Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý

(ĐTTCO).- Chiều 19-11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. 
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi GS - TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD - ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hùng
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi GS - TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD - ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hùng
Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ ngành và gần 200 cán bộ quản lý, nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho hơn 1,4 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả nước.
Đây là những nhà giáo có thành tích nổi bật trong sự nghiệp trồng người, trong đó nhiều thầy cô giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; là giảng viên tại các trường đại học hàng đầu hoặc đang công tác tại các trường dành cho trẻ khuyết tật.
Thủ tướng gửi tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền Tổ quốc lời thăm hỏi thân thiết, lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Chia sẻ về câu chuyện một thầy giáo nghèo ở huyện Mang Thít (Vĩnh Long) dù sức khỏe kém và rất nghèo, nhưng thầy vẫn đứng ra vận động quyên góp quần áo, sách vở cho học sinh, thầy đã qua đời cách đây không lâu; hay câu chuyện Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã trả lời Thủ tướng rằng giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là giáo dục...
Thủ tướng nhấn mạnh: Giáo dục quyết định sự phát triển của xã hội. “Trong mỗi giai đoạn lịch sử, ở bất kỳ quốc gia nào, giáo dục luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng, dân tộc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, dân tộc Việt Nam có truyền thống quý báu là “tôn sư, trọng đạo”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Nên trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, nhà giáo và nghề dạy học luôn được xã hội tôn vinh. Hình ảnh người thầy giáo, cô giáo không chỉ gắn với sự truyền bá tri thức mà còn thể hiện lòng nhân ái, đạo đức trong sáng, mẫu mực.
Theo Thủ tướng, đóng góp công sức nhiều nhất vào những thành quả giáo dục nước nhà không ai khác chính là đội ngũ giáo viên. Mỗi nhà giáo bằng những cách khác nhau đã và đang tham gia vào quá trình đổi mới giáo dục bằng sự tận tâm, tận lực, trách nhiệm và tâm huyết.
“Đổi mới giáo dục đào tạo (GD-ĐT) cũng song hành với không ít khó khăn. Áp lực đặt lên vai người thầy nặng nề hơn, trong khi đời sống, thu nhập chưa được cải thiện đáng kể và đâu đó trong xã hội vẫn chưa thấu hiểu, chia sẻ với những vất vả của thầy cô giáo.
Ngày tết, ngày lễ, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiền thưởng có thể hàng triệu đồng nhưng có trường tiểu học, tiền thưởng chỉ có 100.000 đồng”, Thủ tướng chia sẻ. Thủ tướng nhấn mạnh, nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.
Muốn có những học sinh giỏi thì phải có người thầy tốt. Nhà giáo không chỉ đóng vai trò quan trọng trong truyền bá kiến thức, kỹ năng, mà còn góp phần hình thành và phát triển nhân cách người học. Thông qua việc dạy học, người thầy phải “gieo mầm” những phẩm chất tốt đẹp, tạo dựng cho người học thái độ và năng lực nghề nghiệp cần thiết để trở thành người có ích cho xã hội.
Thủ tướng khẳng định, một trong những yếu tố then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là chất lượng của đội ngũ nhà giáo. Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà giáo phát huy năng lực, khả năng sáng tạo và an tâm cống hiến.
Thủ tướng cũng đề nghị khẩn trương rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên, bảo đảm đủ và phát huy hiệu quả đội ngũ giáo viên; khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương. Nghiên cứu cơ chế chính sách để thu hút được học sinh giỏi, xuất sắc vào ngành sư phạm.
“Từng gia đình cũng phải có trách nhiệm với ngành giáo dục trong sự nghiệp giáo dục, nhất là đạo đức công dân. Các cơ sở GD-ĐT quan tâm xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, dân chủ và phát huy trí tuệ, năng lực sáng tạo, đồng thời quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của giáo viên”, Thủ tướng nói.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã gửi thư chúc mừng cán bộ, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác trong ngành giáo dục. 
-Ngày 19-11, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, dẫn đầu đoàn lãnh đạo TP đã đến thăm, chúc mừng GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng (ĐH-CĐ) Việt Nam, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. 
Tại cuộc gặp, GS-TS Trần Hồng Quân khẳng định: Dù ở vị trí nào, khi còn sức khỏe, bản thân đều cố gắng để góp sức cho sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, thầy cũng trăn trở về giải pháp để thu hút và giữ chân những người giỏi trong lĩnh vực giáo dục hiện nay, cần có thêm chính sách đảm bảo về tiền lương để thầy cô an tâm và sống được.
Trân trọng ghi nhận những ý kiến đóng góp của GS-TS Trần Hồng Quân, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Những vấn đề thầy trăn trở, Quốc hội cũng đã bàn và sẽ có những quyết sách. Riêng về giáo dục của TPHCM, hiện nay TP đang xây dựng đề án phát triển khu đô thị sáng tạo và thu hút 12 trường ĐH khu vực tham gia cùng phát triển. Song song đó, đẩy mạnh liên kết đào tạo nguồn nhân lực giữa các địa phương TPHCM, Bình Dương và Long An. Về giáo dục phổ thông, mỗi năm TP đầu tư xây mới hơn 1.000 phòng học để đáp ứng chỗ học cho học sinh. Sắp tới, TP cũng thí điểm giảm học phí cho học sinh bậc THCS. 
Dịp này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đến thăm hỏi NGND-GS-TS Phan Thị Tươi, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM; chúc GS-TS Phan Thị Tươi luôn có nhiều sức khỏe, tiếp tục góp sức cùng TP đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, đã đến thăm và chúc mừng gia đình TS Trần Thành Long, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đến thăm gia đình TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, TP đang hướng đến các giải pháp như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng hệ thống giao thông giữa TP và một số tỉnh, thành lân cận. 
Trước đó, đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, đã đến chúc mừng tập thể cán bộ, công nhân viên Sở GD-ĐT TP. Tại buổi gặp mặt, đồng chí Lê Thanh Liêm đánh giá cao sự chủ động, làm tốt vai trò, nhiệm vụ của sở, giúp giáo dục TP có bước tiến mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước. 
Cùng ngày, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã đến thăm gia đình nhà giáo Lê Xuân Hồng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối ĐH-CĐ, nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Mẫu giáo Trung ương TPHCM; thăm GS - TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM. 

Các tin khác