý do cho việc không giảm giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác, nhất là thời điểm năm hết, Tết đến, nhu cầu đi lại, tiêu dùng của người dân cả nước tăng cao.

Các tin khác