Một thời báo chí đấu tranh

(ĐTTCO) - Giáo sư Trần Văn Giàu trong tiểu luận “Lược sử báo chí TPHCM”, từng khẳng định: “Sài Gòn là TP có nhiều báo chí yêu nước và cách mạng hoạt động công khai giữa lòng địch”.
 Quả thật, nhìn vào hoạt động đấu tranh đô thị ở miền Nam trước năm 1975, không thể phủ nhận vai trò của báo chí với những nhà báo tài ba và can trường như Vũ Tùng, Dương Tử Giang, Nam Quốc Cang, Nguyễn Văn Nguyễn, Thiếu Sơn, Khuông Việt, Mai Văn Bộ, Lê Tràng Kiều, Lý Văn Sâm…
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Mặt trận Báo chí Thống nhứt Nam bộ đã được thành lập, đặt trụ sở tại số 32 đường Bonard (nay là đường Lê Lợi, quận 1, TPHCM), với các thành viên tiêu biểu, như tờ Tin Điển của Lê Trung Cang, tờ Việt Bút của Nguyễn Kim Bắc, tờ Kiến Thiết của Lê Quang Trường, tờ Tân Tiến của Lê Quang Trinh, tờ Nước Nhà của Trần Cửu Chấn, tờ Việt Nam của Võ Thành Cứ, tờ Cộng Đồng của Lê Văn Trường, tờ Ánh Sáng của Lư Khê, tờ Dư Luận của Nguyễn Phan Long…
Ngày 10-10-1946, Mặt trận Báo chí Thống nhứt Nam bộ đã ra tuyên bố gồm 4 nội dung chính: Đấu tranh cho độc lập dân tộc, thống nhứt đất nước; đòi Chính phủ Pháp tôn trọng Hiệp định sơ bộ 6-3 và Thỏa hiệp án 14-9-1946; dẹp bỏ chính phủ bù nhìn Nam kỳ tự trị; thương thuyết với Chính phủ Hồ Chí Minh. 
Với tiêu chí dứt khoát như vậy, Mặt trận Báo chí Thống nhứt Nam bộ đồng loạt cho in trên trang nhất toàn văn Tuyên ngôn của Ủy ban Hành chánh Nam bộ do Chủ tịch Phạm Văn Bạch chấp bút và lời kêu gọi của tướng Nguyễn Bình, Ủy viên quân sự Nam bộ, nêu rõ chủ trương chấp hành mệnh lệnh của Chính phủ trung ương. Tờ Công Lý cho in bài hát “Tiến quân ca” của Văn Cao, còn tờ Kiến Thiết cho in bài “Khu giải phóng Việt Bắc” của Võ Nguyên Giáp.
Mặt trận Báo chí Thống nhứt Nam bộ cũng tấn công trực diện vào Chính phủ Nam kỳ tự trị. Không chịu nổi búa rìu dư luận, ngày 10-11-1946, Thủ tướng đương quyền là bác sĩ Nguyễn Văn Thinh treo cổ tự vẫn. Chính phủ bù nhìn đưa bác sĩ Lê Văn Hoạch lên thay. Muốn an thân, tân Thủ tướng Lê Văn Hoạch gửi thư ngỏ cho báo chí: “Chúng tôi có mấy lời này cùng các nhà báo Nam kỳ: xin ngưng cuộc bút chiến chừng vài tháng để cho chúng tôi được bình tĩnh, thơ thới và yên tâm mà hành sự”. 
Một thời báo chí đấu tranh ảnh 1 Tờ báo Tin Điển nổi danh với mục “Trớ trêu” của Nam Quốc Cang. 
Chẳng khác gì đổ dầu vào lửa, trong mục “Ngó đời” của báo Nam Kỳ, đã bình luận: “Làm thầy thuốc ở Cần Thơ, gặp dịp Nhật bạo hành Pháp, ông Hoạch nhảy ra làm cảnh sát trưởng, bị bắn trọng thương, ông nằm điều dưỡng ở nhà thương Chợ Rẫy, được Thống đốc Mi-nô-đa gắn khê bài danh dự, nay lại nhào ra làm Thủ tướng Nam kỳ quốc tự trị muôn năm. Con người tráo trở như vậy, thảo nào…”.
Còn tờ Sài Gòn Mới in bài thơ có dáng dấp văn tế : “Cờ tự trị ngẩn ngơ trước gió/ Uổng tử thành thương hại đốc tờ Thinh/ Tuồng thực dân hăm hở kéo màn/ Nam kỳ quốc nảy sanh thầy thuốc Hoạch/ Dây một sợi còn mai mỉa đó/ Có vui chăng chọn lấy con đường/ Ghế ba chân đã vững vàng chưa/ Không khéo nữa, ngả theo cái oạch”. Tờ Phương Nam thì có bài tứ tuyệt trào phúng: “Lẳng lặng mà xem chúng diễn trò/ Người thì quan lớn, kẻ quan to/ Phen này ông quyết buôn dây điện/ Thiên hạ còn bao đứa… hỏng giò”. Còn tờ Tân Việt giáng ngay một bài vè đích đáng: “Te te hoành hoạch/ Đèo bòng ngôi cao/ Ngôi cao ba cẳng té nhào/ Vậy mà nó cũng ào ào đòi lên”. 
Một thời báo chí đấu tranh ảnh 2 Tờ Việt Báo do Dương Tử Giang làm chủ bút. 
Chính phủ bù nhìn Lê Văn Hoạch tất nhiên không thể ngồi không chịu đòn. Mặt trận Báo chí Thống nhứt Nam bộ đã phải hứng chịu sự trả thù khá đê hèn. Ngày 11-12-1946, tờ Tranh Đấu bị đóng cửa. Ngày 21-12-1946, tờ Tin Điển bị thu hồi giấy phép, với lý do đăng tin “thất thiệt” về chiến sự ở Hà Nội. Ngày 23-12-1946, tờ Đời Mới bị tịch thu toàn bộ tài sản, không một lời giải thích. Đồng thời, “thầy thuốc Hoạch” ra lệnh khám xét nhà in báo Nam Kỳ và báo Trung Lập. 
Trước sự hung hãn ấy, báo chí tranh đấu cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Thế nhưng, khi nhận được tin cụ Huỳnh Thúc Kháng từ trần ngày 21-4-1947, Mặt trận Báo chí Thống nhứt Nam bộ quyết định ngưng xuất bản tất cả các báo trong ngày 26-4-1947 để truy điệu bậc niên trưởng đáng kính. Thái độ ấy khiến “bác sĩ Hoạch” điên tiết hơn, tiếp tục 17 tờ báo bị đóng cửa. Lần này, để hợp thức hóa hành động đàn áp, Chính phủ bù nhìn nêu nguyên nhân “các báo đã không thèm đến chia buồn đám tang quan chức cao cấp” trước sự kiện Bộ trưởng Giáo dục Trương Vĩnh Khánh bị thiệt mạng do lọt vào phục kích của cách mạng tại Trung Lương - Mỹ Tho.
Báo chí đấu tranh đô thị tại Sài Gòn còn có một tổ chức nữa là Liên hiệp Ký giả dân chủ Việt Nam do Lê Thọ Xuân làm chủ tịch và Nam Quốc Cang làm Tổng thư ký. Sau đám tang Trần Văn Ơn vào tháng 1-1950 được truyền thông cổ vũ mạnh mẽ, Chính phủ Trần Văn Hữu dùng thủ đoạn sắt máu với báo chí. Liên hiệp Ký giả dân chủ Việt Nam đã làm Bản kiến nghị đanh thép: “Gần đây báo chí được lệnh của chánh quyền không đăng thông cáo của Liên hiệp ký giả, chỉ được đăng thông báo của chánh quyền.
Thông báo của nhà cầm quyền là thông tin không đúng sự thực, thông tin xuyên tạc. Nhà cầm quyền rút giấy phép báo Thần Chung, Tin Điển, Ánh Sáng, đình chỉ 15 ngày báo Thời Cuộc, Tiếng Dội là vô lý. Các chủ báo nào không tuân lệnh thì báo bị rút giấy phép. Bằng cách đó, nhà cầm quyền cố tình khống chế báo chí, báo chí không được tự do. Chúng tôi cực lực phản đối chế độ báo chí hiện thời, đòi: Báo chí phải được xuất bản không xin phép. Ngưng việc khống chế dư luận, ngưng việc đình chỉ trái với quyền tự do ngôn luận”. 
Ngay sau đó, Thủ hiến Trần Văn Hữu đã mở một chiến dịch truy sát các nhà báo có sức ảnh hưởng. Trong số những nhà báo hy sinh giai đoạn cao điểm tranh đấu ấy, Nam Quốc Cang đã bị địch ám sát vào ngày 6-5-1950 khi ở độ tuổi 33. Là một cây bút chính luận sắc sảo, Nam Quốc Cang viết cho tờ báo nào chẳng mấy chốc tờ báo ấy cũng bị đóng cửa. Đến hôm nay, những bài viết của Nam Quốc Cang cho mục “Trớ trêu” trên tờ Tin Điển vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Nam Quốc Cang chế giễu Chính phủ bù nhìn do Pháp dựng lên ở Nam kỳ: “Họ đương chung lưng đấu cật để bảo vệ một cái ghế.
Cái ghế của chánh phủ tự trị. Cái ghế ấy lỏng chỏng lắm, vì nó chỉ có một chưn rưỡi mà thôi. Đã thế những người ngồi cheo leo trên ghế lại hay lóc chóc lanh chanh, múa đủ lối. Coi chừng nào! Nhào thì nguy cho tôi! Đó là lời họ khuyên nhủ bề trên của họ, nhưng trong khi chung lưng đấu cật để bảo vệ cái ghế kia, họ lại thúc đá lẫn nhau vì còn mải tranh nhau một miếng bít-tết.
Trong lúc ấy, gió Thống Nhứt đã mạnh lại càng mạnh…”. Ông cũng không ngần ngại hồi đáp sự kêu gọi báo chí đấu tranh đô thị tạm đình chiến với Chính phủ bù nhìn: “Vốn không hiếu chiến, chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi chỉ có thể đình chiến khi nào thuyết tự trị muôn năm ( con đẻ của thực dân vạn kiếp) không còn nữa. Nếu chúng tôi đình chiến thì thuyết ấy sẽ lợi dụng cơ hội đặng bành trướng thế lực. Rồi chúng tôi sẽ bị bóp cổ chết tươi…”.

Các tin khác