Những bài thuốc chữa bệnh từ cây đu đủ

(ĐTTCO) - Do thành phần khác nhau, nên mỗi một bộ phận trên cây đu đủ đều có những tác dụng riêng. Trong đó, quả, lá, hoa, hạt và nhựa cây là những bộ phận có nhiều tác dụng nhất. Lá cũng có nhiều tác dụng chữa bệnh và làm đẹp. Khác với sự thơm ngọt của quả khi chín, lá đu đủ có vị đắng và mùi khó chịu. Tuy nhiên, nó lại có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe đến khó tin.
Lá đu đủ chữa ung thư?
Men papain trong lá đu đủ chứa carotenoid và Iso thyocyanotes. Đây là 2 thành phần có khả năng kích thích sản xuất Cytokin Th1 - type, một yếu tố miễn dịch, có thể ức chế tế bào ung thư mạnh gấp triệu lần các thuốc chống ung thư Tây y. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh lá đu đủ có đặc tính chống ung thư. Năm 2010, một nghiên cứu được hợp tác bởi Đại học Florida và Đại học Tokyo, đã chỉ ra rằng dịch chiết nước của lá đu đủ có khả năng ức chế sự phát triển của 10 loại tế bào ung thư thử nghiệm.
Khả năng làm tăng độ nhạy của glucose đồng thời làm giảm glucose trong máu của lá đu đủ tươi đã được chứng minh trên cả người và động vật. Năm 2012, một nghiên cứu cho thấy lá đu đủ tươi làm cân bằng glucose trong máu, có khả năng làm giảm các dấu hiệu của bệnh tiểu đường loại 2, đồng thời cải thiện sự nhạy cảm với insulin theo hướng tích cực. Nước lá đu đủ rất tốt cho việc phòng chống bệnh sốt rét. Uống nước lá đu đủ có thể làm giảm và đẩy lùi các triệu chứng của sốt rét. Đây được coi là cách ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị sốt rét tự nhiên nhất. Khi có dịch sốt rét lây lan, sử dụng lá đu đủ làm nước uống thường ngày là cách phòng chống sốt rét tự nhiên cho cả gia đình. Nếu không có lá đu đủ tươi, có thể sử dụng lá đu đủ khô. Uống nước lá đu đủ khô (hãm như nước trà) cũng có hiệu quả tương tự.
Không chỉ ngăn ngừa sốt rét, nước lá đu đủ còn có thể tăng cường hệ miễn dịch, giúp chống lại một số loại bệnh thông thường như cảm lạnh hay cảm cúm. Do đó, ở nhiều nơi, nước lá đu đủ được sử dụng như một loại nước uống thường xuyên thay trà. Trong lá đu đủ có hơn 50 thành phần có khả năng kiềm chế sự tăng trưởng của vi sinh vật. Trong đó có nấm, sâu, ký sinh trùng và cả các tế bào ung thư. Uống nước ép lá đu đủ hoặc nước lá đu đủ đun được nhiều người sử dụng để hỗ trợ điều trị ung thư, trị giun.
Đối với cơn đau bụng trong kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, nước lá đu đủ có khả năng giảm đau rất hiệu quả. Công thức của loại nước này cũng rất đơn giản. Chỉ cần cho 1 lá đu đủ + me + muối + nước, đun nóng, sau đó để nguội và dùng trong những ngày bị đau bụng kinh. Lá đu đủ cũng tác động làm cân bằng hoocmon cho phái nữ. Lá đu đủ còn giúp làm giảm cơn đau nhức ở nhiều vùng trên cơ thể, như đau đầu. Lá đu đủ tươi giã nát, gói vào miếng gạc, đắp vào vùng thái dương. Các chất có trong lá đu đủ sẽ được thấm qua da và tác động vào các cơ quan não khiến cơn đau đầu biến mất.

Làm đẹp bằng lá đu đủ
Làm đẹp da, dưỡng da trắng khỏe là công dụng không thể bỏ qua của lá đu đủ. Lá đu đủ có nhiều hợp chất giúp làn da căng mịn và tươi trẻ hơn. Glucin, tyrosine, axit glutamat, alanin, tritophan… là những chất thường thấy trong nhiều loại mỹ phẩm. Và lá đu đủ chứa đến 50 loại axit amin, bao gồm những chất kể trên và nhiều loại tương tự. Sử dụng lá đu đủ để chăm sóc da tại nhà rất đơn giản. Với lá tươi, xay nhỏ làm thành mặt nạ là cách khiến mụn trứng cá biến mất hiệu quả. Với lá đu đủ tươi xay nhuyễn lá đắp mặt nạ để dưỡng da tươi tắn nhanh chóng. Các karpain trong trong lá đu đủ còn có thể làm mờ các vết chàm và vẩy nến trên da rõ rệt.
Những bài thuốc chữa bệnh từ cây đu đủ ảnh 1 Nước lá đu đủ có tác dụng tốt cho sức khỏe, đồng thời có khả năng chữa được nhiều bệnh. 
Karpain có trong lá đu đủ có tác dụng loại bỏ các chất bẩn và độc tố. Chất này không chỉ có tác dụng trên vùng da mặt mà còn có tác dụng với cả vùng da đầu. Xay nhuyễn lá đu đủ tươi/khô trộn với nước làm thành mặt nạ cho tóc hoặc gội trực tiếp với dầu gội. Với cách này, chất bẩn, dầu có trong da đầu và chân tóc sẽ được làm sạch, gầu cũng biến mất. Chiết xuất lá đu đủ cũng có mặt trong rất nhiều loại dầu gội hiện nay. Nhiều bài thuốc dân gian sử dụng đu đủ, như sau:
- Phép dưỡng sinh chống lão suy: 200gr đu đủ chín, 300g chuối xiêm, 500ml nước dừa, 1-2 thìa mật ong hoặc sữa ong chúa, xay nhuyễn uống hàng ngày. Nên hâm nóng trước khi dùng và không cho đá vì bản thân quả này có tính hàn.
- Ít ngủ, hay hồi hộp: 100gr đu đủ chín, 100gr chuối , 100gr cà rốt, 500ml nước dừa, 1 thìa mặt ong, xay nhuyễn, uống cách ngày.
- Trị giun kim: ăn đu đủ chín vào buổi sáng lúc đói, liên tục 3-5 ngày.
- Viêm dạ dày mãn tính: 30gr đu đủ, 30gr táo tây, 30gr mía, sắc uống.
- Ho do phế hư: 100gr đu đủ xanh, 20gr đường phèn, hầm ăn, ngày ăn 2 lần vào trưa và tối, ăn trong 3-5 ngày.
- Tỳ vị hư nhược (ăn không tiêu, táo bón): 30gr đu đủ, 15gr khoai mài, 6gr sơn tra, nấu cháo.
- Trị đau lưng mỏi gối: 30gr đu đủ, 15gr ngưu tất, 10gr kỷ tử, 3gr cam thảo, sắc uống.
- Chữa bệnh viêm khớp dạng thấp: đu đủ xanh gọt vỏ, rửa sạch, thái thành miếng nhỏ, bỏ hạt, ngâm với rượu trắng trong 30 ngày. Mỗi ngày uống 1 chén rượu ấm trước khi ngủ.
Các nghiên cứu về công dụng của đu đủ ngày càng hoàn thiện và bài bản. Các nhà khoa học đã chứng minh hầu hết bộ phận của cây đu đủ đều có tác dụng chữa bệnh. Trong đó ngoài quả và lá, hạt, nhựa và hoa đu đủ là những bộ phận được nghiên cứu nhiều nhất. Trong khi sử dụng đu đủ, không nên ăn nhựa hay hạt đu đủ trực tiếp bởi lượng độc tố có trong 2 bộ phận này. Mỗi lần dùng hạt đu đủ chỉ dùng lượng nhỏ, tùy theo mục đích ăn hay bôi ngoài da. Còn đối với hoa, có thể sử dụng nó như một loại rau thực phẩm với các món chiên, xào, hấp, luộc… Cả 3 bộ phận đều có những công dụng phòng, chữa bệnh hiệu quả.

Tác dụng phụ của đu đủ
Là loại cây hầu hết bộ phận đều có tác dụng chữa bệnh, do đó có thể coi đu đủ là một loại dược. Sử dụng quá liều bất kỳ loại thuốc nào đều có những tác dụng phụ. Vậy tác dụng phụ của đu đủ là gì? Làm thế nào để tránh khi sử dụng loại cây này để chữa bệnh. Và quan trọng nhất, với những tác dụng phụ như vậy, đối tượng nào không nên sử dụng đu đủ?
Tác dụng của đu đủ không chỉ có thể chữa bệnh mà còn có thể gây nên những triệu chứng có hại cho cơ thể. Một số thành phần có trong đu đủ có thể gây kích thích đến cơ thể, khiến cơ thể bị yếu hoặc bệnh. Do vậy, đu đủ không tốt cho phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai; không an toàn cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi; người bị vàng da; người bị bệnh về dạ dày; người có cơ địa dị ứng; người tiêu hóa kém nên ăn ít đu đủ; bệnh nhân loãng máu nên tránh ăn đu đủ.
Có thể nói, ngoài việc là một loại rau, quả thơm ngon trong cuộc sống hàng ngày, đu đủ còn là vị thuốc với nhiều tác dụng kỳ diệu. Tuy nhiên, “là dược thì 3 phần độc” là chân lý được truyền lại từ bao đời. Do đó, khi sử dụng bất kỳ bộ phận nào của loại cây này, hãy cẩn trọng và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Các tin khác