Lời nhắc nhở cần thiết

Sau Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất, công chúng choáng váng khi nghe tin tỉnh Bạc Liêu đã phải chi hơn 2.000 tỷ đồng cho sự kiện văn hóa này. Tất nhiên, trước những bức xúc của dư luận, tỉnh Bạc Liêu cũng nhanh chóng giải thích rằng, có công trình phục vụ Festival cuối tháng 4-2014 và cũng có công trình phục vụ đời sống lâu dài.

Sau Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất, công chúng choáng váng khi nghe tin tỉnh Bạc Liêu đã phải chi hơn 2.000 tỷ đồng cho sự kiện văn hóa này. Tất nhiên, trước những bức xúc của dư luận, tỉnh Bạc Liêu cũng nhanh chóng giải thích rằng, có công trình phục vụ Festival cuối tháng 4-2014 và cũng có công trình phục vụ đời sống lâu dài.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi làm việc với các lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu ngay sau đêm khai mạc Festival đã có lời nhắc nhở cần thiết: “Tôi chú ý đồng chí bí thư nói cảm ơn đồng bào đã chấp nhận khó khăn để cho Festival tổ chức thành công. Nghe xúc động nhưng đồng bào có chấp nhận không trong điều kiện khó khăn quá thế này... Trong điều kiện còn nghèo, nếu để lựa chọn giữa xây dựng 13 tuyến đường về trung tâm xã và xây dựng nhà hát, tôi nhất định chọn làm đường. Hoặc chọn việc kéo điện cho 371 tuyến dân cư đang chưa có điện. Nghèo, nhà không có điện, làm sao hát hò được các đồng chí? Nhà hát cần, nhưng trong điều kiện khó khăn hiện nay, nên để làm sau. Còn chưa có nhà hát thì hát ở nhà. Đờn ca tài tử không phải đến nhà hát đâu, trên sông cũng hát được”.

Ngoài Nhà hát Cao Văn Lầu với biểu tượng ba chiếc nón lá được xây dựng với kinh phí 222 tỷ đồng mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp đề cập, nhân dịp Festival Đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu cũng tưng bừng khánh thành Quảng trường Hùng Vương với kinh phí 118 tỷ đồng; hệ thống đèn pha cao áp với kinh phí 3,7 tỷ đồng; hệ thống màn hình thông tin bằng đèn LED với kinh phí 3,4 tỷ đồng; hệ thống cây xanh khu vực quảng trường với kinh phí 4,5 tỷ đồng; sân phun nước nghệ thuật âm sàn và biểu tượng 3 dân tộc với kinh phí 6,7 tỷ đồng; trung tâm hội chợ triển lãm 67 tỷ đồng...

Với một tỉnh chưa được xếp hạng giàu như Bạc Liêu mà mạnh tay chừng ấy ngân sách trong một thời gian ngắn, quả thật đáng bận tâm. Theo thổ lộ của tỉnh Bạc Liêu, họ muốn đi lên bằng văn hóa. Đúng, mục đích hoàn toàn chính xác, văn hóa giúp đô thị nhỏ tồn tại không chút mặc cảm khi so sánh với những đô thị lớn. Thế nhưng, văn hóa không phải chuyện ngày một ngày hai, văn hóa cần chiến lược bền vững và thời gian bồi đắp. Không vì tác phẩm điêu khắc cây đờn kìm cách điệu được làm với kinh phí 20 tỷ đồng, mà người dân Bạc Liêu hiểu ngay giá trị đờn ca tài tử và người dân cả nước nhận ra phẩm chất văn hóa xứ Bạc Liêu.

Không thể nhân danh văn hóa để chi tiền tỷ một cách vội vàng. Lời nhắc nhở của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không chỉ dành riêng cho tỉnh Bạc Liêu.

Các tin khác