Nhà cao hơn đường 1,6m, "thông cảm" được không?

(ĐTTCO) - Nhiều người dân ngụ trên đường Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình (TP.HCM) 
rất lo lắng khi đường Bạch Đằng đang thi công bị hạ cốt nền, khiến nhà dân cao hơn mặt đường cả mét.

(ĐTTCO) - Nhiều người dân ngụ trên đường Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình (TP.HCM) 
rất lo lắng khi đường Bạch Đằng đang thi công bị hạ cốt nền, khiến nhà dân cao hơn mặt đường cả mét.

Trong đó, nặng nhất là đoạn Bạch Đằng giao với Hồng Hà, có nhà cao hơn mặt đường tới hơn 1m.

Ngày nào 
cũng có người té

Ông Đặng Văn Chín, người chạy xe ôm hay đậu xe tại góc Hồng Hà - Bạch Đằng, bức xúc: “Làm đường kiểu gì mà sáng nào cũng có người trượt té ở đây. Sáng ra phun nước đường nhầy nhụa, phụ nữ chở con tay lái yếu là té liền”.

Tại góc Hồng Hà - Bạch Đằng, ngày nào ông Chín cũng chứng kiến cảnh người đi xe bị lộn nhào, trượt té khi chạy từ trên vỉa hè xuống lòng đường. Phần đường trước kia là vỉa hè nay trở thành lối đi chính của người dân. Vì đường khoét sâu xuống, vỉa hè cũ bỗng nhiên đứng chơ vơ...

Những người đi bộ thì trèo lên trèo xuống bằng bậc thang gỗ còn được, chứ đi xe thì phải chạy một quãng dài mới có lối xuống đường.

Chạy từ vỉa hè xuống đường đã khổ vậy, chạy lên còn khổ hơn. Bà Đặng Thị Hồng (ngụ nhà 133 Bạch Đằng) kể đã có trường hợp chạy xe từ dưới đường lên, do chênh lệch độ cao quá lớn nên xe phi thẳng vào trong nhà dân.

Nhà bà Hồng mới xây năm 2015. Bà cho biết khi lên quận xin giấy phép xây dựng, bà có hỏi về cốt nền đường nhưng cán bộ quận không trả lời được. Vậy là bà áng chừng xây cao hơn mặt đường cũ chừng 15cm vì nghĩ đường làm mới bao giờ cũng cao hơn đường cũ.

Khoảng tháng 
11-2015, khi con đường bắt đầu thi công, người dân cũng không được biết thông tin chính xác về cốt nền đường. Đến khi thấy công nhân chuẩn bị rải nhựa, người dân mới tá hỏa vì không ngờ đường lại thấp hơn nhà họ nhiều như vậy.

Dọc hai bên đường Bạch Đằng, những ngôi nhà lớn mới xây thì độ chênh lệch với nền đường càng lớn.

Bà Phạm Thị Lộc, ngụ nhà 137 Bạch Đằng, bức xúc: “Tôi làm nhà vào năm 2009. Bây giờ mặt đường thấp hơn đường cũ làm sao tôi hạ nền nhà xuống được vì nếu hạ xuống thì nền móng, đường ống nước, hầm cầu... đều phải làm lại hết”.

Sẽ xem xét giải quyết

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh - phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, TP.HCM - cho biết dự án nâng cấp và mở rộng đường Bạch Đằng và Hồng Hà (Q.Tân Bình) thuộc dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức) đã xác định cao độ mặt đường được thực hiện đúng theo quy hoạch TP.

Theo đó, về thiết kế cơ sở đã được Sở Xây dựng TP phê duyệt bao gồm xác định cao độ cốt nền đường và Sở GTVT TP cũng phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Hiện công trình đang trong giai đoạn thi công nền đường, lắp đặt các công trình ngầm như hệ thống thoát nước.

“Vì vậy, rất khó trả lời từng trường hợp cụ thể mặt đường cao hơn hoặc thấp hơn nền nhà của bà con ở hai bên đường” - ông Ninh nói.

Nhiều nhà dân trên đường Bạch Đằng cao hơn mặt đường cả mét khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm.
Nhiều nhà dân trên đường Bạch Đằng cao hơn mặt đường
cả mét khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Theo ông Ninh, Khu quản lý giao thông đô thị số 1, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát cứ hai tuần một lần tổ chức cuộc họp với UBND quận, phường, tổ giám sát cộng đồng dân cư để giải quyết những vướng mắc hoặc tiếp thu ý kiến đóng góp của bà con trong quá trình thi công công trình.

“Những ý kiến của bà con góp ý về công trình này sẽ được đưa vào cuộc họp để các bên liên quan xem xét giải quyết. Trong quá trình thi công lắp đặt công trình ngầm nên có những đoạn đường đã cắt xén vào vỉa hè hai bên đường gây trở ngại cho người dân đi lại, chúng tôi rất mong bà con thông cảm” - ông Ninh nói.

Còn Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trên địa bàn TP hiện có nhiều trường hợp sau khi làm mới, mở rộng đường giao thông thì nhà dân cao hơn đường.

Cụ thể, 16 nhà dân trên đường Phan Chu Trinh (P.12, Q.Bình Thạnh) cao hơn mặt đường đến 1,6m sau khi đường này được làm mới.

Theo Sở Xây dựng TP, việc xây dựng các đường giao thông làm cho nhà dân thấp hơn hoặc cao hơn đường là gây thiệt hại, làm hạn chế việc sử dụng nhà, đất của người dân, gây khó khăn trong kết nối giao thông.

Vì vậy, các chủ đầu tư khi thực hiện dự án cần phải báo cáo đánh giá tác động để có phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân.

Tối 9-5, trong buổi tiếp xúc với các ứng cử viên đại biểu HĐND TP.HCM khóa IX tổ 22 (gồm nhà báo Tăng Hữu Phong, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ; bà Võ Xuân Bội Lâm, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH MTV nhà máy United Healthcare; ông Dương Quốc Trị, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty CP văn hóa Nhân Văn; linh mục Trần Văn Lưu, chánh xứ nhà thờ Nam Hòa; bà Lê Thị Kim Hồng, phó bí thư Quận ủy Tân Bình), cử tri P.2, Q.Tân Bình đã phản ảnh tình trạng đường Bạch Đằng hạ cốt nền đường quá thấp, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Các tin khác