Nghệ thuật vì tuổi thơ

(ĐTTCO) - Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm nay, trẻ em TPHCM có được một địa chỉ mới để hân hoan, đó là công trình Nhà thiếu nhi TP rất hoành tráng và mỹ thuật, vừa được đưa vào hoạt động. 
 
 

Trên cơ sở nền tảng ấy, những hoạt động bổ ích dành cho tuổi thơ có thêm điều kiện để phát triển. Và chắc chắn, Nhà thiếu nhi TP cũng trở thành một vườm ươm nghệ thuật đáng tin cậy.

Nếu nhìn bề nổi, nghệ thuật vì thiếu nhi có vẻ rất xôm tụ. Chỉ cần hướng mắt lên màn ảnh nhỏ là dễ dàng thấy bao nhiêu cuộc thi dành cho lứa tuổi hồn nhiên, từ “Giọng hát Việt nhí”, “Gương mặt thân quen nhí” đến “Biệt đội tí hon”, “Siêu nhí tranh tài”. Thế nhưng, những chương trình ấy có ích gì cho các em lại như một câu hỏi đáng băn khoăn. Tính chất tương tác trên truyền hình có mục đích nhào nặn các em theo kiểu thị trường ngôi sao. Tâm lý thắng thua khiến nhiều bậc phụ huynh đẩy con mình lên sân khấu như một giải pháp danh lợi. Những mỹ từ tung hô và những giải thưởng to tát đã làm vẩn đục sự trong trẻo của tuổi thơ.

Lễ Khánh thành Nhà Thiếu nhi Thành phố.

Những cuộc thi nghệ thuật trên truyền hình có phải vì trẻ em không? Không ai dám chắc, khi những nhà tổ chức vẫn đặt nguồn thu quảng cáo lên hàng đầu. Trẻ em hát, trẻ em múa, trẻ em cười, trẻ em khóc… đều nằm trong kịch bản đầy toan tính của những công ty giải trí. Chưa cần nói đến những “lò” đào tạo cấp tốc để trẻ em tham gia game show, mà ngay cả việc trẻ em trổ tài giữa đám đông hỉ nộ nhắn tin bình chọn, đã là một hình ảnh không mấy thân thiện.

Ngoài những màn thi thố nhún nhảy trên truyền hình, nghệ thuật của tuổi thơ và nghệ thuật vì tuổi thơ có gì? Mảng sách dành cho trẻ em vẫn chưa được đầu tư đúng mức, nhất là lĩnh vực tranh truyện vẫn bị chi phối bởi dòng sách nước ngoài. Mảng phim dành cho trẻ em, sau khi Phương Nam Phim tạm dừng loạt “Cổ tích Việt Nam”, tuổi thơ muốn thưởng thức điện ảnh cũng quá ít chọn lựa. Còn sân khấu cho thiếu nhi, mỗi năm chỉ thưa thớt vài ba vở kịch, đáng kể phải nhắc đến “Ngày xửa ngày xưa” của IDECAF. Dường như không có ai đặt ra trách nhiệm phải xây dựng đời sống tinh thần cho trẻ em thông qua các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Chưa thể mơ ước một Nhà hát Thiếu nhi, mà những ca khúc viết cho thiếu nhi cũng không nhiều. Bằng chứng là các em tranh nhau hát những ca khúc yêu đương hoàn toàn xa lạ với lứa tuổi của mình.

Để nghệ thuật thực sự vì tuổi thơ, không thể nào thiết kế tràn lan những cuộc thi trên truyền hình, rồi phong tặng thần đồng nọ, thần đồng kia. Tập thói quen làm nghệ sĩ quá sớm sẽ ảnh hưởng đến việc học hành và sự phát triển bình thường của trẻ em. Phải có sách cho trẻ em, kịch cho trẻ em, phim cho trẻ em, ca khúc cho trẻ em… mới là đòi hỏi cần thiết nhất và quan trọng nhất để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em.

Các tin khác