“Ma trận” hàng giải khát kinh doanh ven hồ

(ĐTTCO)-Ngay từ khi trời tắt nắng, các chủ hàng nước ven các hồ tại Hà Nội đã đua nhau bày bàn ghế nhựa, mành chiếu phủ kín vỉa hè, dọc đường bao quanh hồ để kinh doanh trái phép. Phần đường dành cho người đi bộ “vô tình” trở thành nơi ăn uống vô tổ chức bởi khách ăn nhậu xả rác ngay tại hồ; thức ăn, bát đĩa bày bừa bãi ra lối đi.

(ĐTTCO)-Ngay từ khi trời tắt nắng, các chủ hàng nước ven các hồ tại Hà Nội đã đua nhau bày bàn ghế nhựa, mành chiếu phủ kín vỉa hè, dọc đường bao quanh hồ để kinh doanh trái phép. Phần đường dành cho người đi bộ “vô tình” trở thành nơi ăn uống vô tổ chức bởi khách ăn nhậu xả rác ngay tại hồ; thức ăn, bát đĩa bày bừa bãi ra lối đi.

“Điệp khúc” bị lấn chiếm

Tình trạng lấn chiếm đường bao quanh hồ để kinh doanh không phải mới xảy ra mà thực chất đã tồn tại khá lâu. Tuy nhiên, dường như đã thành thông lệ, cứ đến hè là các quán cafe, nước giải khát lại đua nhau mọc san sát để phục vụ nhu cầu “giải nhiệt” của các “thượng đế”.

“Đến hẹn lại lên”, cứ vào khoảng 19 - 20h, con đường ven hồ Tây diễn ra tình trạng ách tắc cục bộ, kéo dài tới tận đường Trích Sài. Tất cả các khoảng trống trên vỉa hè đều được các chủ cửa hàng tận dụng một cách tối đa. Nhân viên phục vụ “hồn nhiên” bê đồ ăn thức uống băng qua đường khiến việc tham gia lưu thông trên đường vốn đã khó khăn lại trở nên lộn xộn. Tại đường ven hồ Trúc Bạch, tình trạng cũng không “khá khẩm” hơn, thậm chí nhiều nhân viên phục vụ còn sẵn sàng mạo hiểm lao ra giữa đường đầy các phương tiện đang lưu thông để chèo kéo khách.

 

Tại một số hồ khác trên địa bàn Hà Nội, đơn cử như hồ Ngọc Khánh nhiều năm nay vẫn tồn tại một chuỗi quán cafe mọc nối đuôi nhau cả trăm mét. Phần vỉa hè quanh hồ cũng bị bao kín bằng tôn khiến người đi bộ thư giãn, tập thể dục phải tràn xuống lòng đường. Tại khu vực hồ Thủ Lệ và hồ Giảng Võ, tình trạng các quán cóc bán nước giải khát cũng tồn tại khiến nhiều người dân bức xúc.

“Hốt bạc”, thu lãi “khủng” mỗi tối

Với nhiệt độ ban ngày xấp xỉ ở ngưỡng 40 độ C, ngay cả khi trời tối, thời tiết vẫn vô cùng oi bức. Chính vì lý do này, không có dịch vụ nào “hốt bạc” như kinh doanh mặt hàng giải khát như trà chanh, bia hơi, nước mía...

Chị Phương Minh - chủ một quán trà đá vỉa hè gần hồ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho biết: “Chỉ với giá 3.000 đồng một cốc trà đá, nhưng trong một tối có thể thu được tiền triệu là bình thường”. Chị Minh cho biết, trung bình một ngày bán được 500 cốc. Trong khi chi phí cho mỗi cốc trà (gồm nước, chè và đá) chỉ chưa đến 500 đồng, người bán thu lãi từ 1.500 - 2.000 đồng/cốc, việc lãi 1-2 triệu đồng mỗi tối là điều hiển nhiên. Chị cũng chia sẻ thêm: “Bán nước mía lãi còn “khủng” hơn. Cứ 10.000 đồng/cốc, ngày “bét” cũng được hơn 300 cốc. Trừ cả tiền vốn, tiền mua mía, mua đá, cốc nhựa, tiền lời cũng được vài chục triệu đồng một tháng”.

Theo ghi nhận, cũng do thời tiết nắng nóng nên hàng loạt các dịch vụ “ăn theo” cũng được dịp “hốt bạc” như dịch vụ trông xe ven hồ, các cơ sở cung cấp đá, cốc đựng, dịch vụ giao đồ uống tại nhà...

Đại diện UBND quận Ba Đình thừa nhận tình trạng nêu trên vẫn còn tồn tại. Để bảo vệ cảnh quan môi trường và gìn giữ vẻ đẹp của các hồ trong khu vực Ba Đình, đồng thời duy trì văn minh đô thị, Ban chỉ đạo 197 của quận đã nhiều lần ra quân, truy quét và xử lý nghiêm các vi phạm tại khu vực này, đặc biệt là không cho bán hàng rong và trông xe trái phép quanh các hồ điều hòa. Những khu vực như khuôn viên công viên, vỉa hè… hoàn toàn dành cho người đi bộ và không thuộc quyền sở hữu của bất cứ chủ hộ kinh doanh nào. Việc các chủ cửa hàng thỏa thuận, chia nhau từng khu vực trên vỉa hè và mặt đường để buôn bán là hoàn toàn trái phép.

Các tin khác