Sáp nhập 16 phường tại TPHCM: Nên đến tận nhà đổi giấy tờ cho người dân

(ĐTTCO0-TPHCM chuẩn bị sáp nhập 16 phường thuộc 8 quận. Có nhiều vấn đề đặt ra từ việc sáp nhập này như: sắp xếp cán bộ dôi dư, làm lại giấy tờ của người dân, doanh nghiệp… đang được các địa phương tính toán.
Phường 12, quận Phú Nhuận là một trong những phường sẽ sáp nhập
Phường 12, quận Phú Nhuận là một trong những phường sẽ sáp nhập

Sớm ổn định bộ máy

Phường 3 và phường 6 (quận 10) nằm trong danh sách sáp nhập trong giai đoạn 2019-2021, bởi không đủ quy mô dân số theo tiêu chuẩn đơn vị hành chính. Hiện nay dân số phường 3 có 7.213 người và phường 6 là 7.306 người - dưới 50% dân số (15.000 người) theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Ông Trương Hoài Phong, Trưởng phòng Nội vụ quận 10, cho biết quận đã xây dựng phương án sắp xếp. Theo đó, nhập nguyên trạng phường 3 vào phường 2 và nhập nguyên trạng phường 6 vào phường 7. Sau khi sáp nhập, phường 2 (mới) có diện tích đất tự nhiên hơn 30ha, dân số gần 24.000 người; phường 7 (mới) có diện tích đất tự nhiên 32,75ha, dân số gần 15.000 người.

Số lượng cán bộ, công chức (CB-CC), người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi nhập phường 3 vào phường 2 là 34 người, sau khi nhập phường 6 vào phường 7 là 26 người.

Nhằm ổn định bộ máy, tổ chức trong việc phục vụ nhân dân cũng như không làm ảnh hưởng đến tư tưởng, tinh thần, tâm lý làm việc của CB-CC, người hoạt động không chuyên trách, UBND quận 10 dự kiến sau khi sắp xếp sẽ điều động một số vị trí nhân sự là CB chủ chốt, CC dôi dư về các cơ quan chuyên môn, đơn vị còn thiếu biên chế. Riêng đối với người hoạt động không chuyên trách, quận sẽ sắp xếp phù hợp; trong trường hợp không thể bố trí công tác khác, quận sẽ tinh giản và giải quyết chế độ chính sách tương xứng.

Tại quận 8, ông Nguyễn Nha Kha, Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận 8, cho hay quận có phường 11 (hơn 7.000 người) thuộc diện phải sắp xếp. Quận dự kiến sáp nhập phường 11 vào phường 10 (dân số gần 15.400 người) và lấy tên là phường 10. Về nhân sự, dự kiến sau khi sắp xếp, phường 10 sẽ dư 12 CB-CC và 13 người hoạt động không chuyên trách.

“1 người đến tuổi về hưu, 3 người sẽ luân chuyển về quận bổ sung số người về hưu và 8 người còn lại được bổ sung vị trí việc làm đối với biên chế còn thiếu của quận. Biên chế hiện tại của quận là 204 người, vẫn còn thiếu 27 người so với biên chế được giao nên toàn bộ 12 CB-CC dôi dư sẽ sớm được sắp xếp phù hợp”, ông Nguyễn Nha Kha chia sẻ.

Riêng đối với 23 người hoạt động không chuyên trách, quận 8 sẽ luân chuyển công tác phù hợp trình độ chuyên môn; hoặc giải quyết nghỉ hưu, nghỉ việc theo nguyện vọng; hoặc tạo điều kiện để những người đủ điều kiện được thi tuyển công chức phường, quận.

Tránh gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp

Ông Nguyễn Nha Kha đánh giá, việc sắp xếp sẽ ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt đời sống hàng ngày của người dân như thay đổi các loại giấy tờ liên quan, giải quyết thủ tục hành chính. Quận 8 cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất phục vụ người dân.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, khuyến cáo việc sáp nhập sẽ gây ra một số xáo trộn đối với cuộc sống của người dân khi có sự thay đổi về địa chỉ trên CMND, căn cước công dân, hộ khẩu, hộ chiếu, giấy tờ nhà đất, giấy tờ liên quan đến hộ tịch... Lúc đó, có thể người dân gặp khó khăn khi thực hiện giao dịch hoặc làm thủ tục hành chính.

Vì vậy, người dân rất quan tâm về việc được cơ quan hành chính tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ nhanh chóng trong trường hợp người dân yêu cầu điều chỉnh giấy tờ. Đối với trường hợp người lớn tuổi, người thuộc diện chính sách cần làm thủ tục hành chính thì cơ quan nhà nước nên cử nhân viên đến tận nhà phục vụ người dân.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, khi sáp nhập địa giới hành chính, nhà nước cần đặt tiêu chí phục vụ người dân tốt hơn, tránh gây phiền hà cho cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, ông Lê Minh Tiến, chuyên gia xã hội học, Trường Đại học Mở TPHCM, nhìn nhận việc sáp nhập 16 phường với quy mô ảnh hưởng khoảng 90.000 người dân mới chỉ được tính toán là tốt, tích cực trên giấy tờ, tức là chỉ trên mặt lý thuyết.

Tuy nhiên, những tác động tích cực hay tiêu cực đối với cuộc sống của khoảng 90.000 dân sẽ phát lộ rõ khi việc sáp nhập này diễn ra trên thực tế. Trước hết, sẽ gây khó khăn cho người dân về mặt thủ tục hành chính. Việc thay đổi về hành chính cũng chắc chắn làm ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp trong việc giao dịch, nhất là giao dịch với đối tác nước ngoài.

Đồng thời, việc sáp nhập sẽ làm tăng dân số của mỗi phường và như vậy, bộ máy hành chính của phường mới sáp nhập có khả năng phục vụ tốt cho nhu cầu của người dân hay không, cũng là điều cần phải được tính toán kỹ. Nếu việc sáp nhập làm người dân mất thời gian hơn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính thì cái được của việc sáp nhập (giảm cấp lãnh đạo trưởng) chưa chắc đã tương xứng với cái mất đi của người dân.

Theo ông Lê Minh Tiến, việc sáp nhập các phường cũng cần tính đến khả năng đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh. Ông Lê Minh Tiến khuyến nghị, trước khi thực hiện việc sáp nhập thì chính quyền TPHCM cần làm rõ khả năng đáp ứng về dịch vụ hành chính công của các phường mới, cũng như những lợi ích và bất lợi của người dân trên các địa bàn bị sáp nhập.

Quận 2 đề xuất giữ nguyên các phường

Quận 2 có 4 phường Bình Khánh (khoảng 6.000 người), Thủ Thiêm (720 người), An Lợi Đông (500 người), An Khánh (184 người) thuộc diện phải sáp nhập. Ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2, cho biết Thường trực Quận ủy đã họp bàn và thống nhất đề xuất giữ nguyên hiện trạng các phường, bởi diện tích tự nhiên của các phường lớn và điều kiện phát triển về dân số sau khi hoàn chỉnh quy hoạch đều đảm bảo dân số trên 15.000 người/phường.

Trong trường hợp phải sáp nhập thì quận đề xuất phương án 1 là nhập phường An Khánh với phường Thủ Thiêm; phương án 2 bao gồm phương án 1, đồng thời nhập phường Bình Khánh với phường Bình An. Riêng phường An Lợi Đông, quận 2 đề xuất giữ nguyên vì diện tích phường lớn hơn 300ha và dân số đang phát triển nhanh.

Các tin khác