Người dân khốn đốn với những điểm “tụ nước”

(ĐTTCO) - Vừa bước vào mùa mưa, người dân TPHCM phải khốn đốn đối phó tình trạng ngập nước kinh hoàng.
 Chỉ cần sau một cơn mưa, ai cũng ngao ngán trước thảm cảnh dòng người lội bì bõm cùng dòng xe cộ chết máy. Đã có nhiều giải pháp chống ngập cho đô thị lớn nhất phương Nam, nhưng chưa thấy hiệu quả rõ ràng từ những dự án tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng. Trong khi người dân đang chờ câu trả lời nghiêm túc hơn, cơ quan chức năng lại hứng thú với sự lắt léo của chữ nghĩa. Đánh giá lại trận mưa gây ngập trên diện rộng đêm 19-5, Sở GTVT TPHCM thống kê “có 10 tuyến đường ngập sâu và 22 tuyến đường tụ nước”. Dùng cách đo thủ công xác định độ ngập nước và thời gian rút nước, để hình thành khái niệm “tụ nước” chăng? 
Tình trạng ngập lụt ở Sài Gòn càng ngày càng trầm trọng hơn. Những con đường Sở GTVT xếp vào dạng “tụ nước” như Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), Nguyễn Văn Quá (quận 12) hoặc Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) đều giống như các dòng sông sau mỗi cơn mưa. Nếu tận mắt chứng kiến người dân chật vật giữa mênh mông nước ngập, quần áo tóc tai ướt nhẹp, chắc chắn không ai nỡ gọi đó là hiện tượng “tụ nước”.
Người dân khốn đốn với những điểm “tụ nước” ảnh 1 Ảnh minh họa.
 Sau khi hết mưa hàng giờ đồng hồ sau, phương tiện xe cộ hầu như cũng không thể lưu thông qua những đoạn ngập sâu. Đặc biệt, khi những chiếc ô tô bị thủy kích đậu nối hàng dài gây ách tắc. Những đứa trẻ đi cùng bố mẹ qua khu vực “tụ nước” sợ hãi khóc thét. Tình cảnh ấy mà gọi là “tụ nước” thì cũng hơi lạnh lùng và vô cảm chăng? “Tụ nước” không phải một thuật ngữ khoa học được ưu tiên sử dụng cho hoạt động hành chính công ích. Trong chiến lược chống ngập người dân còn liên tục vật lộn với bốn bề trắng xóa nước chảy, ý nghĩa “tụ nước” vừa buồn cười vừa tắc trách.
  Đối với TPHCM, tùy theo hiện trạng đô thị cũ, mới để đưa ra giải pháp cụ thể cho từng khu. Bởi không phải cứ ngập là làm cống hoặc nâng đường, mà còn có thể quy hoạch chỉnh trang cùng các giải pháp khác. Chúng ta có thể thiết kế những khu đô thị mới hoàn toàn không ngập khi dựa trên khoa học tự nhiên. Nhưng nếu sau đó quản lý đô thị không nghiêm để cho ngập, nó lại trở thành vấn đề xã hội. 
KTS Ngô Viết Nam Sơn

Dự án “Giải quyết ngập do triều cường khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 6-2016. Dự án này nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM. Dự án triển khai xây dựng 6 cống kiểm soát triều gồm Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định có bề rộng 40-160m.
Bên cạnh đó, xây dựng 1 trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12m3/s, 1 trạm bơm 24m3/s tại cống Tân Thuận, 1 trạm bơm 18m3/s tại cống Phú Định. Đồng thời, xây dựng 7,8km đê/kè bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh ở các đoạn xung yếu… Theo hợp đồng ký kết giữa UBND TPHCM và Tập đoàn Trung Nam thì dự án chống ngập quy mô và tốn kém sẽ được hoàn thành sau 36 tháng thi công.
Thế nhưng, sau đó lãnh đạo TPHCM yêu cầu rút ngắn thời gian thi công xuống còn 22 tháng, và chủ đầu tư cũng như các sở ngành đều cam kết hoàn thành trước ngày 30-4-2018. Bây giờ, đã cuối tháng 5-2018, dự án chống ngập vẫn dang dở và Sở GTVT muốn hóa giải tình hình bằng khái niệm “tụ nước” nhẹ nhàng và đơn giản.
Đã có rất nhiều hội thảo được tổ chức để bàn giải pháp chống ngập cho Sài Gòn. Dự án chống ngập có kinh phí 10.000 tỷ đồng liệu có khả quan không? GS.TS Lê Huy Bá- Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, cho rằng: “Việc quản lý quy hoạch của cơ quan chức năng còn nhiều bất cập.  Sài Gòn với nền đất yếu, hệ thống kênh rạch chằng chịt, nhưng lại cho xây dựng hàng loạt khu cao ốc, khiến nền đất lún nhanh hơn. Kênh rạch bị lấn chiếm, nhiều năm không được khơi thông làm diện tích sông, hồ bị thu hẹp khiến mực nước dâng cao nhanh hơn. Vì thế nhiều nơi của Sài Gòn bị ngập khi triều cường lên cao hoặc khi mưa lớn là điều tất yếu”. Theo GS.TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Khoa học Thủy lợi Việt Nam, vấn đề ở đây là cách làm thủy lợi để giải quyết ngập của TPHCM.
Bởi lẽ, ngập lụt của TP hiện nay nghiêm trọng nhất là vào lúc mưa lớn kết hợp với triều cường. Vì vậy để khắc phục tình trạng này, khi có mưa lớn kèm triều cường, chúng ta có thể cho đóng cửa hồ để ngăn triều cường vào sông Sài Gòn, đồng thời vẫn có thể đảm bảo thoát lũ - trữ lũ cho hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Nếu mưa tiếp tục lớn, chúng ta có thể mở cửa hồ để thoát lũ khi thủy triều xuống.
Như vậy, TPHCM sẽ không còn chịu áp lực “thù trong” (tức mưa lớn) và “giặc ngoài” (tức triều cường) gây ngập lụt nữa. Khi không xảy ra mưa và lũ, chúng ta vẫn có thể mở cống của hồ cho chế độ thủy triều lên xuống như bình thường... Đáng tiếc, ý kiến của các chuyên gia không mấy trùng khớp với dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đang triển khai một cách ngổn ngang.
Nếu lạc quan tếu bằng khái niệm “tụ nước”, TPHCM không chỉ có 22 tuyến đường tụ nước vào mùa mưa. Không chỉ những khu vực tập trung dân cư có thu nhập trung bình, mà ngay cả khu biệt thự vườn Thủ Đức cực kỳ sang trọng nằm trên Quốc lộ 13 cũng ngập sâu vì mỗi cơn mưa. Cứ nhìn những chiếc ô tô đắt tiền nằm chết máy la liệt ở ngõ vào khu biệt thự vườn Thủ Đức sẽ thấm thía sự mơ hồ của ngôn ngữ qua hai chữ “tụ nước” ngây ngô.
(TPHCM)

Các tin khác