Quãng đời bán bánh bao của diễn viên Mai Trần

Ngoài 60 tuổi, trải qua nhiều khổ cực, ký ức đáng nhớ nhất với diễn viên "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là những ngày xuống đường bán bánh.

Ngoài 60 tuổi, trải qua nhiều khổ cực, ký ức đáng nhớ nhất với diễn viên "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là những ngày xuống đường bán bánh.

Ngoài 60 tuổi, trải qua nhiều khổ cực, ký ức đáng nhớ nhất với diễn viên "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là những ngày xuống đường bán bánh.

Trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh gây sốt thời gian qua, ngoài ba diễn viên nhí nhận được sự quan tâm nhất, nhiều khán giả còn ấn tượng với vai diễn người cha giả điên do Mai Trần đảm nhận. Ông từng nổi tiếng với vai Năm Đực trong phim Sống trong sợ hãi. Vai diễn này đã đem tới cho ông danh hiệu "Nam diễn viên phụ xuất sắc" ở Cánh Diều Vàng 2005.

Diễn viên Mai Trần tên thật là Mai Văn Thịnh, sinh năm 1954 tại Trà Vinh trong gia đình có nhiều con. Từ nhỏ, ông theo bố mẹ nuôi ra Quảng Trị sinh sống. Lên sáu tuổi, nghệ sĩ theo gia đình chuyển vào Sài Gòn. Mai Trần theo học trường Quốc gia Kịch nghệ Sài Gòn từ năm 16 tuổi, sau đó học tiếp lớp diễn viên trường Nghệ thuật Sân khấu 2 và tốt nghiệp năm 1977.

Thập niên 1980, Mai Trần "làm mưa làm gió" trên sân khấu kịch Kim Cương với hàng loạt vai diễn để đời như Lỗ Quý (Lôi Vũ), Hoàng Tú (Nhân danh công lý), Jourdan (Trưởng giả học làm sang), Ba Thợ Nhuộm (Hẻm nhỏ tình người)...

Đầu những năm 1990, sân khấu vắng khách, nhiều nghệ sĩ lao đao đến mức bỏ nghề. Để cầm cự và nuôi đam mê, Mai Trần mở lò bánh mì tại nhà. Mỗi ngày ông thức khuya, dậy sớm trực tiếp nặn bánh, đứng lò rồi đem giao khắp thành phố. Mai Trần kể thời gian này, diễn viên Lê Công Tuấn Anh hay sang phụ ông làm và giao bánh những khi rảnh.

Thời gian sau, nhiều lò bánh mì tư nhân mọc lên. Không cạnh tranh nổi, nghệ sĩ chuyển qua đẩy xe bánh bao đi bán dạo trên đường Cộng Hòa, TP HCM. Nhiều khán giả nhận ra nhân vật Lỗ Quý trong Lôi Vũ ngoài đời không tin vào mắt mình, còn tưởng ông đang đóng phim. Mai Trần kể nhiều lần thầy dạy của ông là NSƯT Nguyễn Văn Phúc xót xa khi bắt gặp học trò ngoài đường. "Khi đó thầy Phúc nói với tôi: 'Con ơi con, muốn làm nghề thì phải giữ gìn hình ảnh chứ ai lại xuống đường mưu sinh thế này?'. Tôi đáp tỉnh bơ: 'Thì đây là nghề kiếm cơm của con mà thầy'", Mai Trần nhớ lại.

Nam diễn viên kể trong những tháng ngày khốn khó, ông nhận được nhiều tình cảm yêu thương của đồng nghiệp. Một trong số đó là họa sĩ Lê Văn Định. Đêm nào, họa sĩ cũng chạy qua mua của Mai Trần ba chiếc bánh. "Tôi hỏi anh Định ngày nào cũng ăn bánh bao không ngán sao, anh chỉ cười hiền rồi đi. Có lần tôi vô tình ghé nhà anh, thấy trên cửa sổ là những chiếc bánh bao đã cứng ngắc, teo tóp. Anh mua ủng hộ tôi trong khi bản thân anh và gia đình cũng chẳng khá giả gì", nghệ sĩ hoài niệm. 

Cuộc sống của Mai Trần chỉ đỡ cơ cực hơn từ khi ông nhận được lời mời làm đạo diễn cho nhiều vở cải lương. Ông chạy đi, chạy lại giữa Sài Gòn và Kiên Giang để dựng vở giúp NSƯT Thanh Điền và Thanh Nam.

Khi cuộc sống vừa ổn định cũng là lúc Mai Trần đối diện với sự cô đơn khi vợ chồng ông ly hôn. Nghệ sĩ Hải Yến - vợ ông - ra nước ngoài sinh sống. Mai Trần vừa làm cha, vừa làm mẹ của con. Trong những tháng ngày một mình bươn chải nuôi con, nghệ sĩ đã viết: “Có một sợi tóc thật dài vương trên áo gối/ Anh giật mình quay quắt nhìn quanh/ Em đã về sao chẳng lẽ tóc còn xanh/ À, không phải, tóc con mình, con gái”.

"Những ngày đó, tôi nuôi con bằng thù lao từ việc viết, sửa kịch bản và dựng vở cho sân khấu kịch Sài Gòn. Khi ấy, mẹ tôi còn sống, hai bố con vẫn có chỗ dung thân ở nhà bà nội", nam diễn viên kể.

Mai Trần thị phạm diễn xuất cho diễn viên sân khấu kịch Sài Gòn.
Mai Trần thị phạm diễn xuất cho diễn viên sân khấu kịch Sài Gòn.

Cuộc đời chưa ngừng thử thách Mai Trần. Sau khi kết hôn lần hai, ông làm ăn thua lỗ, phải bán nhà, ăn nhờ ở đậu trên phim trường.

Năm 1999, Mai Trần kết hôn với người vợ thứ hai và có thêm hai con - một trai, một gái. Sau khi mẹ mất, vợ chồng nam diễn viên bán căn nhà hương hỏa, dời về quận 2, TP HCM dựng nhà mới. Căn nhà này sau đó cũng phải bán đi do Mai Trần làm ăn thua lỗ. Cả gia đình đi ở thuê bằng thù lao đi diễn ít ỏi của nam diễn viên và đồng lương công nhân bưu điện của người vợ. Năm 2006, kinh tế gia đình lao đao khi người con thứ hai ra đời. Mai Trần đưa vợ con về ở nhờ bên ngoại còn mình lang thang theo các đoàn phim gần chục năm. Ông lấy phim trường làm nhà, ăn, ngủ, nghỉ hết đoàn này qua đoàn khác. Thi thoảng được nghỉ quay hoặc những ngày cuối tuần, Mai Trần về thăm nhà, nấu cho vợ con những món ăn ngon.

Ba năm trở lại đây, cuộc sống của nam diễn viên ổn định hơn khi có nhiều hợp đồng đóng phim truyền hình. Ông hồ hởi khoe đang làm đạo diễn một chương trình sitcom hơn 100 tập, đạo diễn các vở kịch sân khấu và nhận nhiều vai diễn cùng lúc. "Trước kia, tôi lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần tứ phía, giờ nợ đã được trả dần", Mai Trần chia sẻ.

Ngoài 60 tuổi, nam diễn viên mới tạm ổn định cuộc sống trong ngôi nhà được chắp nối bằng đủ thứ vật liệu, cất trên mảnh đất do một người anh cho mượn.

NSƯT Việt Anh cho rằng Mai Trần là người đa tài, rất giỏi về lý luận biểu diễn và khai thác hành động nhân vật. "Cuộc sống nghèo khó, gặp nhiều bất hạnh nhưng Mai Trần luôn được bạn bè, đồng nghiệp, khán giả thương quý", Việt Anh nói. 

Các tin khác