Làng nghề phục chế long bào

(ĐTTCO) - Những bộ quần áo hầu đồng, long bào thành hoàng làng, khăn chầu áo ngự được sử dụng trong nghi lễ thường có giá hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

 Thoạt đầu, ai cũng nghĩ là đắt, nhưng nếu tìm hiểu kỹ về kỹ thuật và nghệ thuật thêu sẽ hiểu được về mức giá đó. Hiện nay, chỉ có làng nghề duy nhất cả nước còn giữ nghề thêu long bào đó là làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, TP Hà Nội.

Kỹ thuật thêu cổ
Ven theo Quốc lộ 1A chúng tôi tìm đến thôn Đông Cứu vào một ngày đầu thu. Không khí làng nghề có phần yên ắng hơn những gì chúng tôi tưởng tượng. Điểm hết con đường làng chỉ có dăm ba cửa hàng bày bán long bào, áo ngự, chắc tại thời điểm này chưa phải lúc diễn ra nhiều lễ hội trên đất Bắc.
Làng nghề phục chế long bào ảnh 1 Hầu như ai trong thôn Đông Cứu cũng biết thêu. 
Theo ông Đỗ Bá Hệ, một người có thâm niên trong nghề thêu long bào ở Đông Cứu: “Vào khoảng thế kỷ 15, ông Lê Công Hành, một vị quan người thôn Quất Động (Thường Tín), đi sứ bên Trung Quốc và học được nghề thêu đem về truyền lại cho dân làng. Nhưng nghề thêu cụ Lê Công Hành truyền lại cho người dân thôn Quất Động lúc bấy giờ là thêu ren, có kỹ thuật khác với cách thêu làng Đông Cứu bây giờ, sắc phong làng thêu có sớm nhất là dưới triều vua Lê Cảnh Hưng (1746), nên có thể tính khởi tổ làng nghề từ mốc đó”. Từ xa xưa, nghệ nhân Đông Cứu đã được triệu vào tận Huế thêu áo mũ, long bào cho vua và hoàng tộc. Hiện ở nước ta chỉ còn làng Đông Cứu giữ được kỹ thuật thêu cổ.
Làng nghề phục chế long bào ảnh 2 Thiếu nữ trong bộ đồ hoàng hậu. 
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, đã có lúc nghề thêu Đông Cứu phát triển cực thịnh. Đó là lúc thời nhà Nguyễn, hầu như gia đình nào trong thôn cũng theo nghề thêu, hàng sản xuất đến đâu khách nơi nơi mua hết đến đó, nhà nào nhà nấy khá giả, có của ăn của để. Đến khi thực dân Pháp vào nước ta nghề có dấu hiệu đi xuống, chỉ còn vài ba nhà làm cầm chừng.
Đến trước năm 1986 nhờ kinh tế mở cửa, tín ngưỡng dân gian được coi trọng, nghề thêu dần dần được vực dậy. Mặc dù nước ta có rất nhiều làng nghề thêu, ngay như huyện Thường Tín cũng có trên dưới 10 làng nghề thêu, nhưng mỗi làng lại có một kỹ thuật thêu khác nhau. Đối với làng Đông Cứu, đặc trưng là thêu kim tuyến trên long bào, hay còn được gọi là lối thêu cổ. Người nghệ nhân sử dụng sợi kim tuyến để thêu các đường bao và đường viền của họa tiết, như vẩy rồng, vân mây, họa tiết trang trí… Khi hoàn thành sợi kim tuyến óng ánh tạo cảm giác bắt mắt, sống động hơn nhiều so với chỉ mầu thường.

Bên cạnh đó, thêu Đông Cứu còn có nhiều kỹ thuật đặc trưng khác như nhồi đặc, thêu quắn, nhồi vòng quanh kim tuyến… Các kỹ thuật này kết hợp với nhau tạo ra các từ ngữ rất chuyên môn như “chênh lề”, “ghệch độn” chỉ có người thêu ở trình độ cao, thâm niên mới có thể thực hiện được. Bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng có ngôn ngữ riêng, và thêu cũng vậy, khi rồng phượng, hoa lá, vân mây hoàn thành, lên hình tấm áo, chúng ta sẽ thấy được sự lộng lẫy, chuyên biệt của áo long bào. Sự tỉ mỉ không chỉ ở lúc thêu, mà trước đó các công đoạn như chọn chỉ tơ, chọn sợi kim tuyến, vẽ màu, sáng tạo hình ảnh, in kiểu lên vải cũng vô cùng cầu kỳ, tỉ mẩn. Tuy cùng một màu chỉ, một mũi kim, nhưng với bàn tay khéo léo của các nghệ nhân các đường viền như mềm mại, uốn lượn và nhẹ nhàng hơn nhiều so với các sản phẩm thêu ở nơi khác.

Gìn giữ nghề tổ tiên
Thậm chí, ở làng Đông Cứu mỗi nghệ nhân lại có một thế mạnh riêng. Thí dụ nghệ nhân Vũ Văn Giỏi chuyên thêu long bào, áo ngự; nghệ nhân Nguyễn Đắc Bảy thêu quạt vải; nghệ nhân Nguyễn Bá Tuy được nhắc đến với những sản phẩm hia, hài, nón thờ mẫu…
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi cho biết: “Thêu theo kiểu hiện đại hoặc tự do người thợ tự điều chỉnh mũi kim, sợi chỉ miễn sao ra hình hài rõ ràng, đáp ứng thị hiếu khách hàng. Còn theo lối cổ phải có quy thức rõ ràng và buộc phải tuân theo, các mũi thêu có một chiều thống nhất, cách rút kim, đẩy kim thẳng, nghiêng cũng có quy định rõ. Chính vì thế một người thợ muốn thành thạo được lối thêu cổ phải học nghề ít nhất 5 năm”.
Rất hiếm người có thể thành thạo được toàn bộ các công đoạn vì áo thờ thành hoàng làng, áo ngự thường phải sử dụng nhiều kiểu thêu khác nhau. Vì vậy để hoàn thành một sản phẩm áo ngự, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi phải tỉ mẩn mất đến gần 2 năm, độ bền của áo ngự đó thường lên đến hàng trăm năm. Công sức bỏ ra nhiều, thời gian kéo dài nên sản phẩm bán ra với mức giá cả trăm triệu đồng cũng không lãi bao nhiêu. Nhưng nghệ nhân Giỏi vẫn đau đáu với nghề, âu cũng là lòng yêu nghề tổ tiên để lại và góp chút sức nhỏ gìn giữ những giá trị truyền thống xưa để lại của các nghệ nhân làng Đông Cứu.

Ngày 21-11-2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định công nhận làng nghề thêu truyền thống thôn Đông Cứu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này giúp làng nghề có thêm cơ hội phát triển, bảo tồn mới, gắn với đẩy mạnh du lịch làng nghề, nâng cao đời sống của người dân.
Hiện nay, thôn Đông Cứu có gần 500 hộ dân, trong đó có 300 hộ theo nghề thêu cha ông để lại. Trong đó, có 15 xưởng lớn có trên 10 thợ thêu lành nghề, làm việc độc lập. Không chỉ tạo ra các sản phẩm thêu độc đáo, có một không hai phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân, Đông Cứu còn là một điểm du lịch lý thú thu hút nhiều khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài. Du khách đến tạo thêm các nguồn thu nhập khác từ dịch vụ cho người dân, để từ đó người thợ thêu có đồng vốn mở rộng sản xuất và trang trải cuộc sống. 

Ông Vũ Hải, Phó Chủ tịch Hội Thêu huyện Thường Tín, tự hào: “Hiện nay nghề thêu ở Đông Cứu đang đi vào ổn định, nhu cầu đặt hàng của khách trong nước và nước ngoài khá nhiều. Kỹ thuật thêu của Đông Cứu không lẫn với kỹ thuật thêu của bất cứ lối thêu nào. Tuy vậy người thợ thêu vẫn luôn phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tâm huyết với nghề hơn nữa, tinh xảo trong từng đường kim mũi chỉ. Mỗi sản phẩm làm ra không chỉ để bày bán mà còn phải là tác phẩm nghệ thuật, gìn giữ cho các thế hệ sau chiêm ngưỡng và tự hào”.

Các tin khác