Loay hoay tìm mục tiêu giáo dục

(ĐTTCO) - Sáng 28-12, tại Trường ĐH Luật TPHCM đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia về Góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Hàng loạt vấn đề “nóng” như xác định mục tiêu và triết lý giáo dục, xây dựng cơ chế xã hội hóa, giữ hay bỏ kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục được các đại biểu sôi nổi bàn thảo.
Giảm áp lực kỳ thi THPT quốc gia
Phát biểu tại hội thảo, TS Phạm Thị Ly, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá giáo dục đại học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, giáo dục là cả một quá trình gồm nhiều yếu tố đánh giá chứ không nên đánh giá người học chỉ qua một bài thi hay một kỳ thi gồm 4 - 5 môn học. Nếu lấy kết quả thi cử để đánh giá năng lực người học, chúng ta đã vô tình đánh giá thấp những yếu tố khác của giáo dục, tạo cơ hội nảy sinh tâm lý học chỉ để thi trong học sinh.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho biết, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã đánh giá năng lực học tập vào những năm giữa cấp như lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất nên có thêm chứng nhận hoàn thành chương trình THPT cho học sinh học xong lớp 12 nhưng không có nhu cầu thi hoặc thi không đậu kỳ thi THPT quốc gia, nếu em nào thi đậu sẽ có thêm bằng tốt nghiệp THPT.
Ở quan điểm ngược lại, thầy Trịnh Duy Trọng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, cho rằng, nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia. Nhà giáo này phân tích, sau khi kết thúc 3 năm học của bậc THPT, cần có một cột mốc đánh giá lại toàn bộ quá trình học tập của học sinh, làm cơ sở chuyển qua giai đoạn học tập mới là giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, thầy Trọng kiến nghị phải điều chỉnh kỳ thi theo hướng nhẹ nhàng, không gây áp lực cho học sinh, trong đó thay đổi quan trọng nhất là quy mô và cách thức tổ chức.
Loay hoay tìm mục tiêu giáo dục ảnh 1 Cô và trò Trường THPT Trần Khai Nguyên, TPHCM  trong giờ học môn Lịch sử. Ảnh: HOÀNG HÙNG 
Thầy Trọng cho rằng, kết quả kỳ thi là cơ sở dữ liệu chung cho các trường phổ thông để từ đó cơ quan quản lý có thể phân tích, đánh giá hoạt động của toàn bộ cấp học, xây dựng cơ chế quản lý và thiết kế chương trình phù hợp. Một cách nhìn khác, PGS-TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, cho rằng, bất cập hiện nay của kỳ thi THPT quốc gia là ngoài mục tiêu đánh giá kết quả học tập của học sinh còn làm cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng xét tuyển khiến kỳ thi trở nên nặng nề, tạo thêm áp lực cho cả cơ sở giáo dục lẫn người học.
Quan tâm hơn vấn đề đầu tư tài chính
Theo Nhà giáo nhân dân, GS-TS Phạm Phụ, Luật Giáo dục (sửa đổi) đến nay vẫn khiến dư luận chưa thể an lòng do giải quyết chưa triệt để vấn đề tài chính. Nhà giáo này phân tích, khi lương giáo viên chưa đủ sống, vấn đề dạy thêm, học thêm chưa có biện pháp quản lý phù hợp, chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên sư phạm không tạo được sức hút thì khó bàn rộng nhiều vấn đề khác.
Cũng liên quan đến tài chính, luật gia Dương Minh Kiên, Phó chủ tịch Hội Luật gia quận Gò Vấp, cho rằng, thực tế hiện nay, nhiều trường tư mở ra nhưng hoạt động lay lắt, ít trường tồn tại được do thiếu học sinh. “Cái nào tư nhân làm được nên để tư nhân làm. Không thể vừa kêu gọi tư nhân xã hội hóa vừa đặt ra mục tiêu phát triển hệ thống trường công, tạo ra nghịch lý là một bên ngân sách gánh nặng trả lương cho đội ngũ, trong khi bên kia đầu tư của tư nhân cũng không hiệu quả”, vị luật gia cho biết.
Nhìn nhận cụ thể hơn về dự thảo luật, PGS-TS Nguyễn Văn Vân, Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TPHCM, nhận định: “Điểm tiến bộ của dự thảo luật lần này là thiết kế thêm hẳn một chương mới quy định về chế độ tài chính, tài sản và ưu đãi đầu tư trong giáo dục. Tuy nhiên, những điều luật này sẽ khó áp dụng khi nhiều luật chuyên ngành khác về tài chính, thuế, đất đai, tín dụng… chưa tương thích”.
Vì vậy, để vận hành Luật Giáo dục (sửa đổi) cần sự đổi mới đồng bộ của nhiều ngành liên quan. Ngoài ra, nên chuyển từ cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước theo tỷ lệ đồng đều đối với tất cả ngành học sang cơ chế nhà nước đặt hàng đối với một số ngành đặc thù mũi nhọn mà nhà nước và xã hội cần nhưng khó thực hiện xã hội hóa, đồng thời thay đổi cơ chế hỗ trợ thông qua học phí thấp đối với sinh viên sang cơ chế cấp học bổng tương xứng với chi phí đào tạo và đặc thù ngành nghề được đặt hàng.
Dự kiến, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được trình và thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 7 diễn ra vào giữa năm 2019.
 Điều chỉnh trong tuyển sinh ngành sư phạm năm 2019
Ngày 28-12, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến về Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng và trung cấp sư phạm năm 2019 với sự tham gia của chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm.  
6 điểm dự kiến sửa đổi bổ sung như sau: các trường có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia phải thực hiện tất cả các bước của quy trình xét tuyển, tránh trường hợp bóc tách tuyển sinh trước gây xáo trộn; cung cấp đầy đủ các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm trong thời gian 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp; quân nhân dự thi nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại nơi có sự thay đổi chính sách ưu tiên theo khu vục (hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn); nhóm ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe bộ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển; các trường tiếp nhận và lưu bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia; thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển các trường khác ở đợt tiếp theo. 
THANH HÙNG

Các tin khác