Lo mưa lũ, dịch bệnh hoành hành

(ĐTTCO) - Theo cảnh báo, thời tiết trong tháng 8 rất phức tạp, báo động có nhiều đợt mưa lớn, sạt lở ở miền Bắc và lũ lên cao ở đồng bằng sông Cửu Long.
Mưa lũ bất thường
Ông Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia), cho biết, số lượng các đợt mưa và bão còn tương đối nhiều trong những tháng tới. Sẽ có khoảng 8 - 10 cơn bão hoạt động trên khu vực biển Đông từ nay đến cuối năm 2018, trong đó có 4 - 5 cơn ảnh hưởng tới đất liền nước ta, chủ yếu trong tháng 9 và 10.
Hiện ở đồng bằng sông Cửu Long đang bắt đầu vào mùa lũ và mưa, đỉnh lũ sẽ là tháng 10-2018 nhưng theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, hiện đang có dấu hiệu của hiện tượng El Nino quay trở lại (có thể vào cuối tháng 10 hoặc 11). Vì vậy, sau lũ lụt ở Nam bộ sẽ là thời kỳ hạn hán, xâm nhập mặn có xu hướng gay gắt hơn. Giai đoạn bắt đầu sẽ là tháng 12-2018 và khả năng sẽ gay gắt nhất từ tháng 1 đến tháng 3-2019.
Chiều 2-8, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, tại miền Bắc thời tiết vẫn còn rất xấu kể từ sau cơn bão Sơn Tinh. Hiện tại, rãnh áp thấp có trục đi qua 21-23 độ vĩ Bắc, nối với vùng áp thấp trên khu vực Bắc bộ vẫn đang gây mưa lớn ở miền Bắc trong khi nhiều nơi vẫn chưa hết ngập. Từ đêm 3-8, khi các hình thái thời tiết xấu phát triển, tại các tỉnh Bắc bộ lại có mưa, mưa vừa; khu vực vùng núi và trung du có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, trong tháng 8-2018 sẽ có khoảng 18-20 ngày có mưa, nhiều hơn trung bình mọi năm (cùng kỳ) khoảng 20%-30%. 
Lo dịch bệnh bùng phát
Tại các vùng đang ngập lụt ở phía Tây Hà Nội, đến nay nước lũ đã ngâm hơn 10 ngày, nguy cơ dịch bệnh do gia súc chết, rác thải trôi nổi, nguồn nước ô nhiễm. Sở Y tế TP Hà Nội xác nhận tình trạng ngập lụt ở huyện Chương Mỹ kéo dài nhiều ngày không chỉ làm cuộc sống của người dân bị đảo lộn mà ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Đã có 10 bệnh nhân có dấu hiệu bệnh da liễu, 6 bệnh nhân bị tiêu chảy và 40 bệnh nhân đang trong tình trạng bị đau mắt đỏ.
Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cho biết đã cùng Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ khám sàng lọc cho 1.544 bệnh nhân, cấp phát 4.688 lọ thuốc nhỏ mắt và thuốc phòng da liễu, tiêu chảy, 5.740 túi Cloramin B, 2.740 túi phèn chua, tổ chức tổng vệ sinh cho 347 gia đình trong vùng. Trong những ngày qua, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã lập trạm y tế dã chiến thường trực cấp cứu 24/24 giờ, tổ chức cấp phát thuốc cho người dân bị cô lập do mưa lũ.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị y tế huyện Chương Mỹ phối hợp UBND các xã tăng cường công tác y tế đảm bảo người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tốt nhất. Cần đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, tăng cường tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ; các biện pháp đảm bảo nguồn nước sinh hoạt sạch sẽ, chất lượng; chủ động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Lo mưa lũ, dịch bệnh hoành hành ảnh 1 Đoàn công tác của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam tặng quà cứu trợ người dân
vùng “rốn lũ” Chương Mỹ, Hà Nội.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cử cán bộ có trình độ chuyên môn hỗ trợ huyện Chương Mỹ giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường khi nước rút và dự trù hóa chất, trang thiết bị y tế đáp ứng việc vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Đối với Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, Bệnh viện Mắt Hà Đông và Bệnh viện Da liễu Hà Nội cần phối hợp Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cấp cứu kịp thời các trường hợp nặng, đáp ứng cơ số thuốc và tổ chức khám sức khỏe, tầm soát bệnh cho người dân... đảm bảo người dân được chăm sóc y tế tốt nhất. 
Trước đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo tới người dân vùng ngập lũ, huyện Chương Mỹ các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh. Theo khuyến cáo, người dân cần đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; diệt lăng quăng/bọ gậy, muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế; nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy… Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, trong và sau mưa bão, lũ lụt, có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm và đau mắt đỏ... có nguy cơ bùng phát, lây lan cao.
Ngày 2-8, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, tại đây có 3 trường hợp bị tử vong là do đuối nước, bất cẩn chứ không phải do bị lũ cuốn. UBND huyện Chương Mỹ đang tập trung công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, nhất là nỗ lực để các cháu học sinh tựu trường và khai giảng năm học mới vì hiện nay do lũ phân chia, cô lập nên nhiều học sinh phải nghỉ học, đến trường khó khăn. 
Cùng ngày, đoàn cứu trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tới thăm, tặng quà người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Tại đây, đoàn đã trao tặng số quà, gồm: 50 triệu đồng, hơn 1 tấn gạo, 1.000 thùng bột lọc nước và 1.000 tờ rơi hướng dẫn sử dụng cho 100 gia đình bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua.
Đồng thời, đoàn đã làm việc với chính quyền huyện Chương Mỹ và chia sẻ những thiệt hại, khó khăn mà nhân dân địa phương đang phải gánh chịu. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng tiếp tục chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và tình hình thiên tai để kịp thời có phương án hỗ trợ nhân dân.
 Tổng rà soát các khu vực bị sạt lở ở sông Đà
Ngay sau chuyến đi kiểm tra thực tế tại tỉnh Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 272/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về việc khắc phục sạt lở do mưa lũ tại tỉnh Hòa Bình. Những ngày vừa qua, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa lớn kéo dài, nhiều khu vực bị sạt lở, ngập lụt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước. Bờ sông Đà tại tổ 26 phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình đã xảy ra sự cố sạt lở nghiêm trọng làm 9 nhà dân bị đổ, nghiêng, chìm xuống sông; 35 hộ phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn, có nguy cơ đe dọa an toàn của tuyến quốc lộ 6 qua khu vực.
Phó Thủ tướng giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Xây dựng thành lập ngay đoàn công tác (mời các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia) đánh giá nguyên nhân sạt lở bờ sông Đà tại khu vực phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình. Phối hợp với địa phương tổng rà soát, đánh giá các vị trí có nguy cơ sạt lở nguy hiểm để đề ra các giải pháp khắc phục phù hợp và kiến nghị với địa phương trong việc sơ tán, bố trí lại dân cư. Bộ GTVT phối hợp với địa phương kiểm tra, đánh giá nguy cơ ảnh hưởng của sự cố sạt lở bờ sông Đà đến giao thông trên quốc lộ 6 để có phương án bảo đảm an toàn; nghiên cứu, hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố sạt lở trên tuyến tỉnh lộ 445 khu vực huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Các tin khác