Người Việt nghiện smartphone

(ĐTTCO) - Theo báo cáo mới đây của Công ty Appota, điện thoại di động đứng đầu danh sách những vật dụng thân thiết nhất của người Việt. 
Theo đó, phần lớn người Việt kiểm tra điện thoại ngay khi thức dạy buổi sáng và tiếp tục sử dụng với thời gian trung bình 2 tiếng 1 ngày. 
Cụ thể, khoảng 75% người Việt cầm lấy điện thoại trong 15 phút sau khi thức dậy, chỉ 7% không dùng điện thoại tới 2 tiếng sau khi dậy. 76% người tiêu dùng Việt chỉ ra rằng bảo vệ dữ liệu và bảo mật thông tin cá nhân vô cùng quan trọng. Tuy nhiên khi được hỏi, 82% người Việt sẵn sàng cho đi thông tin cá nhân để đổi lại quà miễn phí.
Tại thời điểm này, đa số người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) là người tiêu dùng trẻ và thuộc tầng lớp trung lưu lớn. Tỷ lệ sở hữu smartphone cao lên tới 72%, có mức tiêu thụ phương tiện truyền thông trực tuyến và thói quen chơi game di động cao.
Người Việt nghiện smartphone ảnh 1
Người Việt dùng smartphone để xem video clip và nghe nhạc chiếm 69%. Thống kê của Appota cho biết, khoảng 25% những người sở hữu smartphone sử dụng internet trên di động thường xuyên, thực hiện nhiều tác vụ, dịch vụ khác nhau khiến điện thoại di động không chỉ là công cụ giao tiếp, mà đang trở thành công cụ làm việc chính thức của nhiều người. Điều đó cũng có nghĩa hơn 70% người dân sở hữu smartphone nhưng không sử dụng hết các tiện ích smartphone mang lại. 
Theo Appota, sự gia tăng nhanh chóng về tỷ lệ sở hữu điện thoại và hành vi lên mạng bằng điện thoại (68%), khẳng định thị trường di động đầy màu mỡ, là mảnh đất rộng lớn cho các doanh nghiệp tiếp tục khai thác. Trên thực tế, người Việt Nam sẵn sàng trải nghiệm ứng dụng mới với con số trung bình 5 ứng dụng/tháng. Tuy vậy, Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ gỡ cài đặt ứng dụng nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương với việc xóa 3 ứng dụng/tháng. Thực tế đó đặt ra nhiều thách thức giữ chân người dùng lâu dài cho các nhà phát triển. 
Hiện nay 72% tổng số lượt truy cập các trang thương mại điện tử xuất phát từ smartphone; 53% các giao dịch mua hàng trực tuyến thực hiện qua điện thoại. Mặc dù tỷ lệ truy cập từ điện thoại di động của Việt Nam không quá cao, nhưng thương mại điện tử trên điện thoại di động lại có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong 1 năm. Thanh toán điện tử ước tính đạt 6,4 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 22%/năm với dự báo 12,33 tỷ USD vào năm 2022 do sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu và sự phát triển của công nghệ truyền thông. 
Với tính chất là một xã hội vẫn quen dùng tiền mặt, 46% người Việt được hỏi trả lời rằng họ không có tài khoản ngân hàng, luôn lo lắng về việc lộ thông tin bảo mật thẻ thanh toán. Vì vậy, 88% giao dịch thương mại điện tử vẫn là thanh toán tiền mặt khi giao hàng. Appota cho rằng công nghệ tài chính trên thiết bị di động còn khá non trẻ. Điều đó dẫn đến thách thức giáo dục người tiêu dùng mở tài khoản ngân hàng, sử dụng thẻ thanh toán và lấy được lòng tin người tiêu dùng với dịch vụ thanh toán trực tuyến.
Hiện tại, chỉ khoảng 10% người dùng di động sử dụng ví điện tử. Sự phát triển của ví điện tử còn hạn chế do tỷ lệ người Việt Nam có tài khoản ngân hàng còn thấp. Trong khi đó, Chính phủ đang thúc đẩy việc xây dựng nền kinh tế không dùng tiền mặt, hạn chế giao dịch tiền mặt xuống còn 20% tổng lượng giao dịch và số người có tài khoản ngân hàng đạt 70% dân số. Ðây là cơ hội thuận lợi cho khởi nghiệp công nghệ tài chính bắt tay với ngân hàng và doanh nghiệp thương mại điện tử dưới sự hỗ trợ của Nhà nước.

Các tin khác