Môn Sử thụt lùi, tại thầy, trò hay bộ?

(ĐTTCO) - Kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019, môn Sử có số điểm thấp nhất. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trên 70% bài thi môn Sử đạt điểm dưới 5. Điểm trung bình môn Sử của các thí sinh là 4,3, nhưng có nhiều thí sinh đạt 3,75 điểm. Đã liên tục nhiều năm, môn Sử đều có điểm thi đáng báo động, cho thấy chất lượng dạy và học môn Sử trong bối cảnh hội nhập vẫn còn rất mơ hồ.

Bộ Giáo dục có biết không?
Không phải đến kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay môn Sử mới có kết quả ê chề, mà đã liên tục nhiều năm. Năm 2016, điểm trung bình môn Sử là 4,49, năm 2017 điểm trung bình 4,6, năm 2018 điểm trung bình 3,79. Rõ ràng, thực trạng dạy và học môn Sử đang tồn tại những bất cập mà bất kỳ ai còn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục không thể không lo âu.
Giá trị lịch sử luôn luôn quan trọng với sự trưởng thành của một con người nói riêng và một vùng đất nói chung. Bỏ rơi quá khứ nghĩa là chấp nhận chông chênh với hiện tại và mịt mù tương lai. Nói cách khác, lịch sử là bệ phóng của sự sinh tồn và sự phát triển cho cá nhân và cộng đồng. Không biết mình đến từ đâu, không biết cha ông mình thế nào, thì không thể kiến tạo tư duy sống có mục đích và có lý tưởng. Lịch sử đôi khi không chỉ ôm ấp ước mơ, mà lịch sử còn thúc đẩy hành động mạnh mẽ. Vậy mà, bẽ bàng thay, môn Sử lại phơi bày bao nhiêu ngổn ngang và trì trệ của công việc dạy và học trong nhà trường phổ thông.
Môn Sử thụt lùi, tại thầy, trò hay bộ? ảnh 1 Cần phải có những hình ảnh mang tính trực quan sinh động để học sinh không thờ ơ với môn Sử.
Bộ GD-ĐT không phải không biết môn Sử đang chới với từ bục giảng đến trang sách. Nhiều buổi hội thảo nhỏ, nhiều cuộc hội nghị lớn đã diễn ra tưng bừng và long trọng, nhưng thu hoạch không đáng kể. Những hạn chế và những yếu kém của môn Sử hoàn toàn không khó khăn để nhận diện tương đối đầy đủ.
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra nhược điểm quan trọng là bộ môn lịch sử chưa được đối xử như một môn khoa học thật sự, mà nhiều khi chỉ được xem như một công cụ tuyên truyền. Đồng thời, xã hội cũng chưa thật sự coi trọng những giáo viên lịch sử và những người nghiên cứu lịch sử.
Ngoài ra, quy chế và cách thức tuyển sinh vào các trường đại học hiện nay chưa tạo được động lực cho học sinh theo đuổi nghiêm túc môn lịch sử. Còn nhìn vào cấp độ cơ sở, chương trình giảng dạy môn Sử hầu như ít cập nhật những kết quả nghiên cứu lịch sử mới. Ngay cả phần lịch sử Việt Nam cận hiện đại trong sách giáo khoa cũng được viết một cách thiếu toàn diện, nặng về thành tích quân sự và báo cáo chính trị.
Chính những nguyên nhân vừa gần vừa xa, vừa vĩ mô vừa vi mô, đã khiến học sinh ngán ngẩm với môn Sử. Khi lứa tuổi cắp sách đến trường không yêu thích môn Sử, thì kết quả thi trung học phổ thông quốc gia là sự phản ánh khá chính xác. Rất nhiều bậc phụ huynh cũng cho rằng, những số liệu và những thông tin lịch sử chẳng có giá trị gì để ứng dụng vào thực tế cuộc sống mưu sinh cũng như thăng tiến công danh.
Từ quan niệm đó, các bậc phụ huynh có toan tính khôn ngoan chỉ đầu tư cho con em mình chú tâm vào các môn toán, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ… Còn ở phía học sinh thì sao? Các em cũng đắn đo khi chọn môn Sử, vì có giỏi môn Sử cũng không thể thi đậu vào những ngành dễ kiếm việc làm và có thu nhập cao như kinh tế, tài chính, y khoa, công nghệ thông tin… Sự thực dụng đã cắt đứt mối dây khăng khít giữa môn Sử với những công dân ngày mai của đất nước. 

Thay đổi tư duy, cách dạy
Khách quan mà đánh giá, vẫn có rất nhiều giáo viên tâm huyết với môn Sử. Thế nhưng, trào lưu nghề nghiệp và xu hướng việc làm không trợ lực cho sức hấp dẫn từ những bài giảng lịch sử. Với những giáo viên môn Sử lâu năm, họ dễ dàng phát hiện sự khô cứng trong nội dung sách giáo khoa khi bắt học sinh phải học thuộc lòng để đạt điểm số cao.
Giáo viên Nguyễn Văn Lực đang dạy Sử ở Khánh Hòa, không ngần ngại bộc bạch về những sai lầm hiện hữu dẫn đến hệ lụy cho môn Sử: “Chúng ta vẫn giáo dục theo hướng tiếp cận nội dung mà chưa chuyển sang tiếp cận năng lực. Dạy môn học này theo tôi là truyền cho học sinh tinh thần của dân tộc, cái hồn của núi sông, lòng biết ơn với tổ tiên qua những nhân vật lịch sử thì mới khắc sâu và đọng lại trong các em, chứ không phải những số liệu khô khan, diễn biến dài dòng của những trận đánh, những chiến dịch…
Và chính thầy cô dạy lịch sử chưa cùng đồng tâm tạo nên một sự thay đổi cần thiết về dạy - học - kiểm tra - thi môn lịch sử thì nên “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Lịch sử suy cho cùng là một câu chuyện kể về quá khứ, vậy dạy miễn làm sao học sinh thích thú nghe là đủ rồi, từ đó sẽ lắng đọng dần trong tâm hồn các em một cách tự nhiên mà không cần phải nhồi nhét hay bắt học thuộc lòng. Tôi tha thiết mong rằng Bộ GD-ĐT, hãy để cho chúng tôi tự do sáng tạo cách kể lại câu chuyện lịch sử, từ đó mới hy vọng học sinh không thờ ơ với môn học này”.
Nếu suy tư của giáo viên dạy Sử đã được tháo gỡ, thì sách giáo khoa phải viết lại môn Sử như thế nào? GS.TS Phạm Hồng Tung (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Chủ biên Chương trình môn Lịch sử mới) khẳng định có hai việc cần làm ngay: “Thứ nhất, hiện chúng tôi đã xây dựng và đang hoàn thiện chương trình môn Lịch sử theo hướng đây đúng là môn khoa học, giống như bất kỳ môn khoa học khác chứ không phải môn học nhồi nhét kiến thức, nặng tính tuyên truyền.
Thứ hai, chúng ta phải nói cho con em chúng ta biết học Lịch sử sẽ mang lại lợi ích gì cho cuộc sống chúng em, làm nghề gì thì cần tới hiểu biết, năng lực về lịch sử. Thực tế có rất nhiều nghề cần sự hiểu biết về lịch sử và phải coi năng lực lịch sử là năng lực bắt buộc; càng hội nhập càng cần phải hiểu biết rõ về lịch sử, về văn hóa của đất nước mình”.
Trước thực trạng điểm thi môn Sử rất thấp, gây hoang mang và nhức nhối cho cộng đồng, Bộ GD-ĐT hơn một lần kêu gọi đẩy mạnh việc vận dụng các phương pháp, hình thức dạy học tích cực; tổ chức các hoạt động trải nghiệm môn học; tăng cường hướng dẫn học sinh tự học. Tuy nhiên, nếu môn Sử chỉ là những số liệu và những sự kiện không mấy quyến rũ trên trang sách thì học sinh cũng không mặn mà gì.
Cần phải có những hình ảnh mang tính trực quan sinh động. Bây giờ, phương tiện và kỹ thuật truyền thông rất thuận lợi, tại sao Bộ GD-ĐT không hợp tác với những nhà sản xuất để làm các bộ phim lịch sử Việt Nam? Nếu chương trình dạy và học môn Sử có kèm theo DVD như ở các nền giáo dục tiên tiến khác, thì mọi chuyện sẽ khác. 

Các tin khác