Khu vực khảo cổ Hoàng thành Thăng Long: Phát hiện khối gỗ sơn son

(ĐTTCO) - Sau gần 1 năm khai quật thăm dò và nghiên cứu chỉnh lý, ngày 16-5, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã tổ chức hội thảo “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2018”.
Theo đó, có rất nhiều dấu tích về ao hồ, đường đi lối lại trong kinh thành và đặc biệt một khối gỗ sơn son lớn đã được phát hiện tại khu vực này.
Việc khai quật thăm dò do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ phối hợp tiến hành tại khu vực phía Đông Bắc di tích nền điện Kính Thiên với tổng diện tích gần 1.000m2. Tại đây, đoàn khai quật đã mở một hố chếch về phía Đông Bắc di tích nền chính điện Kính Thiên; Phía Đông Bắc khu vực hành cung thời Nguyễn.
PGS-TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ, Chủ nhiệm công trường khai quật, cho biết, cuộc khai quật đã làm xuất lộ tầng văn hóa dày 6,5m với các lớp văn hóa có niên đại khoảng từ thời Đại La, Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến thời hiện đại.
Khu vực khảo cổ Hoàng thành Thăng Long: Phát hiện khối gỗ sơn son ảnh 1 Phát hiện khối gỗ sơn son lớn tại khu vực khảo cổ, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới cho Hoàng thành Thăng Long.
Đặc biệt, theo PGS-TS Tống Trung Tín, có 2 dấu tích kiến trúc lớn phát lộ qua đợt khai quật lần này rất đáng quan tâm, nghiên cứu sâu, nếu làm rõ, có thể khẳng định thêm về quy mô, cấu trúc của Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ rõ nét hơn. Thứ nhất là hệ thống móng đá lớn, chạy dọc từ Bắc tới Nam.
Thứ hai là các dấu tích của hệ thống hoặc là ao, hồ, hoặc cũng có thể là hào nước lớn, trong lòng hào nước tìm thấy nhiều cấu kiện gỗ, một số mảnh còn thấy rõ mộng, vết son phủ trên thân gỗ. Dấu tích này rất dài, uốn lượn phức tạp cũng chạy theo hướng Bắc Nam.
Nếu làm rõ được 2 chi tiết này sẽ có thêm câu trả lời về khu trung tâm - chính điện biến đổi thế nào qua các thời kỳ và vị trí, vai trò quan trọng của chính điện. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, những khối gỗ này là một mảnh của thuyền rồng, nhưng cũng có người nghi ngờ đây là một mảnh kiệu rồng.
Dựa trên những kết quả thu được, GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng, cuộc khai quật lần này đã đạt được thành công trong việc làm rõ bản đồ Hồng Đức. “Đây là bản đồ đưa ra nhiều tư liệu lịch sử về Hoàng thành Thăng Long thời Lê Trung Hưng ở thế kỷ thứ 17.
Nếu soi vào bản đồ Hồng Đức chúng ta sẽ thấy rõ, phía phải của hướng Đông điện Kính Thiên có chữ Ngọc Hà, ở phía trái là chữ Chí Kính. Chữ Ngọc Hà đó có người giải thích là dòng sông Ngọc cũng có lý. Vì điện Càn Nguyên khi vua Lý Công Uẩn xây dựng nên thì xung quanh cũng có rất nhiều cây cầu. Lúc đầu chúng tôi không hiểu tại sao ở một thế đất bằng như thế mà người xưa lại cho xây cầu, nhưng tìm hiểu kỹ hóa ra ngày xưa chỗ này rất nhiều sông nước.
Các cụ ngày xưa đến triều kiến vua cũng toàn phải đi thuyền. Như thế để thấy rằng, hệ thống nước có ở khu vực này từ rất sớm nhưng đã được cải tạo đi rất nhiều” - GS-TS Nguyễn Quang Ngọc nhận định. 
Cùng với di tích đường nước thời Lý, Trần, hành lang thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng tại khu vực chính điện Kính Thiên việc phát hiện thêm dấu tích hồ ao và đường móng đá, là những gợi ý tốt cho hướng nghiên cứu giới hạn của các trung tâm khu vực này qua các thời Lý - Trần.  
Theo TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, Hoàng thành quy mô lớn, quy hoạch phức tạp, đặc biệt là giai đoạn Lê Trung Hưng. Bên cạnh đó, đã tìm thấy dấu tích Lý - Trần thì cần phải đặt ra câu hỏi, điện Thiên An xưa ở vị trí nào. GS Trịnh Sinh đặt câu hỏi, hiện vật gỗ tìm thấy là kiệu hay thuyền, dấu tích tìm thấy là hào hay hồ cần phải giải mã. Trước đây chúng ta từng khai quật được thuyền ở sông Ngọc Hà. Liệu có phải thuyền rồng hay không?
Tại hội thảo, PGS-TS Bùi Minh Trí tiếp tục kiến nghị việc có chiến lược khai quật khảo cổ ở quy mô lớn và mang tính bài bản hơn để ra một bản đồ tổng thể ở các thời kỳ và các phát hiện khảo cổ học, từng bước xây dựng bức tranh khảo cổ học toàn diện về Hoàng thành Thăng Long.

Các tin khác