Lúng túng chấn chỉnh giáo dục

(ĐTTCO) - Bộ Giáo dục-Đào tạo vừa đưa ra dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, để lấy ý kiến cộng đồng. Đây là một động thái tích cực nhằm chấn chỉnh thực trạng giáo dục đang nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc xã hội. 

Tuy nhiên, biện pháp tài chính không thể nào đắc dụng đối với việc dạy và học hiện nay. Nhiều ý kiến góp ý rằng nghị định đang phơi bày không ít lúng túng của những người soạn thảo khi quá chú trọng đến tiền bạc.

Phân xử đúng sai bằng tiền bạc
Cách đây 5 năm, Bộ Giáo dục-Đào tạo từng ban hành Quy định về xử phạt hành chính cho nhà trường, nhưng không khả thi. Lần này, dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục có vẻ bài bản hơn, chi tiết hơn. Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục-Đào tạo cho biết: “Chúng tôi không đặt nặng việc phải xử phạt nhiều, càng không lấy việc phạt nhiều làm tiêu chí thi đua. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục chưa áp dụng hình thức phạt nguội như vi phạm giao thông. Nếu người dân cung cấp clip cũng không thể xem là bằng chứng để xử phạt, mà đó có thể là căn cứ để lập đoàn kiểm tra, thanh tra xác minh sự việc trong một thời gian nhất định. Chỉ khi xác minh sự việc đúng như phản ánh mới có thể xử lý vi phạm được”. 
Tuy nhiên, chỉ cần đọc lướt qua một số điều khoản đã thấy những bất cập vừa trớ trêu vừa chua chát. Dự thảo nghị định nêu một khung giá đáng giật mình: xúc phạm nhân phẩm của giáo viên hoặc học sinh có thể bị phạt 10-20 triệu đồng, xâm phạm thân thể của giáo viên hoặc học sinh có thể bị phạt 20-30 triệu đồng. Nếu đem đồng tiền ra đo lường, khi đó nhân phẩm đang bị xem nhẹ hơn thân thể. Đối với môi trường giáo dục, nhân phẩm phải quan trọng hơn thân thể.
Một vết roi hiện hữu dù gây đau đớn cũng không thể để lại di chứng khủng khiếp bằng một lời nói tổn hại danh dự của giáo viên lẫn học sinh. Những trường hợp đã xảy ra trên thực tế như phụ huynh bắt giáo viên phải quỳ gối trước mặt đồng nghiệp nhiều giờ, hoặc giáo viên bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau ngay tại lớp, chỉ nhẹ nhàng xử phạt hành chính ư? Muốn học đường không bạo lực, phải có những cách giải quyết cứng rắn và hợp lý hơn, đừng áp dụng tư duy kinh tế vào. 
Lúng túng chấn chỉnh giáo dục ảnh 1 Dự thảo nghị định quản lý giáo dục bị phản ứng vì quá chú trọng đến tiền bạc. 
TS. Vũ Thu Hương, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phân tích: “Phạt học sinh bằng đòn roi, không phải lúc nào cũng là hành vi bạo hành. Kết tội người thầy trong các trường hợp phạt trẻ mà không cần quan tâm người trò đã làm gì, đã cư xử hoặc hành động gì, có nguy hiểm đến ai không, có gây ra hậu quả gì không là việc làm không thỏa đáng. Thí dụ, học trò hỗn láo bị thầy giáo phạt một roi, nhưng sau đó người thầy có thể bị tước quyền dạy trẻ vài tháng, phạt vài chục triệu đồng. Đây là điều không hợp tình, hợp lý, khiến giáo viên bị tổn thương và dần mất tâm huyết với nghề”.

Chạy theo “sổ vàng”, “quỹ đen”
Liên quan đến quyền lợi của người học, dự thảo nghị định cho biết sẽ xử phạt 8-15 triệu đồng đối với hành vi sửa chữa học bạ, sổ điểm, phiếu điểm, làm sai lệch kết quả học tập khác gì chỉ đường mở lối cho sự gian dối. Trong giáo dục, không thể chấp nhận bất kỳ yếu tố mờ ám nào. Nếu bị phạt tiền để có thể thay đổi điểm số, có lẽ sẽ nhiều người dùng tiền để mua bán điểm số. Khi phát hiện dấu hiệu đánh tráo kết quả học tập hoặc kết quả thi cử, cần phải chuyển giao cho cơ quan chức năng khởi tố vụ án hình sự. 
Dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục lại đưa ra những điều khoản giống như xây dựng một mô hình dạy và học kiểu phẫu thuật thẩm mỹ không xâm lấn. Không dao kéo trong phẫu thuật thẩm mỹ đơn giản, nhưng không ngược ngạo lấp liếm trong giáo dục lại cực kỳ phức tạp. Có 2 câu chuyện mà biện pháp khống chế tài chính không thể nào ngăn chặn triệt để là lạm thu và dạy thêm.
Theo dự thảo, cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng nếu không công khai thu, chi tài chính theo quy định hoặc không thông báo trước dự kiến học phí toàn khóa học và lộ trình tăng học phí. Với hành vi chi sai, tổ chức, cá nhân vi phạm bị phạt 10-15 triệu đồng. Ngoài ra, với việc tổ chức thu các khoản sai quy định, trường học cũng bị phạt 15-20 triệu đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả gồm buộc thu hồi, nộp ngân sách nhà nước đối với các khoản chi không đúng quy định, buộc trả lại cho người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại. Nếu chỉ phạt 15-20 triệu đồng cho hành vi tổ chức thu các khoản sai quy định sẽ có vô số lãnh đạo các trường học sẵn sàng nộp phạt. Bởi lẽ, mức phạt ấy quá thấp so với những khoản thu nhiều đơn vị giáo dục có thể “sáng tác” để người đi học phải “tự nguyện” đóng góp. Mặt khác, nhà trường chỉ cần thông qua hội phụ huynh sẽ hoàn toàn hợp thức hóa được các loại “sổ vàng” hoặc “quỹ đen”.

Trả lại chức năng nghề cao quý
Dạy thêm cũng như lạm thu, vẫn sẽ là tệ nạn kéo dài, nếu không có chính sách cải cách tiền lương cho giáo viên. Năm 2012, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã ban hành thông tư về quản lý dạy thêm, khiến ở nhiều địa phương có hiện tượng mai phục để bắt quả tang giáo viên mở lớp dạy thêm tại nhà. Bi kịch dở khóc dở cười ấy đến hôm nay được quy thành luật “cắt giảm nội dung chương trình ở buổi chính khóa để đưa vào nội dung dạy thêm, hoặc dạy trước chương trình nội dung chính khóa” với mức phạt 5-6 triệu đồng. Hành vi bị phạt nặng nhất “ép học sinh học thêm” với mức phạt 10-15 triệu đồng.
Nghe thật buồn cười, vì làm sao xác định “ép” hay không “ép”. Trước khi mở lớp dạy thêm, giáo viên chỉ cần kêu gọi học sinh viết một đơn “đồng ý học thêm”, cơ quan quản lý dựa vào đâu để xử lý? Hơn nữa, dạy thêm là một dạng lao động ngoài giờ, chứ không phải hành vi buôn lậu hoặc trốn thuế. Hãy nhìn sang, với thu nhập tương đối tốt, giáo viên các trường quốc tế có cần dạy thêm đâu.
Một băn khoăn nữa dành cho dự thảo xử phạt là: Ai có quyền xử phạt? Theo quy định, người có thẩm quyền xử phạt chỉ gồm thanh tra Bộ Giáo dục-Đào tạo khoảng 30 người, thanh tra tại các Sở Giáo dục-Đào tạo khoảng 300 người, cùng các chủ tịch UBND xã, huyện, tỉnh. Việc xử phạt cũng chỉ được thực hiện khi lập biên bản xử phạt. Rắc rối tiếp theo, không phải ai cũng lập biên bản xử phạt được, mà phải là cán bộ công chức, viên chức đang thi hành nhiệm vụ. Thí dụ, như đoàn thanh tra, kiểm tra đang thi hành nhiệm vụ thì phát hiện và xử lý. 
Dùng biện pháp tài chính có thể chấn chỉnh giáo dục không? GS. Phạm Tất  Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam ái ngại: “Tôi không hiểu sao lại nghĩ ra cách đối xử với nhà giáo bằng cách phạt tiền. Giáo viên vi phạm đạo đức, chuẩn mực của nhà giáo cần xử lý cách khác, chứ họ không phải là người buôn bán trốn thuế hay gian lận để vụ lợi mà phải xử phạt bằng tiền”.
Cũng tương tự, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ: “Giáo dục là môi trường đặc thù, nên các hành xử trong nhà trường cần phải lưu ý để đừng gây nên những hệ quả phản giáo dục. Một sai sót xảy ra, trước hết xem xét trên yếu tố giáo dục. Nếu mức độ nghiêm trọng cần phải xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự. Những trường hợp phải xử lý hành chính nên để các cơ quan chức năng xử lý, chứ không nên để ngành giáo dục phạt. Tôi nghĩ trong một nhà trường mà chỉ chăm chăm soi xét để phạt tiền cán bộ, giáo viên rất khó. Nhà trường không phải đồn cảnh sát”.

Các tin khác