Sàn diễn thưa vắng khách

(ĐTTCO) - Vụ kiện của diễn viên Ngọc Trinh với Nhà hát kịch TPHCM (ảnh) đã được giải quyết hợp tình hợp lý, nhưng câu chuyện để lại đằng sau khiến nhiều người phải suy nghĩ là sự co cụm của sân khấu tư nhân.

 Để có một chỗ diễn cho đồng nghiệp, diễn viên Ngọc Trinh đã đánh cược thương lượng thuê lại địa điểm Nhà hát kịch TPHCM, nhưng kết quả vẫn cơm không lành canh không ngọt.

Hiện tại, không có đại gia nào đầu tư cho sân khấu. Các tụ điểm sáng đèn hàng đêm tại Sài Gòn đều do các nghệ sĩ tâm huyết tự bỏ vốn ít ỏi để nuôi dưỡng đam mê. Sau khi ông bầu Phước Sang phá sản, sân khấu tư nhân ở Sài Gòn chỉ còn lại vài tên tuổi đang cầm cự khó khăn như IDECAF, Phú Nhuận và Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi, Sân khấu kịch Minh Nhí… 

 Câu hỏi đầy thao thức phía những ai tâm huyết với sân khấu: Vì sao trước cánh cửa rộng lại ít người đi? Nhiều năm qua, bên cạnh những tràng pháo tay và những lời khen ngợi động viên lẫn nhau, chúng ta vẫn chưa có những tác phẩm đỉnh cao. Một công thức được áp dụng triệt để của những tư nhân bỏ tiền dựng kịch là “thực tế sống, thẩm mỹ cao, giải trí tốt”. Ngậm ngùi thay, chính nghệ sĩ hết lòng với nghệ thuật cũng thừa biết 3 tiêu chí trên không phải lúc nào cũng đồng hành trong một vở diễn. Vì vậy, cả ông bầu và đạo diễn từng vở đều ao ước “thân này ví xẻ làm đôi”, một nửa dựng kịch nghệ thuật để nâng cao nghề nghiệp, còn một nửa dựng kịch thị trường để bán vé kiếm tiền.

Có phải game show trên truyền hình đang đẩy sân khấu vào ngõ cụt? Các game show diễn miễn phí và ngồi nhà thưởng thức, còn sân khấu phải mua vé và vượt qua trở ngại đô thị kẹt xe để đến rạp. Thù lao của game show nhiều gấp năm, gấp bảy thù lao sân khấu, nên những gương mặt kịch nói vừa mới thành danh như Thanh Vân, Đại Nghĩa, Đình Toàn đã nhảy sang làm MC cho game show. 

Quá trình xã hội hóa sân khấu đã từng tạo ra nhiều bước “đại nhảy vọt” cho sàn diễn kịch nghệ, nhưng đến bây giờ đã gần như thoái trào. Vì sao? Vì sân khấu đang né tránh những vấn đề nóng bỏng nhất của đời sống. Sau trào lưu làm kịch kinh dị, giờ đây quy tắc “hài - chính - bi” lại được mang ra để lên kế hoạch ưu tiên cho mỗi vở diễn. Một nền sân khấu mỗi năm có khoảng 20 vở kịch được dàn dựng thật đáng buồn lắm thay. Con số khiêm tốn này không đủ sức khuyến khích những nhà viết kịch gửi gắm tâm tư của mình cho sàn diễn.

Muốn vực dậy sân khấu, phải trông cậy vào sự mạnh dạn của những nghệ sĩ nhạy bén với thị trường. Tuy nhiên, có 2 điều phải được chung tay giải quyết. Thứ nhất, phải ưu tiên cho thuê sân khấu với giá phải chăng. Thứ hai, phải có những cuộc vận động sáng tác kịch bản sân khấu, chứ không thể chấp nhận những tác phẩm èo uột theo tâm lý “méo mó có còn hơn không”.

Các tin khác