Quyền lực đồng tiền phía sau những game show nhảm nhí

(ĐTTCO) - Đa phần các game show vốn nhảm nhí từ lâu, vụ ồn ào giữa nghệ sĩ Trung Dân và ca sĩ Hương Giang Idol xung quanh chi tiết lố bịch trong “Siêu sao đoán chữ”, chỉ là giọt nước tràn ly. 

Người chơi game show không hề vô tư, người sản xuất game show đều biết nhảm nhí, nhưng sự quay cuồng của họ có sự khống chế của quyền lực đồng tiền đứng phía sau.

Muốn có tiền, có tiếng mời vào
Bây giờ cứ nhìn lên màn ảnh nhỏ là thấy game show. Mức độ kệch cỡm của các game show ngày càng tăng lên, vì ý tưởng của những nhà truyền hình đã cạn kiệt sau hơn một thập niên nhân danh tương tác với khán giả để cứu vãn sự tẻ nhạt của những chương trình giải trí. Game show không phải sáng tạo của người Việt, hầu hết game show đều mua bản quyền từ các nước phương Tây. Họ bát nháo một phần thì chúng ta bát nháo mười phần, bởi sở thích khoa trương đương thời. Có thể lấy chương trình gây ra ầm ĩ giữa nghệ sĩ Trung Dân và ca sĩ Hương Giang Idol mà phân tích. Trên truyền hình Hoa Kỳ, cái tên gốc của game show là “Match Game”. Mua bản quyền mang về Việt Nam, game show ngạo nghễ trở thành “Siêu sao đoán chữ”. Thử hỏi, ai là siêu sao? Những ca sĩ tập tọng và những diễn viên tầm thường chăng? Tìm đâu ra siêu sao giữa bối cảnh show biz chông chênh thẩm mỹ như hiện nay. Mặc kệ, những nhà sản xuất vẫn cứ nói vống lên, tự khoác một cái áo rất rộng cho cái thân hình còm cõi để mà lừa mị người xem và lừa mị chính mình. Kết quả mà họ muốn thu hoạch được, không phải đem lại bất kỳ giá trị nào cho đám đông, chủ yếu là doanh thu cho nhà sản xuất. Nghệ sĩ Trung Dân đã theo nghề diễn lâu năm. Lẽ ra anh cũng cần đắn đo với cái tên game show “Siêu sao đoán chữ”. Thế nhưng, có thể vì thu nhập, có thể vì thử sức, nghệ sĩ Trung Dân đã tham gia và rước họa. Trước câu hỏi của game show "Cát Tường hay than phiền anh Trung Dân thích tìm tòi khám phá máy móc, xem nó hoạt động như thế nào. Có một lần ông ấy đút đầu vào... và đã bị thương". Người chơi phải điền chữ còn thiếu vào dấu 3 chấm đó. Mọi người đưa ra nhiều đáp án khác nhau như "lò nướng", "máy giặt", "tủ lạnh", "lò vi sóng"... Riêng ca sĩ Hương Giang Idol có câu trả lời là "đút đầu vô cầu tiêu". Đáp án của nữ ca sĩ khiến nghệ sĩ Trung Dân cảm thấy bị xúc phạm nặng nề và đề nghị Hương Giang Idol đổi đáp án. Thế nhưng, mục đích của chương trình này là khai thác những câu trả lời bá đạo để thu hút khán giả kia mà. Ca sĩ Hương Giang Idol tỏ ra thuộc kịch bản hơn và kiên định đáp án của mình. Và nghệ sĩ Trung Dân đã bỏ về giữa chừng. Rất điềm tĩnh, ban tổ chức đã cắt bỏ nghệ sĩ Trung Dân ra khỏi game show và giữ lại ca sĩ Hương Giang Idol.Nạn nhân của trào lưu
Tất nhiên, dư luận ủng hộ nghệ sĩ Trung Dân vì cho rằng thái độ của ca sĩ Hương Giang Idol là vô lễ và thiếu văn hóa. Nhìn nhận vậy cũng có lý, khi tách bạch giữa game show và đời thường. Tuy nhiên, có một điều cần suy nghĩ lại, bối cảnh để xuất hiện câu nói ấy là trong game show kia mà. Đã là “siêu sao” mạo nhận thì khi “đoán chữ” làm sao tránh được mạo phạm? Bản chất của chương trình “Match Game” của Hoa Kỳ là nhằm đưa ra những trò thấu cáy, trêu chọc nhau hòng mua vui cho thiên hạ. “Siêu sao đoán chữ” đi đúng xu hướng đó, và tào lao theo đúng kiểu Việt Nam.  Có lẽ nghệ sĩ Trung Dân chưa tìm hiểu kỹ lưỡng về “Siêu sao đoán chữ” trước khi góp mặt. Những câu hỏi đều liên quan đến các người chơi. Có câu hỏi liên quan đến nghệ sĩ Trung Dân thì cũng có câu hỏi liên quan đến ca sĩ Hương Giang Idol. Thí dụ: “Hương Giang kể rằng: Khi tôi còn bé, thậm chí con chó cũng ghét tôi. Cách duy nhất để con chó đến gần tôi là tôi phải ăn mặc như một con…”. Nhiệm vụ của người chơi là điền chữ vào dấu ba chấm kia. Nghệ sĩ Trung Dân sẽ có đáp án ra sao, những người chơi khác sẽ có đáp án ra sao? Không thể có đáp án tử tế khi câu hỏi đã đưa ra một mệnh đề tào lao đầy tính mạ lỵ cá nhân.  Trong game show “Siêu sao đoán chữ”, rõ ràng ca sĩ Hương Giang Idol đã vô tình xúc phạm nghệ sĩ Trung Dân. Thế nhưng, không thể bắt lỗi một mình ca sĩ Hương Giang Idol. Người cùng chơi không có lỗi ư? Đạo diễn chương trình không có lỗi ư? Nhà sản xuất không có lỗi ư? Lẽ ra, nếu thực sự nghiêm túc muốn có một game show đàng hoàng cho xã hội, đài truyền hình đã phải thẩm định bản gốc của “Siêu sao đoán chữ” một cách thấu đáo. Trên cơ sở một game show vớ vẩn, làm sao ra được một phiên bản sạch sẽ và văn minh? Cho nên, đánh giá tận cùng, cả nghệ sĩ Trung Dân và ca sĩ Hương Giang Idol đều là nạn nhân của trào lưu game show nhảm nhí trên màn ảnh nhỏ. Ca sĩ Hương Giang Idol đã xin lỗi nghệ sĩ Trung Dân vì sự cố game show “Siêu sao đoán chữ”, còn trường hợp MC Trấn Thành xúc phạm ca sĩ Hương Giang Idol thì sao? Cũng trong game show, MC Trấn Thành giễu cợt “toàn thân cô toàn mùi silicon”. Ca sĩ Hương Giang Idol là một người chuyển giới, cách gây cười của MC Trấn Thành cực kỳ phản cảm. MC Trấn Thành có xin lỗi ca sĩ Hương Giang Idol đâu. Có một thứ luật ngầm mà những người tham gia game show phải thừa hiểu là đã “bán mặt” cho game show thì chấp nhận mọi rủi ro và mọi trớ trêu. Từ vạ mồm của MC Trấn Thành đến vạ mồm của ca sĩ Hương Giang Idol đã cảnh báo đời sống văn hóa như thế nào? Đó là chúng ta đang phải đối diện với sự suy đồi trên diện rộng, khi truyền hình nhập khẩu rác rưởi của phương Tây để tung hô trên màn ảnh nhỏ. Người phương Tây có lối sống khác, truyền hình phương Tây chủ yếu do tư nhân khống chế. Người phương Tây đã quen trang bị bản lĩnh cá nhân trước mọi nhu cầu thưởng thức, ai có nhu cầu đọc sách thì đã khước từ trả tiền cho những kênh truyền hình ấm ớ. Còn công chúng Việt vẫn chưa biết rằng, những game show tràn lan trên tivi đều do những công ty truyền thông khống chế. Kẻ tranh thủ lợi ích vật chất thì làm văn hóa theo nhận thức kim tiền của họ. Đáng tiếc, những đài truyền hình đã tiếp tay cho những công ty truyền thông liên tục đẩy nhu cầu tinh thần của người Việt vào những cơn bấn loạn sóng gió.  
Quyền lực đồng tiền phía sau những game show nhảm nhí ảnh 1
Nhà đài cũng phải phục dưới đồng tiền
Quyền lực đồng tiền đứng sau những game show nhảm nhí như thế nào? Hiện tại, không còn mấy game show do các đài truyền hình tự đầu tư sản xuất. Thậm chí, những game show có tính chất tìm hiểu ca dao, tục ngữ như như “Trúc xanh”, hoặc có tính chất từ thiện nhân đạo như “Ngôi nhà mơ ước” đều nhanh chóng được (hay bị?) khai tử để nhường chỗ cho những game show hát ca nhảy múa và ngả ngớn bông phèng. Không ai nỡ phỏng đoán những công ty truyền thông là doanh nghiệp “sân sau”.
Thế nhưng, những công ty truyền thông bằng quan hệ kết nối trực tiếp với các tập đoàn kinh tế đã trở thành thế lực chi phối toàn bộ các kênh giải trí. Họ tự kêu gọi tài trợ, họ tự tổ chức sản xuất, còn đài truyền hình chỉ phát sóng để thu phí. Cái nghiệp vụ “biên tập” của đài truyền hình cũng phải nhìn vào thái độ vui buồn của các công ty truyền thông. Do vậy, khi xem game show buộc lòng phải phân định nhà sản xuất và nhà phát sóng. Một khi vai trò nhà sản xuất do những công ty truyền thông đảm trách, thì chất lượng game show gần như nằm ngoài tầm tay của nhà phát sóng. Ai trả tiền thì người ấy làm chủ. Chính vì quyền lực của đồng tiền mà truyền hình đầy rẫy những game show vay mượn nhộn nhạo và yếu kém.

Hiện tại, game show vẫn là cuộc chạy đua giữa 3 đài truyền hình có nhiều người xem là Đài truyền hình Việt Nam - VTV, Đài truyền hình TPHCM - HTV và Đài truyền hình Vĩnh Long - THVL. Tuy nhiên, quyền lực thực sự phía sau những game show nằm trong tay các “đại gia” truyền thông như Cát Tiên Sa, Galaxy, Đông Tây, BHD và gần đây nổi lên thêm Điền Quân. Cái bắt tay rất dịu dàng nhưng chưa hẳn đã hoàn toàn minh bạch giữa đài truyền hình và công ty truyền thông, đã làm ra những game show khiến đám đông phải ngỡ ngàng. Không phải vô lý, khi nghệ sĩ Xuân Hương cho rằng: “Game show đủ kiểu, đủ thể loại dưới nhiều tên gọi khác nhau, nhưng thực chất vẫn là nơi để cho một số người tập trung lại tác oai tác quái, khoe tài ăn nói kiểu văn hóa chợ búa và văn hóa đường phố…”.

Các tin khác