Niêm yết công khai tên giáo viên bản ngữ dạy tiếng Anh tại các trường phổ thông ở TPHCM

(ĐTTCO) - Hiện nay, TPHCM có khoảng 20 trung tâm ngoại ngữ được cấp phép đưa giáo viên bản ngữ vào giảng dạy ở các trường phổ thông, tất cả đều phải có đầy đủ hồ sơ thẩm định chất lượng đội ngũ, và được niêm yết công khai tại website của Sở GD-ĐT TPHCM để tất cả trường học, phụ huynh và người dân cùng giám sát.

Chiều 23-5, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM đã tổ chức Hội nghị báo cáo tổng kết triển khai chương trình tiếng Anh các môn Toán và Khoa thực nghiệm năm học 2018 - 2019.

Đây là chương trình giảng dạy hai môn Toán và Khoa học theo phương pháp thực nghiệm bằng tiếng Anh dành cho học sinh tiểu học, và do giáo viên bản ngữ đảm trách. Thông qua việc tổ chức các hoạt động thực nghiệm trên lớp sẽ giúp học sinh hiểu được quy luật hình thành các hiện tượng tự nhiên, kết nối kiến thức đã học với các tình huống xảy ra trong thực tế.

Chương trình được thực hiện theo hình thức xã hội hóa trên cơ sở tự nguyện đăng ký của phụ huynh. Qua 3 năm triển khai, chương trình giảng dạy tiếng Anh hai môn Toán và Khoa học thực nghiệm đã mở rộng tại 28 trường tiểu học tại 10 quận nội thành, với 6.000 học sinh tham gia.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, việc triển khai chương trình tiếng Anh các môn Toán và Khoa thực nghiệm phù hợp với định hướng phát triển kỹ năng ngoại ngữ cho học sinh phổ thông theo các đề án nâng cao năng lực ngoại ngữ của thành phố và quốc gia. Trong đó, việc tăng cường dạy tiếng Anh và đưa giáo viên bản ngữ vào giảng dạy là yêu cầu cần thiết để hội nhập các nước tiên tiến.   

"Tuy nhiên, tôi đề nghị các cơ sở trường học quan tâm công tác truyền thông đến phụ huynh để phối hợp cùng nhà trường trong việc giáo dục học sinh. Hiện nay, quan tâm lớn nhất của phụ huynh không phải là học phí cao hay thấp mà quan trọng con em họ được thụ hưởng điều kiện học tập như thế nào", ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ.

Niêm yết công khai tên giáo viên bản ngữ dạy tiếng Anh tại các trường phổ thông ở TPHCM ảnh 1Một tiết học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ của học sinh TPHCM

Cũng theo đại diện Sở GD-ĐT, việc dạy học theo các hình thức thực nghiệm giúp học sinh không còn thụ động tiếp thu kiến thức theo kiểu đọc - chép mà sẽ được tham gia làm việc nhóm, dạy học theo dự án, từ đó phát triển nhiều kỹ năng mềm cần thiết.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, hiện nay có khoảng 20 trung tâm ngoại ngữ được cấp phép đưa giáo viên bản ngữ vào giảng dạy ở các trường phổ thông, tất cả đều phải có đầy đủ hồ sơ thẩm định chất lượng đội ngũ, và được niêm yết công khai tại website của Sở GD-ĐT để tất cả trường học, phụ huynh và người dân cùng giám sát.

Thời gian tới, lãnh đạo Sở GD-ĐT mong muốn các quận, huyện, trường học năng động, tự chủ hơn trong việc nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh trong trường phổ thông, đưa tiếng Anh trở thành thế mạnh của học sinh thành phố, đáp ứng yêu cầu cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho TPHCM nói riêng, cả nước nói chung.

Các tin khác