Mưa lũ tái diễn, ít nhất 28 người chết, mất tích

(ĐTTCO) - Sau khi bão số 3 đổ bộ vào Bắc Trung bộ, hoàn lưu của bão lại tiếp tục gây mưa lũ, ngập lụt, sạt lở trên diện rộng ở các tỉnh Tây Bắc bộ, làm hàng chục người chết, mất tích. Thiệt hại về tài sản chưa thể thống kê… 
Yên Bái lại hứng lũ quét
Chiều 20-7, UBND tỉnh Yên Bái báo cáo, mưa lũ khiến nước các sông suối dâng cao, đã làm ít nhất 28 người chết, mất tích và 7 người bị thương. Có 29 xã thuộc 5 huyện ở tỉnh này là Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên, Mù Cang Chải và Văn Yên bị lũ cô lập hoàn toàn, 931 ngôi nhà bị hư hại. Trong ngày 20-7, 585 hộ dân tại các huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ và TP Yên Bái phải di dời khẩn cấp. 
Trong khi đó, quốc lộ 32 đoạn qua đèo Khau Phạ bị sạt nhiều đoạn do lũ quét, quốc lộ 37 đoạn Km279+800 bị ngập sâu 50cm do nước sông Hồng lên cao. Nhiều trục tỉnh lộ ở Yên Bái bị sạt lở, nước và bùn tràn lên đường, nhiều điểm ngập sâu 1m khiến giao thông hoàn toàn tê liệt. Về nông nghiệp, có tới 730,5ha lúa và hoa màu tại Văn Chấn, Trạm Tấu, Trấn Yên, TP Yên Bái bị ngập úng, có nguy cơ mất trắng. Tại TP Yên Bái, nước sông Hồng đã vượt báo động 3 vào trưa 20-7, nhiều hộ dân bị ngập, phải khẩn cấp chạy lũ; hơn 2.500 hộ; hơn 300ha lúa, hoa màu, ao cá tại tất cả 17 xã, phường bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái, tâm điểm mưa lũ đợt này là tại 2 huyện Văn Chấn và Văn Yên. Tại tâm lũ Văn Chấn, có 3 người chết và 14 người mất tích. Trong đó, đồng chí Đặng Phúc Tài, sinh năm 1961, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Mười (Văn Chấn) bị lũ cuốn trôi, đến trưa 20-7, đã tìm thấy thi thể.
Có 7 xã của huyện Văn Chấn bị chia cắt, cô lập gồm: Nậm Lành, Sùng Đô, Nậm Mười, An Lương, Sơn Lương,  Bình Thuận, Suối Quyền. Khoảng 121ha lúa và hoa màu bị lũ nhấn chìm, hàng chục ngôi nhà bị ngập. Hiện quốc lộ 32 còn bị sạt lở gây ách tắc đường vào 3 xã Cát Thịnh, Nậm Búng và Tú Lệ. Chiều 20-7, mưa vẫn như trút nước, nước sông dâng cao, công tác tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Tỉnh Yên Bái đã huy động lực lượng 4 tại chỗ để tìm kiếm và cứu hộ các nạn nhân mất tích. UBND huyện Văn Chấn đã tổ chức di dời khẩn cấp gần 200 hộ gia đình tại các khu vực nguy hiểm tới nơi an toàn. 
Còn ở huyện Văn Yên, chiều 20-7, lũ trên các sông suối lên rất nhanh, đặc biệt là ở Ngòi Hút và Ngòi Thia. Theo thống kê sơ bộ, hàng chục ngôi nhà bị lũ cuốn trôi ở xã Phong Dụ Thượng, nhiều ngôi nhà bị sập hoàn toàn ở thôn Khe Đâm, xã Mỏ Vàng... 
Tỉnh Lào Cai cũng có mưa lũ lớn trong ngày 20-7 do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3. Nước lũ làm 40 ngôi nhà và gần 300ha lúa, hoa màu của người dân ở các xã Nậm Tha, Sơn Thủy, Võ Lao, Liêm Phú ở huyện Văn Bàn bị ngập. Mưa lớn cũng làm sạt lở nhiều điểm ta-luy âm và dương ở huyện Sa Pa...
Mưa lũ tái diễn, ít nhất 28 người chết, mất tích ảnh 1 Nhà cửa, cầu cống bị lũ lụt tàn phá tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An 
Ngày 20-7, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó Trưởng ban thường trực Hoàng Văn Thắng đã lên đường đến tỉnh Yên Bái để trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do lũ quét, sạt lở đất.
Chiều 20-7, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các địa phương đã có báo cáo tổng hợp số liệu và tình hình thiệt hại do mưa, lũ lớn gây ra. Theo đó, mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đã làm 24 người ở Yên Bái thiệt mạng và mất tích, 7 người bị thương. Tại tỉnh Thanh Hóa, 4 người bị thiệt mạng và mất tích. Như vậy, đến nay, tổng số người gặp nạn do bão số 3 và hoàn lưu áp thấp là 28 người. 
Xuất hiện áp thấp nhiệt đới mới
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh kết hợp với hoàn lưu bão số 3 nên từ đêm 19 đến chiều 20-7, các tỉnh Bắc bộ đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, kéo dài nhiều đợt. Theo dự báo, ngày 21-7, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, Bắc bộ và Bắc Trung bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cảnh báo mưa lũ lớn ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ có khả năng kéo dài nhiều ngày tới.
Chiều 20-7, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo về một vùng áp thấp hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Bắc biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). ATNĐ này có hướng di chuyển lạ. Trong 24 giờ tới, ATNĐ sẽ di chuyển chậm ra phía Đông, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 và có mưa dông mạnh.
Cùng với đó, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới và vùng ATNĐ kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, từ đêm 20 đến ngày 21-7, ở vùng biển vịnh Bắc bộ, khu vực Bắc biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-3m.
Do khu vực Tây Nguyên và Nam bộ chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh, trong 2-3 ngày tới, tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm); trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.
 Đến chiều 20-7, lực lượng tìm kiếm gồm bộ đội, công an, chính quyền địa phương… vẫn đang nỗ lực tìm kiếm 2 người mất tích do lũ ống xảy ra tại bản Hắc (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) tối 19-7. Do mưa lớn, nước lũ dâng cao khiến gần 50 hộ dân ở bản Trải 2 (thị trấn Lang Chánh) phải di dời khẩn cấp. Tuyến đường tỉnh lộ 530 chạy qua địa bàn huyện này cũng bị ách tắc nghiêm trọng. Tại Nghệ An, mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng. 
Về thông tin 35 người tại xã Châu Bính (huyện Quỳ Châu) mất liên lạc khi đi hái măng, ngày 20-7, có 29 người đã trở về nhà an toàn, 6 người còn lại cũng đã liên lạc được nhưng phải chờ nước rút mới ra được khỏi rừng. Huyện Quế Phong đã buộc phải cưỡng chế di dời 36 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm ven sông Chu thuộc các xã Thông Thụ, Hạnh Dịch, Châu Thôn, Nậm Nhoóng… Nhiều bản làng tại huyện Con Cuông, xã Tam Hợp (huyện Tương Dương), xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn)… bị lũ cô lập. Chiều 20-7, lực lượng tìm kiếm vẫn chưa tìm thấy 2 vợ chồng tại xã Vĩnh Sơn (huyện Anh Sơn) mất tích trên sông Lam.
DUY CƯỜNG
 Tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân
Trước tình hình mưa lũ gây thiệt hại nặng nề ở các địa phương, ngày 20-7, Thủ tướng Chính phủ có công điện số 931/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và chủ động ứng phó mưa lũ. 
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, nhất là các tỉnh đang bị nhiều thiệt hại trong đợt mưa lũ này như Thanh Hóa và Yên Bái tập trung khắc phục hậu quả, đồng thời triển khai ứng phó mưa lũ. Triển khai ngay phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn; phân công các đồng chí lãnh đạo UBND, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh trực tiếp xuống địa bàn trọng điểm chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ. Huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm những người còn mất tích. Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ và tình hình thời tiết nguy hiểm để chỉ đạo các biện pháp cụ thể, ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại, trước hết tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
PHAN THẢO

Các tin khác