Người tâm huyết văn hóa phương Đông

(ĐTTCO) - GS. Nguyễn Khuê là nhà trí thức tâm huyết với văn hóa phương Đông, tinh tường cổ học, thầm lặng nghiên cứu và có nhiều công trình giá trị về văn học, văn hóa Hán Nôm lẫn văn học Quốc ngữ thời kỳ sơ khai của Nam bộ.

 Ông còn là nhà sư phạm nghiêm cẩn, mực thước, sâu nặng với sự nghiệp trồng người, đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ sinh viên ngữ văn, nhất là ngành Hán Nôm trưởng thành. 

Đào sâu di sản, vén lại bức màn
Nguyễn Khuê sinh ngày 23-9-1935 tại làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, từng học Trường Quốc học Huế, sau đó vào học Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông đã nhận bằng Thạc sĩ văn chương Việt Hán, hoàn thành năm thứ nhất Tiến sĩ chuyên khoa Hán văn, trở thành giảng sư tại Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất năm 1975, ông tiếp tục làm giảng viên Trường Đại học Tổng hợp TPHCM, nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM. Bước vào tuổi bát tuần, bậc thầy vẫn say mê nghiên cứu văn hóa và làm thơ gửi gắm nỗi tình… 
Lịch sử cho biết Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, Tương An quận vương Miên Bửu là 3 người con thứ 10, 11, 12 của vua Minh Mạng thời nhà Nguyễn. Đây cũng là 3 hoàng tử nổi tiếng giỏi văn chương, để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, nếu như sau này 2 người anh là Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương hay được nhắc đến, đặc biệt là qua câu đối “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán/ Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường”, thì Tương An quận vương bị lãng quên.
“Tương An là một thi tài thời danh, nổi tiếng ngang với Tùng, Tuy, từng chiếm một địa vị quan trọng trên thi đàn. Ngày nay, dành cho Tương An một chỗ trong văn học sử xứng đáng với sự nghiệp văn chương của vương cũng chỉ là phục hồi cái địa vị vương đã có trước kia. Phục hồi địa vị cho vương để khỏi bất công đối với người xưa, vì có tác giả chỉ để lại năm bảy bài thơ cũng đã được văn học sử dành cho một địa vị quan trọng” - GS. Nguyễn Khuê chia sẻ. 
Người tâm huyết văn hóa phương Đông ảnh 1 Giáo sư Nguyễn Khuê với học trò. 
Từ năm 1970, qua công trình nghiên cứu, dịch thuật, biên khảo công phu Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông, tác giả Nguyễn Khuê đã vén bức màn phủ bụi thời gian để soi rọi, trả lại cho nền văn học chân dung cuộc đời và sự nghiệp tương đối hoàn chỉnh của một nhà thơ tiêu biểu của dân tộc. Năm 2005, công trình có giá trị và đầy đủ này về Tương An đã được Nhà xuất bản Văn Nghệ tiếp tục ấn hành. 
Một trong những công trình nghiên cứu đáng chú ý khác về văn học cổ Việt Nam của Nguyễn Khuê là tác phẩm Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân am thi tập, vốn là luận án tiến sĩ được hoàn thành năm 1975 và chính thức xuất bản năm 1991. Danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà tư tưởng, nhà thơ lớn nhất nước ta thế kỷ 16, có nhiều tác phẩm ảnh hưởng lâu bền đời sống văn học và văn hóa dân tộc, nhưng lại ít có công trình nghiên cứu chuyên biệt về ông từ thập niên 1990 trở về trước. Nguyễn Khuê đã dày công đào sâu khảo cứu, phiên dịch 100 bài thơ chữ Hán còn nguyên bản, giới thiệu đầy đủ thân thế và sự nghiệp của Trạng Trình, đặc biệt là tình cảm, tư tưởng, giá trị nội dung và nghệ thuật của Bạch Vân am thi tập.
Sau khi chỉ ra rằng tư tưởng hay triết lý của Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn hấp thu từ Tam giáo là Nho, Phật, Lão và đặt cơ sở trên thực tế khách quan của tình hình chính trị - xã hội đương thời, Nguyễn Khuê đã nhận định: “Tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm trong Bạch Vân am thi tập không phải là một hệ thống triết học, nhưng cũng đã hướng tới những vấn đề từ siêu hình đến hiện thực, bao hàm những quan niệm về vũ trụ và nhân sinh, gồm đủ những nhận định về con người cũng như xã hội, nói cách khác, có đủ cả 2 phần hình nhi thượng và hình nhi hạ”.
GS. Nguyễn Khuê cũng khảo sát kỹ và trình bày minh bạch về sấm ký Trạng Trình, mà từ thời Lê, Mạc về sau nhiều người dùng để giải thích, suy đoán, bàn luận những hiện tượng xã hội, thiên nhiên ở trong nước và một phần của thế giới. Ông viết: “Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là người duy nhất soạn sấm ký, nhưng hễ nói đến sấm ký người ta nghĩ ngay đến Trạng Trình, gặp những câu sấm không biết xuất xứ từ đâu người ta cũng vội gán cho Trạng Trình. Cứ như thế, sấm Trạng Trình được lưu truyền, Trạng Trình được một số người thần thánh hóa như một bậc siêu phàm”.
Lý giải về tầm ảnh hưởng của Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuê cho rằng: “Là một cự nho vừa có địa vị sang cả của bậc đại khoa hiển đạt, vừa có phong cách cao khiết của một hiền triết ở ẩn, từng được người đời ngưỡng vọng như Thái Sơn, Bắc Đẩu, tất nhiên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã gây được những ảnh hưởng to lớn đối với đương thời cũng như hậu thế”.
Sự trân quý của Nguyễn Khuê đối với di sản văn hóa tiền nhân còn thể hiện qua những công trình khảo cứu dịch thuật khác như: Thơ thiền, Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Trịnh Hoài Đức và Cấn Trai thi tập, Phan Bội Châu với Nho học, Mai Sơn tự và Mai Khâu tự, Văn học Hán Nôm ở Gia Định - Sài Gòn, Tùy Dượng đế diễm sử, Khổng Tử - chân dung, học thuyết và môn sinh…
Tạo cảm hứng cho sinh viên ngành Hán Nôm
Trong bài Nhà giáo, học giả, nhà thơ Nguyễn Khuê, PGS.TS Đoàn Lê Giang đã nhận định: “Nghiên cứu Hán Nôm là lĩnh vực ông dồn nhiều công sức và có nhiều đóng góp quan trọng. Phong cách nghiên cứu của ông là nghiêm cẩn, khoa học và trọng tư liệu. Các vấn đề mà ông trình bày bao giờ cũng tường tận, ngọn ngành, rõ ràng, khúc chiết. Những nghiên cứu và biên dịch của ông về Khổng Tử, Phật giáo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tương An quận vương, Hồ Biểu Chánh… là những đóng góp quan trọng với học thuật nước nhà, sẽ tồn tại mãi với thời gian”.
Từ việc phân loại 5.038 đầu sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nguyễn Khuê chỉ ra sự bao quát mọi lĩnh vực văn hóa Việt Nam qua nội dung thư tịch Hán Nôm. Ông chia sẻ: “Nghiên cứu di sản văn hóa Hán Nôm chính là bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam, vốn quý của dân tộc. Nghiên cứu Hán nôm sẽ bổ sung cho nghiên cứu văn hóa dân gian, đồng thời tiếp thêm bề dày lịch sử cho văn hóa Quốc ngữ.
Nếu không có di sản văn hóa Hán Nôm làm sao chúng ta có thể tự hào dân tộc ta có trên một ngàn năm văn hiến? Hơn nữa, việc nghiên cứu Hán Nôm còn biểu lộ sự trân trọng đối với di sản tinh thần của tiền nhân ta, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, một điều rất quan trọng trong tiến trình nước ta hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, những thành tựu của nghiên cứu Hán Nôm sẽ là cơ sở khoa học và là tư liệu cần thiết cho các ngành nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa Việt Nam”.
Ngoài văn hóa Hán Nôm, GS. Nguyễn Khuê còn dành tâm huyết khảo sát nghiên cứu văn học Nam bộ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, giai đoạn chuyển tiếp từ truyện thơ Nôm, truyện văn xuôi Hán và Nôm sang văn xuôi Quốc ngữ.
Theo ông, giai đoạn quá độ này bắt đầu từ năm 1865 với sự ra đời của tờ báo Quốc ngữ đầu tiên Gia Định báo đến cuối thập niên 1920 khi nhiều tiểu thuyết Quốc ngữ xuất hiện ở Nam Kỳ như: Nghĩa hiệp kỳ duyên (1920) của Nguyễn Chánh Sắt, Tô Huệ Nhi ngoại sử (1920) và Oan hồng quần (1920) của Lê Hoằng Mưu, Kim thời dị sử (1921) của Biến Ngũ Nhy và đặc biệt là hàng loạt tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, trước khi ở Bắc Kỳ xuất hiện các tiểu thuyết Quốc ngữ như Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách hoặc Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật vào năm 1925.
Nguyễn Khuê đã dành nhiều thời gian dày công nghiên cứu sự nghiệp của Hồ Biểu Chánh, người đóng nhiều vai: nhà thơ, nhà báo, nhà biên khảo nhưng thành công hơn cả với vai trò nhà văn cùng hơn 60 tiểu thuyết: Ai làm được (1922), Một chữ tình (1923), Nam cực tinh huy (1924), Nhơn tình ấm lạnh (1925), Tiền bạc bạc tiền (1925), Ngọn cỏ gió đùa (1926), Kẻ làm người chịu (1928), Khóc thầm (1929), Con nhà nghèo (1930), Con nhà giàu (1931), Dây oan (1935), Hai khối tình (1939)…
Trong công trình Chân dung Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Khuê nhận định: “Là một nhà văn lớn ở miền Nam và có khuynh hướng đạo lý, Hồ Biểu Chánh đã đi tiên phong và lập công đầu trong việc đưa tiểu thuyết mới từ tình trạng phôi thai tiến đến giai đoạn thành lập và thịnh hành. Tiểu thuyết Việt Nam từ Hồ Biểu Chánh mới bắt đầu bước những bước vững chắc và ông là nhà tiểu thuyết quan trọng bậc nhất ở giai đoạn 1913-1932”.

Các tin khác