Ngồi một chỗ, giám sát cả ngàn xe

(ĐTTCO) - TPHCM vừa đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành trực tuyến xe buýt (TTĐHXB), nhằm hiện đại hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chủ lực này và nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Đây được xem là bước đột phá nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu thu hút ít nhất 600 triệu lượt khách di chuyển bằng VTHKCC năm 2017.

(ĐTTCO) - TPHCM vừa đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành trực tuyến xe buýt (TTĐHXB), nhằm hiện đại hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chủ lực này và nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Đây được xem là bước đột phá nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu thu hút ít nhất 600 triệu lượt khách di chuyển bằng VTHKCC năm 2017.

Giúp hành khách an tâm

Có mặt trên tuyến xe buýt số 06 (Bến xe Chợ Lớn - Đại học Nông Lâm và ngược lại), chúng tôi dễ dàng nhận thấy hệ thống camera được gắn đầy đủ trước và sau xe, giám sát mọi hoạt động trên xe buýt. Theo nhân viên nhà xe, thực tế khi tuyến xe buýt này hoạt động đã trang bị đầy đủ hệ thống camera, thiết bị giám sát hành trình, loa rao trạm, máy lạnh, thậm chí mạng Wifi miễn phí phục vụ hành khách.

Thế nhưng, kể từ đầu tháng 3 tới nay, sau khi đưa vào vận hành TTĐHXB, hoạt động trên tuyến xe trở nên linh hoạt hơn, người dân đánh giá cao hệ thống giám sát trực tuyến này. Hành khách Lê Đình Hân (ngụ quận 6) bộc bạch: “Trước đây khi đi xe buýt tuyến này luôn lo sợ bị móc túi, nhưng giờ đây, ngoài việc camera giám sát hoạt động trên xe, chúng tôi còn có thể phản ánh mọi thắc mắc và được xử lý kịp thời nên cảm giác rất thoải mái”.

Trao đổi với ĐTTC, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC TPHCM (đơn vị quản lý), cho biết việc hoạt động của TTĐHXB nhằm đưa hoạt động VTHKCC từng bước hiện đại và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ, từ đó thay đổi hình ảnh, đem lại nhiều thiện cảm loại hình VTHKCC chủ lực này. Về cơ sở hạ tầng, TTĐHXB trang bị 21 màn hình cùng 21 máy tính kết nối với hệ thống máy chủ.

Hệ thống này sẽ kết nối trực tuyến với Cổng thông tin giao thông TPHCM (đặt tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, quận 2). Qua Cổng thông tin giao thông, trung tâm sẽ nắm được tình hình giao thông trên địa bàn TP cũng như 37 điểm thường xuyên có nguy cơ ùn tắc giao thông, để điều hành luồng tuyến kịp thời, tránh gia tăng áp lực cho các khu vực ùn tắc. Đồng thời, hệ thống giám sát trực tuyến tích hợp với hơn 3.000 camera trên địa bàn TP, nhằm nắm rõ lộ trình xe, biểu đồ xuất bến, tốc độ lưu thông, thời gian di chuyển, xe mở máy lạnh hay đóng mở cửa không…

TTĐHXB giám sát mọi hoạt động xe buýt tại TPHCM.
TTĐHXB giám sát mọi hoạt động xe buýt tại TPHCM.

Giám sát nhân viên

Nếu mắc lỗi, hệ thống tự động cảnh báo qua hệ thống camera bằng hình ảnh trực tiếp từ xe buýt về TTĐHXB, kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm của lái xe, nhân viên như: thái độ, lời lẽ thiếu chuẩn mực; phục vụ không đúng quy định; sử dụng điện thoại khi làm việc... Sau đó, Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC sẽ lập biên bản xử phạt, thậm chí đình chỉnh công tác nếu vi phạm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hệ thống camera trên xe buýt giúp tăng cường an ninh trật tự trên xe, giảm bớt tình trạng kẻ xấu lợi dụng đông người để móc túi, trấn lột khách.

TTĐHXB cũng có đường dây nóng 1022. Đây là kênh thông tin để người dân tìm hiểu và phản ánh mọi thắc mắc liên quan như thông tin xe buýt, luồng tuyến, địa điểm đi và đến, các trạm dừng trên tuyến… Bộ phận tiếp nhận sẽ tiếp nhận và giải đáp thông tin ngay lập tức, đồng thời phối hợp với bộ phận điều hành và pháp chế để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm (nếu có), để nâng cao chất lượng và dịch vụ phục vụ hành khách.

Hiện mỗi xe buýt gắn từ 3-4 camera, cùng với mạng lưới camera giao thông TP với hơn 3.000 camera sẽ giám sát hoạt động gần 2.000 đầu xe, với 142 tuyến buýt (107 tuyến trợ giá và 35 tuyến không trợ giá).  Qua việc vận hành TTĐHXB (từ 4h30 đến 21h30 hàng ngày), giúp cải thiện tình hình trật tự vận tải, từng bước chấn chỉnh và nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ hành khách của đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ xe buýt, góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng vận tải hành khách bằng xe buýt. Sau hơn 2 tuần đi vào hoạt động, TTĐHXB điều hành trực tuyến xe buýt cùng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an TPHCM phối hợp phát hiện và xử lý hơn 10 trường hợp vi phạm lái xe không tuân thủ quy định, 1 trường hợp trấn lột và 1 trường hợp bán thuốc lừa đảo trên xe buýt.

2020 đáp ứng 15-20% nhu cầu đi lại

Năm 2017, chính quyền TPHCM giao chỉ tiêu cho Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC TP phải đảm bảo được ít nhất 600 triệu lượt khách tham gia đi lại bằng xe buýt, tăng 5% số lượng so với năm 2016. Đến năm 2020, loại hình VTHKCC bằng xe buýt phải đáp ứng từ 15-20% nhu cầu đi lại của người dân. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC TP tiếp tục thay mới khoảng 800 xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch (CNG) còn lại trong đề án thay thế mới 1.680 xe (giai đoạn 2014-2017).

Về cơ sở hạ tầng, năm 2017 sẽ thực hiện xong đấu thầu quốc tế hệ thống vé điện tử thông minh; thí điểm hoạt động trạm buýt Hàm Nghi chuyển từ Bến Thành qua; tích hợp các cổng thông tin điện tử tại các bến và nhà chờ, giúp người dân biết được thời gian cụ thể xe đến và đi, từ đó người dân sẽ có tính toán hợp lý khi đi lại. Về đầu tư xây dựng bến bãi, TP sẽ hoàn thành 6 bến đầu cuối tuyến như bến xe dạ cầu Sài Gòn, Đầm Sen (quận 11), Bến Súc và An Nhơ Tây (Củ Chi), Linh Trung 2 (Thủ Đức)… Đồng thời, sửa chữa và cải tạo nhà chờ, trạm dừng để nâng cao chất lượng phục vụ.

Các tin khác