Phim truyền hình chính luận

(ĐTTCO) - Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 35 diễn ra từ ngày 16-12 đến 19-12 tại Đồng Hới - Quảng Bình, có một dấu ấn khiến nhiều người chú ý là sự nổi trội của dòng phim chính luận. Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam - VFC được đánh giá có những nỗ lực đáng ghi nhận để phát triển dòng phim chính luận trên màn ảnh nhỏ.

(ĐTTCO) - Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 35 diễn ra từ ngày 16-12 đến 19-12 tại Đồng Hới - Quảng Bình, có một dấu ấn khiến nhiều người chú ý là sự nổi trội của dòng phim chính luận. Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam - VFC được đánh giá có những nỗ lực đáng ghi nhận để phát triển dòng phim chính luận trên màn ảnh nhỏ.

Một cảnh trong phim "Ma làng". 

 Một cảnh trong phim "Ma làng".

Khởi đầu từ những tác phẩm “Bí thư tỉnh ủy”, “Chạy án”, “Chủ tịch tỉnh”, “Ma làng”… dòng phim chính luận đã thuyết phục đông đảo người xem. Không chạy theo trào lưu thời thượng chân dài và đại gia, cũng không ái tình sướt mướt kiểu Hàn Quốc, dòng phim chính luận đề cập trực diện các vấn đề nóng bỏng của xã hội tác động lên đời sống dân sinh. Gần đây nhất, bộ phim “Đối thủ kỳ phùng” dài 40 tập phát sóng trên VTV1 phơi bày góc khuất thương trường và sự câu kết lợi ích nhóm, đã tạo cơn sốt trong khán giả.

Hiện nay, với sự nở rộ của các kênh truyền hình, để đáp ứng quy định 50% phim Việt trên sóng đã khiến phong trào sản xuất phim rất rầm rộ. Tuy nhiên, số lượng đã làm hạn chế chất lượng. Rất nhiều bộ phim truyền hình chỉ quẩn quanh ăn nhậu, yêu đương, giận hờn… ngày càng trở nên nhàm chán. Điều ấy cũng dễ hiểu, vì không thể bắt buộc những công ty sản xuất phim tư nhân bỏ tiền đầu tư một cách nghiêm túc, họ chỉ làm theo phương pháp nhanh gọn để thu hồi vốn nhẹ nhàng nhất. Trách nhiệm giữ gìn uy tín phim truyền hình phải được gánh vác bởi các đơn vị sản xuất phim bằng ngân sách như VFC hay Hãng phim Truyền hình TPHCM - TFS.

Sự lớn mạnh của dòng phim chính luận ít nhiều cho công chúng hy vọng về tương lai của những tác phẩm trên màn ảnh nhỏ. Khi các nhà làm phim mạnh dạn theo đuổi đề tài chính luận, nhiều góc cạnh của thế sự đã được khai thác triệt để. Thí dụ, bộ phim "Khi đàn chim trở về" nói về nạn phá rừng và buôn lậu gỗ, phim “Rừng chắn cát” nói về quyết tâm đem con chữ đến với trẻ em vùng sâu vùng xa của đội ngũ nhà giáo trẻ. Hoặc “Đi qua ngày giông bão” nói về những vui buồn xây dựng nông thôn mới. Còn bộ phim “Bên bờ sông Vức” nói về sự giằng co khốc liệt giữa phẩm giá con người và cám dỗ đồng tiền.

Phim truyền hình không thể chỉ có chức năng giải trí. Phim truyền hình là sự giao thoa giữa báo chí và điện ảnh, vì vậy dòng phim chính luận là sự chọn lựa đúng đắn.

Các tin khác