Nhiêu khê xử lý xe vi phạm bị “bỏ quên”

(ĐTTCO)-Xe gắn máy, ô tô không có giấy tờ hoặc xe vi phạm giao thông quá thời hạn tạm giữ nhưng không có người đến nhận thì sẽ tịch thu sung công rồi bán đấu giá. Song, do thủ tục xử lý kéo dài nên hàng ngàn ô tô, xe máy vi phạm giao thông bị bỏ bừa giữa nắng, mưa. Quá trình xử lý những chiếc xe bị “bỏ quên” này rất nhiêu khê, đã khiến các đơn vị thực thi than trời.
Xe vi phạm quá thời hạn đang chờ thanh lý bị xuống cấp vì điều kiện bảo quản chưa đảm bảo.
Xe vi phạm quá thời hạn đang chờ thanh lý bị xuống cấp vì điều kiện bảo quản chưa đảm bảo.

“Của nợ” xe vi phạm

Bãi giữ xe tại Công an quận 5 hiện tạm giữ hơn 500 xe gắn máy các loại, trong đó 80% là phương tiện cũ nát, hoen rỉ. Những chiếc xe máy cũ này, trong đó nhiều xe không có giấy tờ, xe không rõ nguồn gốc (thường được gọi là xe “mù”, xe “mờ”), xe không đủ điều kiện lưu thông, phần lớn được dùng để chở hàng hóa.

Vì thiếu kho, bãi nên chỉ một số ít xe được chứa trong nhà kho, phần lớn thì phải để ngoài trời. Theo thời gian, những chiếc xe này ngày càng xuống cấp, hư hỏng và bãi giữ xe cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. 
Hoang tàn nhất là bãi giữ xe vi phạm của Công an quận 2 trên đường Nguyễn Duy Trinh.

Mái che của bãi giữ xe không che phủ được hàng trăm chiếc xe máy lưu giữ tại đây nên rất nhiều xe phải phơi nắng, phơi mưa, xung quanh cỏ mọc um tùm, trùm lên cả yên xe. Vì không được bảo quản trong điều kiện tốt nên những chiếc xe này không khác gì đống sắt vụn, hoen rỉ và xộc xệch.

Về vấn đề thanh lý xe vi phạm, Công an quận 2 giải thích, quá thời hạn tạm giữ phương tiện nhưng chủ xe hoặc người vi phạm không đến làm việc thì công an sẽ giám định phương tiện, tra cứu dữ liệu xe mất cắp, xác minh nguồn gốc xe, đăng báo, niêm yết danh sách xe tại trụ sở đơn vị.

Sau một loạt các công việc đã nêu, cơ quan tạm giữ xe mới được ra quyết định tịch thu sung công quỹ và tiến hành bán đấu giá thanh lý xe. Tuy nhiên, theo Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt là 1 năm. Hết thời hạn này mà người vi phạm không có người đến nhận thì cơ quan chức năng mới được thực hiện các thủ tục xử lý phương tiện tạm giữ.

“Chờ hết 1 năm, lại phải mất thời gian thực hiện một loạt thủ tục mới được tiến hành bán đấu giá nên xe cũ chưa bán được thì xe vi phạm mới lại tiếp tục đưa về. Điều này gây áp lực về kho, bãi và chi phí lưu giữ”, đại diện Công an quận 2 phân tích.

Một số đơn vị khác cũng nhận định thủ tục, quy trình thanh lý xe vi phạm sung công quỹ hiện hành rất chặt chẽ nhưng chưa phù hợp thực tế. Ở mỗi bước đều phải có nhiều đơn vị cùng hợp tác xử lý nên rất mất thời gian với thủ tục phức tạp. Tính ra, hồ sơ thanh lý mỗi chiếc xe cũng tương đương hồ sơ của một vụ án nhỏ.

Vậy nhưng, đến khi bán thanh lý được, giá trị thu về không được bao nhiêu, cho nên việc tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính, đặc biệt là các xe máy cũ, xe “mù”, xe “mờ” được ví như là… “của nợ” đối với nhiều đơn vị.

Cần đơn giản hóa quy trình thanh lý xe

Chỉ tính trong năm 2017, các đơn vị thuộc Công an TPHCM tạm giữ hơn 41.400 phương tiện vi phạm. Trong đó, xe còn giá trị sử dụng đủ điều kiện trả lại là hơn 7.400 xe và hơn 34.000 xe thuộc diện phải tịch thu sung công.

Đại diện Sở GTVT (cơ quan được UBND TPHCM giao làm tổ trưởng tổ công tác liên ngành về tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính) nhận xét, việc “tồn” hàng chục ngàn phương tiện vi phạm đã gây nhiều áp lực, đặc biệt là vấn đề kho, bãi và quá trình thanh lý xe.

Sở GTVT phân tích, việc mời người vi phạm, chủ xe đến giải quyết rất trần ai. Nguyên do xe thì cũ lại hư hỏng, có giá trị thấp nên người vi phạm bỏ xe và không nộp phạt. Trong khi đó, việc truy tìm chủ xe, người quản lý hoặc người sử dụng xe hợp pháp, đặc biệt những người này ở các tỉnh, vùng sâu, vùng xa thì gần như… vô vọng.

Với những trường hợp này, các đơn vị chức năng của TPHCM chỉ có thể gửi công văn (thông qua công an địa phương) mời đến xác minh một số tình tiết liên quan. Song, người được mời có nhận được thư hay không thì cũng… “hên xui”, do trông cậy từ sự tích cực ở công an địa phương.

Thực tế, kết quả xác minh trong những trường hợp này là rất hạn chế. Mặc khác, trong nhiều trường hợp dù mất nhiều thời gian vẫn không xác định được chủ xe, do việc mua bán chỉ thực hiện bằng giấy tay, không hoàn tất các thủ tục để sang tên xe cho chính chủ.

Về giải pháp tháo gỡ, đại diện Sở GTVT cho biết, qua quá trình làm việc tổ liên ngành (gồm Sở GTVT, Công an TP, Sở Tư pháp và một số cơ quan liên quan), thống nhất kiến nghị chỉ thực hiện giám định những phương tiện không xác định được số khung, số máy nguyên thủy, thay vì giám định tất cả xe tạm giữ.

Từ các dữ liệu về số khung, số máy, nhãn hiệu, biển số xe sẽ tra cứu dữ liệu tang vật (tại Phòng Truy nã tội phạm Công an TPHCM) và tìm chủ xe để mời đến giải quyết.

“Đặc biệt, cần đẩy nhanh công tác xử lý xe vi phạm bị tạm giữ quá thời hạn xử lý”, đại diện Sở GTVT nêu ý kiến và kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an sớm ban hành thông tư hướng dẫn xử lý tang vật, phương tiện vi phạm quá thời hạn tạm giữ để đảm bảo sự chặt chẽ, thống nhất trong cả nước. Trong quy định này cũng nêu rõ thời hạn, trách nhiệm của các công an phường - xã trong việc hỗ trợ, trả lời xác minh người vi phạm, chủ xe.

Đề nghị tiêu hủy xe buộc phải thanh lý

Một số đơn vị nêu ra thực trạng hiện nay, sau khi bán thanh lý cho các đơn vị thu mua phế liệu thì Nhà nước lại không kiểm soát được tình trạng những phương tiện không đủ điều kiện lưu thông, kể cả xe “mù”, xe “mờ”, được “mông má” và bán ngược lại thị trường để sử dụng, gây nhiều phức tạp cho công tác đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Vì vậy, nhiều đơn vị kiến nghị nên cho phép tiêu hủy các xe buộc phải thanh lý để tái chế, thay vì bán phế liệu.

Các tin khác