Mành trúc Củ Chi vươn ra thế giới

(D9TTCO0 - Được biết đến là nơi sản xuất mành trúc nổi tiếng ở Việt Nam, làng nghề mành trúc Củ Chi hiện đã chắp cánh cho những bức tranh bằng chất liệu độc đáo đến với người tiêu dùng không chỉ ở trong nước mà ra khắp thế giới. 
 
Tiếp sắc màu cho trúc bay xa
Tìm đến xưởng làm mành trúc của ông Nguyễn Hữu Bèn, ấp 1, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TPHCM, tôi có cảm giác ngộp thở vì nồng nặc mùi sơn. Ông Bèn niềm nở đón chúng tôi tham quan. Bên trong xưởng đâu đâu cũng có thùng sơn với đủ các loại to, nhỏ và nhiều màu khác nhau.
Mười mấy thợ đang chăm chú lên màu cho từng khúc trúc nhỏ nhắn, với đôi tay thoăn thoắt và điêu luyện. Những tấm mành trúc mộc mạc dần biến hóa thành những bức tranh sinh động. Ông Bèn chia sẻ, nghề mành trúc được hình thành từ trước những năm 1975 tại Củ Chi, trong đó tập trung ở xã Tân Thông Hội và Phước Vĩnh An, bởi nơi đây vốn là vùng trồng nhiều tre, trúc, thuận lợi cho việc sản xuất các mặt hàng thủ công mây, tre đan.
“Thời hoàng kim” của làng có tới 54 cơ sở hợp tác xã làm nghề, chủ yếu xuất khẩu sang Liên Xô (cũ) và một số nước Đông Âu để trang trí nhà cửa. Hơn 40 năm trôi qua với cuộc sống thay đổi ngày càng hiện đại, nhu cầu của người tiêu dùng cũng thay đổi theo, nghề mành trúc mai một dần, đến nay chỉ còn mỗi xưởng của ông sản xuất sản phẩm này. Thị trường tiêu thụ cũng chuyển dần mở rộng thêm các nước Đông Âu và nhiều nước khác như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Canada… 
Mành trúc Củ Chi vươn ra thế giới ảnh 1 Những tấm mành trúc đơn sơ đã biến hóa thành những bức tranh sống động qua bàn tay khéo léo của người thợ. 
Để có được 1 tấm tranh mành trúc phải qua rất nhiều công đoạn phức tạp. Ban đầu, những nhánh trúc được chọn và cắt thành đoạn nhỏ dài chừng 6cm, sau đó được trộn với cát và đưa vào lò quay để bỏ hết lớp lụa bên ngoài, rồi đem ngâm trong nước hồ chống mối mọt, đem ra phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt độ 70-80oC. Khâu thi công này được các hộ dân thực hiện, sau đó xưởng sẽ thu mua phát lại cho một số gia đình để xâu lại thành trục dài.
Việc xâu trúc như vậy đã tạo ra việc làm cho hàng trăm người dân các xã ở đây, đặc biệt là những người không có công ăn việc làm, không thể làm việc trong các xí nghiệp hoặc người già, trẻ em… Trúc khô sẽ được xâu lại với nhau thành từng dây bằng những sợi kẽm rồi khâu thành mành. Giai đoạn tiếp theo là giật mành. Anh Nguyễn Văn Chí, thợ giật mành, cho biết đây là công đoạn quan trọng đòi hỏi người thợ phải quan sát thật kỹ để các dây khâu đều nhau. 
Mành trúc Củ Chi vươn ra thế giới ảnh 2 Ông Nguyễn Hữu Bèn kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng. 
Vô trục là công đoạn đòi hỏi cả sức khỏe và sự khéo léo của người thợ. Ở công đoạn này, người thợ lồng những chiếc mành trúc đã được dệt vào trục rồi dùng kìm xoay các sợi kẽm làm sao cho thật chắc.
“Phải là người quen tay, có kinh nghiệm mới làm được bởi nếu siết chặt quá dây sẽ bị đơ, còn lỏng quá sẽ bị sệ khiến mành xấu xí” - anh Chí nói thêm. Từ những thùng sơn “nguyên chất”, người thợ sẽ tiến hành phối màu để có những gam màu phù hợp. Thông thường sau khi phối, các màu này được vẩy lên tường để xem thử, do vậy tạo thành một bức tranh với nhiều gam màu sống động, tạo nên không gian làm việc lung linh cho người lao động.

Công đoạn sơn màu tiếp theo sẽ quyết định đến vẻ đẹp của mành trúc với những kiểu hoa văn, họa tiết độc đáo khác nhau. Một điều khác biệt của sơn mành trúc chính là người thợ không cần dùng cọ hay bút màu vẽ mà chỉ dùng một miếng xốp thấm sơn và biểu thị chi tiết trang trí lên mành trúc. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, tranh mành trúc có nhiều chủ đề thể hiện khác nhau như phong cảnh, chân dung… Nhìn tưởng đơn giản nhưng lại tạo ra những bức tranh mành trúc tinh tế và không kém phần sống động. Sau khi lên màu hoàn chỉnh, các bức tranh này sẽ được đưa qua khu vực kiểm hóa một lần nữa rồi mới được đóng gói và xuất hàng. 

Chưa tìm được người thừa kế
Do đặc trưng của nghề mành trúc nên thông thường mỗi người thợ sẽ đảm nhận một công đoạn khác nhau, công suất trung bình 10 tấm/người với giá khoán 20.000 đồng/tấm, thu nhập trung bình khoảng 200.000 đồng/thợ. Ông Bèn cho biết mặc dù công việc khá vất vả, thu nhập không cao lắm, nhưng nghề mành trúc đã gắn bó với anh chị em ở đây khá lâu, cứ thế ăn sâu vào máu thịt khi nào không hay. Nguyên liệu để sản xuất tranh mành trúc khá đơn giản, chủ yếu là trúc, kẽm và sơn, trong đó kẽm là thành phần rất quan trọng quyết định đến tuổi thọ của tranh mành trúc.
Do vậy, ông Bèn rất kỹ trong việc chọn loại kẽm cũng như đối tác cung cấp, thông thường ông nhập phôi từ Đài Loan qua 1 công ty trong nước, sau đó kéo kẽm rồi chuyển về xưởng thi công. “Hiện nay chất lượng kẽm trên thị trường không đảm bảo, đa phần doanh nghiệp đều trộn tạp chất, hỗn hợp vào nên không còn nguyên chất, không đáp ứng được độ bền mà mình yêu cầu. Thực tế này khiến xưởng chúng tôi nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất nói chung khá đau đầu để tìm được đối tác tin cậy” - ông chia sẻ thêm. 

Hiện xưởng ông Bèn có khoảng 30 thợ đang làm việc. Ngoài ra ông có khoảng 3 chi nhánh nhỏ ở Sài Gòn với khoảng 30 người nữa. Nhắc đến chuyện này, ông Bèn hơi chững lại, cho biết hiện vẫn chưa tìm được người thay ông gánh vác xưởng. Gắn bó với nghề mành trúc gần 40 năm nay, với ông Bèn là một tình yêu nghề mãnh liệt bởi không chỉ là miếng cơm manh áo mà ông đã có những ngày vui, ngày buồn cùng nghề.
Dù vất vả, lao động chân tay cực nhọc nhưng từ lâu nó đã trở thành một phần của cuộc đời. Tuy nhiên, gia đình ông neo người, 2 vợ chồng chỉ có cô con gái nhưng không nối nghề cha. Người thân chưa đủ khả năng để gánh vác và duy trì làng nghề duy nhất còn sót lại này. 

Chào tạm biệt ông Bèn và mọi người ở xưởng, chúng tôi ra về với một nỗi xao xuyến lạ. Lòng cảm thấy vui vì có dịp chứng kiến và trải nghiệm về làng nghề yêu dấu này, nhưng lại nặng lòng vì không biết sau ông Bèn, ai sẽ là người tiếp tục lưu giữ nét truyền thống của làng nghề - nét cổ xưa hiếm có làng quê giữa nhịp sống hối hả chốn đô thị.

Các tin khác