Loạn… lễ hội

(ĐTTCO) - Sau Tết Nguyên đán, mùa lễ hội đã được khởi động. Trong suốt tháng giêng, cả nước có hàng ngàn lễ hội lớn nhỏ khác nhau. Có những lễ hội đã trở thành truyền thống văn hóa, nhưng cũng có những lễ hội được khai diễn chủ yếu để thu hút khách du lịch với những toan tính khác nhau.

 Bất cập nảy sinh, lễ hội bị lạm dụng quá mức biến tướng theo bao nhiêu sắc thái dở khóc dở mếu. Nét đẹp lễ hội thuần túy biến mất, và không còn ai phân biệt được lễ hội cầu may, lễ hội cầu lợi, hay lễ hội mê tín?

1. Không phủ nhận, lễ hội là một sản phẩm của đời sống gắn kết cộng đồng. Mảnh đất nào càng có bề sâu lịch sử, càng có những lễ hội đậm đà phong vị xứ sở. Địa phương biết cách khai thác giá trị đích thực của lễ hội, sẽ có được vị trí cạnh tranh mới trong quá trình xây dựng và phát triển. Không ít nơi nỗ lực gìn giữ vai trò của lễ hội một cách văn minh.
Thí dụ, tỉnh Bình Dương có lễ hội Chùa Bà ở thành phố Thủ Dầu Một thu hút hàng triệu khách thập phương thăm viếng mỗi dịp Rằm tháng Giêng, đã quyết định tiêu chí tổ chức “không đốt vàng mã, không xả rác, phát nhang miễn phí”. Thậm chí, khu vực xung quanh Chùa Bà còn cung cấp wifi, nước uống và bánh mì miễn phí nhằm tạo không gian trong lành và thân thiện cho lễ hội.
Tuy nhiên, lễ hội hiện nay đã chịu tác động của những bộ óc kinh tế thị trường. Người ta xúng xính quần là áo lụa đi chùa cầu lộc để thỏa mãn lòng tham, mà không hề có chút ý niệm về tâm linh. Vứt tiền lẻ lên bệ thờ, dúi tiền lẻ vào tay Phật, hòng hối lộ thần thánh giúp mình mua may bán đắt ư? Phật từ bi che chở chúng sinh, nhưng Phật không thể đáp ứng thói hư tật xấu của bá tánh trăm miền.
Loạn… lễ hội ảnh 1 Một lễ hội bị biến tướng. 
Kinh doanh chùa chiền đang là một xu hướng đáng báo động. Như Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ ở An Giang đã tăng giá vé lên gấp 9 lần và đặt 12 thùng công đức ở khắp các vị trí để nhận tiền của du khách. Không ai tin họ làm điều ấy vì niềm tin vào Phật pháp nhiệm màu. Tâm linh không phải món hàng để cò kè ngã giá và mua bán nhập nhèm một đồng vốn bốn đồng lãi. Với sự chen chúc và bát nháo ấy, đức hạnh bị giễu cợt mà kinh kệ cũng bị mỉa mai. Hương khói lòng thành sẽ bay về đâu, khi người ta nấp sau lưng Phật để mưu đồ những lợi ích thấp hèn.
Một thực trạng nữa không thể không đề cập là biểu hiện mê tín dị đoan đang bủa vây chùa chiền. Tất nhiên, không phải là chủ trương của những giới sắc tôn giáo, nhưng sự buông lỏng quản lý đang tạo cơ hội cho nhiều tệ nạn xuất hiện. Những cuộc cúng sao giải hạn kéo dài nhiều ngày, những mâm lễ vật hoành tráng ngất ngưởng, những bó nhang khổng lồ cháy rừng rực như đuốc ban ngày, có ý nghĩa gì cho sự bình an và sự thịnh vượng? Ngoài ra, các dịch vụ bói toán cũng tranh thủ ăn theo.
Có không ít ngôi chùa nổi tiếng, nhưng ngay bái đường và chính điện đã có bàn xin xăm giải quẻ, còn mọi góc sân đều có chiêm tinh gia mời gọi du khách đặt tiền xem chỉ tay, xem tử vi, xem tướng số. Nhu cầu kiếm ăn dựa hơi thần thánh khiến những Phật tử chân chính ngao ngán. Hung cát của mỗi số phận không phải do “tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt” nữa. Người đi chùa lại tin cậy thầy bói khác gì bái phỏng ma quỷ siêu sanh tịch độ.

2.Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ VH-TT-DL, mỗi năm ở nước ta có gần 8.000 lễ hội, trong đó phân nửa được diễn ra trong tháng giêng. Nghĩa là mỗi ngày của tháng giêng, ở tỉnh nọ hoặc ở huyện kia, đều có lễ hội rầm rộ. Lễ hội lớn thu hút hàng triệu du khách, còn lễ hội nhỏ thu hút hàng trăm người dân địa phương. Lễ hội nào cũng được thêu dệt những huyền thoại đẹp đẽ, nhưng thực tế lại phơi bày không ít hình ảnh nhem nhuốc và phản cảm. Đặc biệt, lễ hội nào cũng gắn với yếu tố cầu may: chọi trâu, đá gà, đấu vật, chém lợn cầu may… Chuyện may rủi ở đời làm sao tiên liệu được, nhưng thái độ cầu may vẫn lan tràn đến mức khủng khiếp. 
Đơn cử như lễ hội bắt Ông Cầu ở Phú Thọ. Đây là lễ hội nhằm tái hiện việc lạc hầu, lạc tướng dưới thời vua Hùng tổ chức bắt lợn rừng để rèn luyện binh sĩ và khao quân mỗi khi chiến thắng. Mỗi năm, có 2 gia đình trong xã được chọn để nuôi lợn trở thành "ông cầu”. Gia đình được chọn nuôi lợn cũng vẻ vang vì phải được công nhận là gia đình văn hóa, còn cả bố mẹ, có cả con trai và con gái.
Con lợn được chuyển vào chuồng đặc biệt làm từ nhiều lớp lá cọ, cửa hướng ra đền. Từ đây, con lợn được gọi là “ông cầu”. Từ ngày 23 tháng Chạp, "ông cầu" chỉ ăn cháo hoa. Trong ngày mùng 5 Tết, lợn chỉ ăn hoa quả, bánh kẹo để giữ sự chay tịnh, sạch sẽ. Sau đó, “ông cầu” được thả ra cho thanh niên đuổi bắt. Và khi “ông cầu” bị tóm, người ta lao vào bứt lông để cầu may. 
Chuyện bứt lông lợn ở lễ hội bắt Ông Cầu cũng tương tự chuyện giành sợi chiếu ở lễ hội Đúc Bụt ở Vĩnh Phúc. Hàng năm, thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương đều có màn cướp chiếu thiêng được nhiều người mong đợi. Nam thanh nữ tú lẫn quý bà quý ông cùng xô đẩy nhau để giành giật những manh chiếu với mong muốn nắm trong tay vài sợi chiếu sẽ có tài lộc đến nhà, hoặc sinh được con trai. Những lễ hội như vậy, rất khó phân biệt là trò chơi lúc nông nhàn hay hủ tục mê tín.  

3. Lễ hội thể hiện trầm tích văn hóa và đức tin của một vùng đất hoặc một nhóm người. Đó là điều đáng trân trọng và nâng niu. Thế nhưng, khi lễ hội trở thành nơi để trục lợi cá nhân, hối lộ thần thánh, để tổn thương lẫn nhau rất đáng sợ. Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, một thực tế đáng buồn là nhiều người không biết mình đang đến đình, đền, chùa nào, thờ ai, đến làm gì, cầu gì…
Đại đa số đang trong tình trạng lờ mờ về sự hiểu biết tín ngưỡng lễ hội, bởi vậy dẫn tới hành động "loạn" và ra sức tranh cướp các vật phẩm tượng trưng cho sự may mắn. Những hành động tranh cướp, đánh nhau, chen lấn ở lễ hội cướp phết, hội Gióng và đền Trần vừa qua cũng bởi nhiều người đi lễ không có sự hiểu biết về tín ngưỡng mà hành động vì mê tín, a dua.
Những hành động giẫm đạp lên bệ thờ, tranh cướp vật phẩm thờ cúng là hành vi vô văn hóa, nếu không muốn nói là báng bổ thánh, thần. Hiện nay, lễ hội đang đứng trước nguy cơ nhất thể hóa, đơn điệu hóa. Hội làng nào vùng nào cũng na ná như nhau, làm thui chột đi tính đa dạng của lễ hội. Du khách thập phương sau một vài lần dự hội cảm thấy nhàm chán và không còn hứng thú đi chơi hội nữa. 
Còn GS.TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cũng không giấu được âu lo: “Những thứ nhếch nhác chúng ta nhìn thấy tại lễ hội không phải là mặt trái của lễ hội mà chỉ là những yếu tố ký sinh. Nó được sinh ra không phải từ lễ hội mà do tính vụ lợi của nền kinh tế thị trường và sự thiếu niềm tin trong tâm lý người dân.
Có lẽ người tham dự lễ hội nghĩ rằng mình cúng thần thánh bao nhiêu sẽ được nhận lại ít nhất là bằng hoặc hơn thế. Cách tốt nhất để quản lý tốt lễ hội là cần tăng cường công tác tuyên truyền ý thức của người dân, bắt đầu từ việc giáo dục trong nhà trường, để người dân hiểu và không tin vào những điều mê muội”. 

Các tin khác