Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chủ quan phòng chống dịch tả heo châu Phi

(ĐTTCO)-Tính đến thời điểm này đã có 5 xã thuộc ba huyện ở tỉnh Đồng Nai xuất hiện dịch tả heo châu Phi nên lúc ngày ngành chức năng cùng các hộ chăn nuôi đều chung tay dập dịch. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm 25% tổng số đàn heo của tỉnh) lơ là trong công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi.
Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chủ quan phòng chống dịch tả heo châu Phi

Bà Nguyễn Thị H. ngụ huyện Trảng Bom nói: “Tôi cũng biết khử trùng bằng vôi bột, cách ly người lạ, không cho ăn đồ dư thừa,… nhưng xưa nay nuôi sao giờ tôi vẫn muốn nuôi vậy, không muốn phức tạp. Tôi nghĩ nếu dịch có đến thì cũng không sao vì nuôi ít có ảnh hưởng đâu”.

Tương tự, ông Hoàng Văn C. ngụ huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai đang nuôi 3 con heo thịt nói: “Tôi thấy rắc vôi, khử trùng chuồng trại rất phiền phức, tôi không muốn làm. Thức ăn cho lợn gia đình tôi tận dụng ở trong vườn, thỉnh thoảng lấy thêm thức ăn đổ bỏ tại các nhà hàng, tiệc cưới, quán ăn,... Hơn nữa nhà tôi nuôi có mấy con nên nếu có bị dịch thì cũng không sao”.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, Đồng Nai đã thu thập thông tin, tìm nguyên nhân lây lan dịch bệnh. Ngành chức năng dự đoán nhiều khả năng heo bị nhiễm dịch là do giết mổ trái phép và đường thức ăn. Tại hộ có heo mắc bệnh ở huyện Trảng Bom, ngay trước nhà gia đình này có một lò giết mổ trái phép, heo giết mổ tại đây không được kiểm soát. Còn hộ có heo mắc bệnh ở Nhơn Trạch là heo rừng, nuôi thả rông, sử dụng thức ăn dư thừa trong các doanh nghiệp.

Dịch tả heo châu Phi có 3 đường lây nhiễm chính là vận chuyển, heo khỏe mạnh tiếp xúc trực tiếp với heo mắc bệnh và sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Vừa qua, ngành chức năng Đồng Nai đã khảo sát việc phòng chống bệnh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và trang trại lớn, người dân được tuyên truyền đầy đủ về dịch bệnh, nhưng một số hộ vẫn lơ là, không thực hiện phòng bệnh. Còn các trang trại chăn nuôi lớn thực hiện triệt để công tác phòng bệnh, ngoài rắc vôi, khử trùng, nhiều trang trại còn xây dựng các hàng rào ngăn lây nhiễm, xây các nhà tắm khử trùng trước khi vào trại, thuê các trạm khử trùng di động.

Theo ông Trần Văn Quang, nhiều người có suy nghĩ mình nuôi số lượng ít, dịch bệnh xảy ra thiệt hại không lớn. Đây là tư tưởng rất nguy hiểm, bởi nếu heo của các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ mắc bệnh sẽ lây lan ra bên ngoài. Để ngăn chặn dịch tả heo châu Phi lây lan, người chăn nuôi nhỏ lẻ cần nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng.

Các tin khác