Khi nghệ sĩ hài méo mặt vì tiền

(ĐTTCO) - Điểm diễn ít, các nhóm hài phải chuyển hướng sang đóng phim, kinh doanh. Tuy nhiên, cuộc sống của họ vẫn khó khăn vì cát-xê thấp, bị ép giá.

(ĐTTCO) - Điểm diễn ít, các nhóm hài phải chuyển hướng sang đóng phim, kinh doanh. Tuy nhiên, cuộc sống của họ vẫn khó khăn vì cát-xê thấp, bị ép giá.

“Mỗi tuần chỉ còn 1-2 show diễn, chúng tôi phải chuyển hướng khác kiếm sống”, đó là hoàn cảnh của các nhóm hài nhỏ ở TP HCM. Sân khấu nói chung và hài kịch nói riêng đang rơi vào khủng hoảng, do bị ảnh hưởng trước sự lớn mạnh của truyền hình thực tế.

Điểm diễn hài đã giảm 80%
Đầu những năm 2000, TP HCM là mảnh đất màu mỡ của hài kịch bởi khắp thành phố có tới 40 điểm với sự góp mặt của 28 nhóm hài. Vì thế, mỗi nhóm hài có thể chạy tới 10 show trong một ngày là bình thường. Có nhiều đất diễn nên đa số các nghệ sĩ hài, kể cả những người nổi tiếng như Nhật Cường, Hoàng Sơn… đều tập trung vào sân khấu, chỉ coi phim ảnh là việc phụ. Đạo diễn Lê Quốc Nam từng chia sẻ: “Tốt nghiệp đạo diễn loại giỏi của trường sân khấu, tôi nhận được nhiều lời mời đạo diễn, các anh em khác cũng có nhiều cơ hội để làm việc nhưng mọi người đều từ chối vì ai cũng sợ làm việc khác, tối không có sức đi diễn hài được”.

Hiện tại, các tụ điểm hài đã giảm tới 80%. Từ 40 điểm diễn, bây giờ chỉ còn sân khấu Trống Đồng, 126 và phòng trà MTV duy trì lịch diễn hài kịch. Số lượng cũng giảm nhiều, từ 7 ngày trong tuần, nay chỉ còn 2 show/ tuần với mức cát xê thấp, vài trăm ngàn. Do đó, thu nhập của diễn viên hài từ sân khấu không giúp họ đảm bảo cuộc sống. Nghệ sĩ hài phải chạy vạy khắp nơi tìm kiếm cơ hội làm việc. Không chỉ ở trung tâm thành phố, họ phải chịu khó đi xa, diễn các sân khấu ở vùng ngoại thành và các tỉnh lân cận TP HCM. Chưa đủ, các nhóm hài lại tản ra đi đóng phim, tham gia truyền hình thực tế, mở quán cà phê, quán ăn…

Trưởng nhóm hài Tùng Linh tiết lộ: “Nếu trông chờ vào sân khấu, chúng tôi không đủ sống. Để tồn tại, nhóm tôi phải đi quay chương trình truyền hình thực tế, đóng phim và diễn sự kiện. Diễn cho nhãn hàng cát-xê cao nhưng không thường xuyên. Tháng nào có nhiều việc thì được 20 triệu nhưng vào mùa mưa, may ra thu nhập được 10 triệu”.

Với thu nhập thấp, đa số nghệ sĩ hài phải sống tằn tiện. “Nếu không khéo thu vén, chỉ cần ham nhậu, hút thuốc… thì sẽ rơi vào túng thiếu, nợ nần”, diễn viên Phi Bảo cho biết. Trưởng nhóm hài Vũ Thanh không ngại thừa nhận: “Tháng nào ít show, tôi phải vay nợ mới đủ tiền trả tiền nhà và sinh hoạt phí”.

Nghệ sĩ Duy Phương không còn đi diễn hài. Anh mới mở quán ăn.
Nghệ sĩ Duy Phương không còn đi diễn hài. Anh mới mở quán ăn.

Ngay cả nghệ sĩ tên tuổi như Duy Phương cũng phải từ bỏ sân khấu mình gắn bó nhiều năm, mở quán ăn để ổn định cuộc sống. Anh chia sẻ: “Hiện nay, hài kịch không còn đất diễn, tham gia truyền hình thực tế thì nhiều chương trình không được đầu tư, biến diễn viên hài như trò cười, ảnh hưởng đến danh dự của nghệ sĩ nên tôi không nhận. Không có được thu nhập từ nghề, tôi đành mở quán ăn”.

Chung nỗi niềm với Duy Phương, diễn viên, đạo diễn Lê Quốc Nam từng đình đám với nhóm hài Đen trắng cũng phải từ bỏ hài, tập trung kinh doanh quán cà phê.

Nghệ sĩ hài bị ép giá cát-xê
Sân khấu hài teo tóp, diễn viên hài buộc phải chuyển hướng, tìm kiếm cơ hội với phim ảnh, chương trình truyền hình. Đa số họ không có vẻ ngoài nổi bật, sức diễn không đa dạng nên chỉ nhận được những vai phụ, vai nhỏ với mức cát-xê thấp.

Nghệ sĩ Phi Bảo không quên được lần đầu tiên đóng phim truyền hình cách đây 5 năm. Khấp khởi vì được nhận vai, diễn viên có vóc dáng nhỏ bé, quên việc hỏi giá cát-xê. Kết quả, anh nhận cát -xê thấp hơn mọi người, chỉ với 250 nghìn/ phân đoạn. Bây giờ, đã có kinh nghiệm trong việc trả giá nên anh nhận cát-xê 400 - 500 nghìn/phân đoạn.

Nghệ sĩ Vũ Thanh nghẹn ngào nhớ lại lần đầu đi quay phim truyền hình ở Long Thành, Đồng Nai vì chỉ nhận được cát-xê 600 nghìn/2 phân đoạn. Cảm thấy bất công, anh đã thẳng thắn nói với chủ nhiệm đoàn phim: “Để nhận được 600 nghìn, tôi phải chạy xe 30-40 km. Lỡ trên đường có việc gì thì hỏi số tiền ấy liệu có đáng? Anh có tiền ăn cơm thì cũng để cho tôi húp cháo chứ?” Đó là chưa kể, anh bị nhà sản xuất “ăn gian” phận đoạn. Anh trầm tư: “Họ nghĩ diễn viên hài cần vai, cần tiền nên tìm đủ mọi cách ép. Tôi nhận kịch bản thì họ nói có 30 phân đoạn nhưng ra trường quay thì tới 40 phân đoạn. Biết mình bị ăn gian nhưng để có tiền chi trả cuộc sống thì đành chấp nhận. Cũng vì thế mà diễn viên hài bị đánh giá là phá giá cát-xê”.

Đa số diễn viên hài hiện nay sống khó khăn, eo hẹp với thu nhập thấp nhưng khi hỏi: liệu có từ bỏ sân khấu hài? Tất cả đều khẳng định: không bao giờ bỏ.

Dù sau mỗi đêm diễn là cả khoảng trống mênh mông khi người nghệ sĩ hài nhìn xuống phía dưới. Chỉ còn vài khán giả lưa thưa dõi theo. Và đằng sau cánh gà, người nghệ sĩ vừa cười đấy, vừa vui với khán giả đấy, có thể khóc ngay khi nhận số cát-xê ít ỏi.

Các tin khác